- Với những nội dung được bổ sung hoàn thiện về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đối ngoại…. Hiến pháp sẽ có vai trò lớn đưa đất nước tiến theo con đường Đổi mới.

Đảng nghe hết ý dân

Ngày hôm qua, Quốc hội đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử khi bấm nút thông qua bản Hiến pháp 1992 sửa đổi. Không ít ĐBQH đã hoan hỉ gọi đây là “giây phút lịch sử”. Quốc hội khóa 13 còn được gọi là “Quốc hội lập hiến”. Vinh dự này không phải ai cũng trải qua.

{keywords}

Trước giờ bấm nút, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng khẳng định, “đã đủ điều kiện để thông qua Hiến pháp”, và bản Hiến pháp đáp ứng đầy đủ yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân cũng như đạt được mục tiêu đề ra.

Khoảnh khắc lịch sử đặc biệt của ngày hôm qua đã khép lại cả một chặng đường dài trăn trở, gạn lọc chất liệu của đời sống. Có thể nói, bản Hiến pháp mới là kết tinh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Là thành quả trí tuệ của tập thể.

Nhìn lại suốt chặng đường dài vừa qua, toàn thể nhân dân đã hào hứng, nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo của Hiến pháp. Đây đó, chỗ này, chỗ khác trên các diễn đàn vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản, những ý kiến cũng như nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe và tiếp thu. Quá trình đóng góp ý kiến của người dân được ghi nhận với những thành tựu và con số cụ thể. Thống kê đợt cao điểm góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong 3 tháng đầu năm  cho thấy, đã lên tới 20 triệu lượt ý kiến. Thậm chí, sau thời gian đó, chính QH đã quyết định kéo dài thời gian tiếp tục lấy ý kiến them vài tháng để nghe cho hết ý dân.

Trong khi đó, quá trình thảo luận ở Quốc hội cũng diễn ra công khai, dân chủ. Mọi phiên họp thảo luận về Hiến pháp ở Quốc hội đều được truyền hình trực tiếp cho toàn dân xem.

Ngay thời điểm lấy ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định, mọi ý kiến sẽ được tiếp thu, không có gì cấm kỵ , kể cả về Điều 4 .

Bởi vậy, ngày hôm qua, trước lúc Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  đã thẳng thắn phát biểu “Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này là bản Dự thảo được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học đã thể hiện được tinh thần đổi mới; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi thông qua lần này.  Dự thảo đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, của đại đa số các đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần làm chủ của nhân dân.Trong một số bộ phận, một số người và ngay cả một số đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác về một số điều, khoản trong Dự thảo. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước.”

Vai trò, ý nghĩa của sự kiện này chính là ở chỗ, sẽ mở đường cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hàng loạt luật khác, cụ thể nhất là Luật đất đai, và tới đây là các luật về tổ chức chính quyền, về hoạt động của Quốc hội... Hiến pháp cũng sẽ mở ra cơ hội để tận dụng và phát huy nhiều nguồn lực kinh tế, xã hội.  Như ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, thì, đây là một cơ hội lịch sử, để tạo nên những động lực cải cách.

Là đạo luật cơ bản của đất nước, Hiến pháp lần này sẽ là Hiến pháp của thời kỳ đất nước thực hiện Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã được bổ sung và phát triển tại Đại hội Đảng toàn quốc lần XI. Với những nội dung được bổ sung hoàn thiện về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đối ngoại…. Hiến pháp sẽ có vai trò lớn đưa nước tiến theo con đường Đổi mới.

  • Hải Yến - Ảnh: Minh Thăng