Liên hoan phim Việt Nam 19 vừa kết thúc với một giải thưởng gây 'choáng' như thường lệ, một kết quả hòa cả làng và đầy tính thỏa hiệp phản ánh đúng thực trạng của nền điện ảnh Việt hiện nay.

Chưa bao giờ điện ảnh Việt lại chứng kiến sự ra đời rầm rộ của nhiều bộ phim nội địa như 2 năm trở lại đây. Hàng tháng đều có phim Việt ra rạp và rất nhiều kỷ lục doanh thu đã được xác lập, thu về bạc tỉ. Tuy nhiên, bề nổi đó liệu có phản ánh đúng thực trạng chất lượng của phim Việt hiện nay?

Liên hoan phim Việt Nam 19 cho thấy gần như toàn cảnh ngành điện ảnh Việt hiện nay. Các bộ phim tham gia đủ cả phim nhà nước (Nhà tiên tri), phim tư nhân (Quyên), phim độc lập từng đi LHP quốc tế (Đập cánh giữa không trung), phim chưa chiếu ở đâu (Cuộc đời của Yến) và cả phim chiếu 'nát bét' ngoài rạp (Hương ga). Trong số này có cả phim ra rạp không bán nổi một vé (Sống cùng lịch sử), phim doanh thu ngất ngưởng (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Và tất cả cùng được sắp chung một 'mâm', tức là hướng về cùng 1 giải thưởng.

{keywords}
Liên hoan phim Việt Nam 19 vừa kết thúc với một giải thưởng gây 'choáng' như thường lệ. Ảnh minh họa: Vy Uyên

Vì BGK đã xem phim từ trước nên đến ngày khai mạc, kết quả đã lộ khắp nơi, khiến người mừng, kẻ bực. Và buồn là nhiều phim dù dư luận biết tỏng chất lượng nhưng lại được nhắm vào giải cao. Ngày công bố kết quả, cũng có giải tìm đúng người nhưng cũng có giải ít ai phục, và lại là một LHP 'vui cả làng'. Nhiều người chờ đợi những phim kém chất lượng bị thải loại nhưng cuối cùng, kết quả không được như kỳ vọng. Vì vậy, cho dù có giành giải cao nhất thì chưa chắc những người thắng giải hay phim thắng cuộc đã là xuất sắc nhất được người trong giới nể phục.

Năm nay cả 3 phim giành giải cao nhất là 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' (Bông sen vàng), 'Cuộc đời của Yến' và 'Những đứa con của làng' dù nhà sản xuất khác nhau nhưng đều là những phim do nhà nước tài trợ vốn và đặt hàng. Trong số này, gặp dư luận nhiều nhất là 'Cuộc đời của Yến', bộ phim điện ảnh thứ 2 do đạo diễn sinh năm 1989 Đinh Tuấn Vũ thực hiện.

Một bộ phim khai thác đề tài cũ mòn, đạo diễn tỏ ra không kiểm soát được bộ phim nhưng cuối cùng 'Cuộc đời của Yến' giành nhiều giải nhất (5 giải) khiến nhiều người bất ngờ hơn cả. Trong khi đó, hai bộ phim được đánh giá cao là 'Người trở về' và 'Đập cánh giữa không trung' của hai nữ đạo diễn 8x chỉ giành được giải Biên kịch và Nam diễn viên phụ.

{keywords}
Ảnh minh họa: Vy Uyên

Đáng nói nữa, đây là kỳ thứ 2 liên tiếp mà đạo diễn Việt kiều Victor Vũ giành đồng thời cả Bông sen vàng lẫn giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Kỳ LHP VN 18 tại Quảng Ninh, đạo diễn sinh năm 1975 này giành giải với 'Scandal – Bí mật thảm đỏ', còn kỳ này là 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', cả hai bộ phim đều có doanh thu cao ngất. Trên thế giới khó tìm thấy LHP hay giải thưởng nào, ngay cả Cannes hay Oscar mà 2 năm liên tiếp cùng 1 người thắng cả giải vàng lẫn đạo diễn nhưng ở LHP VN thì đã thấy điều này. Phải chăng chúng ta ngại đột phá hay vì có quá ít phim hay và đạo diễn tài năng?

Những năm gần đây điện ảnh Việt liên tiếp chứng kiến những cuộc xuất ngoại rầm rộ của phim Việt tại các LHP quốc tế danh tiếng nhưng hầu hết đó là những dự án phim độc lập và xin được tiền tài trợ từ nước ngoài. 'Bi đừng sợ' được chiếu giới thiệu tại Cannes, 'Đập cánh giữa không trung' đi LHP Venice 2014, 'Cha, con, và...' và 'Nước 2030' xuất hiện ở LHP Berlin và được đánh giá rất tốt. Những tin vui đó được coi là tín hiệu cho thấy nền điện ảnh của chúng ta như đang trên đường hội nhập. Tuy nhiên nó tỏ ra 'không liên quan' đến điện ảnh trong nước.

'Đập cánh giữa không trung' và 'Nước 2030' được khen ngợi ở quốc tế nhưng khi gửi đi LHP VN nó trở nên 'lạc điệu' và 'lệch tông' so với các phim tranh giải Bông sen vàng. Cả hai bộ phim này dường như không phù hợp với tiêu chí chấm phim trong nước, vì đề cập đến những vấn đề quá trần trụi trong cuộc sống ('Đập cánh giữa không trung') hay những vấn đề quá vĩ mô về biến đổi khí hậu (Nước 2030) bằng ngôn ngữ quá 'Tây'. Kết quả là 1 phim chỉ giành giải về kỹ thuật, 1 phim chỉ giành giải diễn viên phụ.

Đạo diễn Phan Đăng Di, nhà làm phim độc lập nổi tiếng với các dự án 'Bi đừng sợ' và mới đây là 'Cha, con, và...' dù được săn đón tại các LHP quốc tế nhưng chưa khi nào anh mặn mà gửi phim đi các giải thưởng nghề nghiệp như Cánh diều hay LHP VN vì anh thừa hiểu độ vênh giữa các giải thưởng trong và ngoài nước. Sau lễ trao giải một nhà làm phim có tiếng (xin giấu tên) bình luận, "giám khảo nào thì giải thưởng thế, kỳ vọng gì hơn được. Nhưng có giải rồi, sau này người trong nghề có tôn trọng anh không? Việc có nhìn nhận anh là đạo diễn có tài không thì lại là chuyện khác".

Vy Uyên