Năm 2019 này, tròn 100 năm Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân An Nam.

Năm 2019 cũng là năm tròn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” qua bản Di chúc vô giá trước lúc Người đi vào cõi vĩnh hằng.

{keywords}
Hồ Chí Minh – Người Yêu Nước vĩ đại

Từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” thuở đất nước còn chìm trong nô lệ lầm than cho đến “Di chúc” khi nửa đất nước đã được tự do độc lập và đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, đều toát lên tinh thần cốt lõi và là căn nguyên làm nên những giá trị cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Lòng yêu nước vô bờ bến của một con người đã nguyện cả đời mình phấn đấu, hi sinh vì dân tộc.

Yêu nước gắn liền với thương dân, hai phạm trù này gắn bó hữu cơ trong tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này đã được minh chứng qua lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta.

Trong tác phẩm bất hủ “Bình ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã thể hiện sâu sắc tư tưởng nói trên khi giành trọn phần mở đầu của bài cáo lịch sử để nói về việc “nhân nghĩa”, “yên dân”, về nền văn hiến lâu đời của dân tộc: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, Hồ Chí Minh đã thể hiện lòng yêu nước ở một tầm cao mới mang hơi thở của thời đại.

Lòng yêu nước trước hết là động lực cơ bản thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Ngay từ buổi niên thiếu, Hồ Chí Minh đã từng chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột đến tận cùng xương tủy. Nghĩ đến thân phận nô lệ của đồng bào mình, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm xuất dương dù chỉ có hai bàn tay trắng, bởi với anh, “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” là lẽ sống của cuộc đời như Người đã từng nói “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.

100 năm đã trôi qua, đọc lại “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” vẫn thấy ngời lên những giá trị xuyên suốt mọi thời đại. Đó là quyền con người, quyền dân tộc và xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhưng những vấn đề vĩnh hằng ấy, đúc kết lại cũng chỉ trong ba từ “Nguyễn Ái Quốc” kí dưới bản văn lịch sử để rồi sau sự kiện mùa hè năm 1919 ấy, nó trở thành cái tên gieo niềm tin và hi vọng cho cả một dân tộc đang cháy bỏng khát khao tự do độc lập nhưng lại khiến cho kẻ thù vừa khiếp sợ vừa nể trọng.

Có một chi tiết không còn xa lạ gì đối với mỗi người dân nước Việt. Đó là khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trong buổi lễ long trọng với sự tham gia của hàng chục vạn đồng bào tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945. Chi tiết này cũng đã được thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes L.A. Patti (1914-1998) nguyên là trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS (Cục Tình báo Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) thuật lại trong cuốn sách “Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ” (Why Viet Nam? - Prelude to America's Albatross) của ông (University of California Press xuất bản năm 1980, NXB Đà Nẵng in năm 2008 theo bản dịch của Lê Trọng Nghĩa).

Patti kể, “Ông (Hồ Chí Minh) giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”.

Câu hỏi giản dị ấy của Người giữa giây phút long trọng của lịch sử là biểu hiện cao độ của lòng yêu nước thương dân. Đây không chỉ đơn thuần là nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy như ngài thiếu tá tình báo Mỹ nghĩ. Đây chính là kết tinh của phẩm giá con người và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lòng yêu nước có thể nói là sợi chỉ đỏ xuyến suốt cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi của Hồ Chí Minh để lúc nào trong tâm trí người con vĩ đại của dân nước cũng cánh cánh “Tự do cho đồng báo tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” hay “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Di chúc của Người là văn kiện lịch sử vô giá. Toát lên trong Di chúc vẫn là tấm lòng vì nước, vì dân. Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Người vẫn canh cánh “nỗi lo dân nước, nỗi năm châu”, căn dặn kỹ càng “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Ngay cả việc hậu sự của mình, Người cũng chỉ nghĩ đến dân nước: “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”...

Dù phải từ biệt thế giới này, Hồ Chí Minh không có điều gì phải hối hận mà chỉ tiếc là không được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Bởi vì Người, dù đã ở cương vị cao nhất: Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng nhưng “Tôi vẫn là tôi ngày trước – một người yêu nước”.

Nguyễn Duy Xuân