Harriman "tin rằng việc Tổng thống không dừng ném bom miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 là một bi kịch lịch sử với những hậu quả có thể rất rộng lớn".

>> Kỳ 1: Hòa đàm Paris 1968: Trò chơi hai cấp độ?

>> Kỳ 2: Hòa đàm Paris: Mỹ xếp Việt Nam Cộng hòa ở đâu?

>> Kỳ 3: Hòa đàm Paris và 'kẻ xúi bẩy' đằng sau Johnson

>> Kỳ 4: Hòa đàm Paris giữa cuộc đối đầu của các cố vấn

Vào cuối tháng 8, Harriman viết cho Hubert Humphrey: "tôi thực sự quan tâm việc ông sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của chúng tôi, và mong muốn làm bất cứ những gì có thể để ủng hộ mục tiêu đó. Hơn nữa, tôi thất kinh với tai họa cho đất nước chúng ta nếu Richard Nixon được bầu chọn. Ngoài sự thụt lùi của đất nước chúng ta vì các chính sách phản động của ông ta và những người thuộc cánh hữu của đảng Cộng hòa mà ông ta đại diện, không may là trên khắp thế giới này ông ta đã khuấy động một sự bất tín cá nhân".

Tuy nhiên, Lyndon Johnson lại thấy thoải mái với viển cảnh đảng Dân chủ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11. Các nỗ lực của Hubert Humphrey nhằm xoa dịu cánh tự do trong Đảng Dân chủ đã chọc giận Tổng thống, và ông dường như không quan tâm liệu gã người Minnesota này có kế vị mình hay không. Có lần, Johnson lập luận rằng phe Cộng hòa "đã giúp ích cho chúng ta nhiều hơn (về Việt Nam) so với phe Dân chủ trong vài tháng cuối cùng". Cảm nghĩ này không phải là điều tốt cho các triển vọng của Humphrey, cũng chẳng tốt cho hòa bình. 

Suốt tháng 7 đó có một sự lắng dịu tạm thời về cường độ chiến tranh ở Nam Việt Nam. Harriman giải thích đây là "một kiểu dấu hiệu kiềm chế mà Tổng thống đã yêu cầu trong thông điệp ngày 31 tháng 3 của mình" và hăng hái tận dụng ưu thế ngoại giao bằng cách yêu cầu quân đội Mỹ phản ánh trung thực sự giảm bớt các hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Ngày 29/7, Harriman viết cho Dean Rusk rằng "bên cạnh việc thúc đẩy đàm phán thì dừng ném bom trong tương lai gần có thể cứu mạng được nhiều binh sĩ Mỹ, những người có thể sẽ chết khi trong cuộc chiến với Bắc Việt Nam". Harriman hy vọng một lý do cơ bản như vậy có thể sẽ thuyết phục được Ngoại trưởng.

Vô tình phối hợp với đề nghị của Harriman, tờ Thời báo New York đã đăng xã luận ủng hộ dừng ném bom vào đúng ngày hôm đó và phó Tổng thống cũng "chuẩn bị một bức thư về lập trường của chính ông, bao gồm việc ngừng ném bom". Gần như chắc chắn nhận được đề cử của Đảng Dân chủ tiếp sau vụ ám sát Bobby Kennedy ở Los Angeles, Humphrey hết lòng ủng hộ các nỗ lực của Harriman, và muốn Tổng thống cho phép ông được linh động đàm phán hơn nữa như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Bình tại Hòa đàm Paris. Ảnh tư liệu.

Sự kết hợp cố vấn này có thể đã không tồi tệ hơn từ góc nhìn của Harriman. Johnson xem thường New York Times và tin rằng Humphrey đang thể hiện một sự phản bội mà đã đặt ông lên trên giới hạn cho phép. Johnson  "rất giận dữ" khi ông nghe tin Humphrey tán thành đề xuất ngừng ném bom của Harriman. Tổng thống dứt khoát không lùi bước và chiến dịch ném bom của Mỹ tiếp tục như trước. Dean Rusk bồi cho một phát súng kết liễu vào ngày 31/7 khi đưa ra những gì mà Averell Harriman mô tả một cách cay đắng là "một cuộc họp báo không khoan nhượng xóa sạch mọi công việc mà Vance và tôi đã làm ở Paris kể từ đầu tháng 5".

Trong một lá thư gửi Harriman, Rusk viết: Chúng tôi có lý do để tin rằng Hà Nội, Moscow và các bên khác đang cố gắng leo thang một chiến dịch phối hợp để buộc chúng ta dừng mọi hoạt động ném bom mà không có bất kỳ hành động tương ứng nào từ phía Hà Nội. Đó có thể là họ đang hy vọng vào hội nghị và thời kỳ bầu cử để đạt được sự kết thúc này. Họ phải được làm cho tỉnh ngộ khỏi ý tưởng này nếu muốn có hòa bình". Lyndon Johnson mô tả bức điện của Harriman như "cháo bột mì" và than phiền cay đắng rằng "kẻ thù đang dùng chính người của tôi như những kẻ bị lừa bịp".

Ngày 22/8, một Harriman cương quyết viết rằng "Tôi tin rằng việc Tổng thống không dừng ném bom miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 (như chúng tôi đề nghị) là một bi kịch lịch sử với những hậu quả có thể rất rộng lớn". Vào thời điểm này, cựu cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy và Clark Clifford cũng lên án Johnson thiếu thiện ý trong việc hạn chế quân sự để tạo điều kiện cho một đột phá đàm phán ở Paris. Clifford cảm thấy không giúp ích nhiều nếu chỉ hạn chế một phần quân đội để giúp Harriman làm công việc của mình. Nếu Tổng thống thực sự muốn tìm kiếm hòa bình, Clifford cho rằng ông phải tìm kiếm một cách đúng đắn: Gần như là không thể đàm phán một cách chân thành với một đối tác mà họng của họ bị anh bóp nghẹt. Bất đồng gay gắt với lập luận của Clifford, Rostow thông báo với Bộ Quốc phòng rằng ông "rất phiền lòng với một số bình luận về việc ném bom [. . .]

Sự thúc ép chủ yếu nhằm vào Hà Nội là các lực lượng và đồng minh ở miền nam. Một trong những áp lực khác đã và vẫn là ném bom xuống miền bắc". Niềm tin của Clifford rằng Hà Nội có thể đơn giản di chuyển người và quân nhu theo ý muốn - rằng chiến dịch ném bom của Mỹ dứt khoát không thể ngăn cản miền bắc - là không đúng. Rostow thông báo một cách kẻ cả với Clifford rằng "cuộc sống và chiến tranh không đơn giản như thế". 

Hướng sang sự phản đối của McGeorge Bundy, Rostow đã soạn ra một lá thư dài mà Tổng thống đã gửi cho viên cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông. "Tôi biết thật khó để tin kẻ ngoài", Tổng thống nhấn mạnh trong lá thư, "nhưng thực tế đơn giản là bên kia vẫn chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận. Tôi không hết hy vọng rằng một lúc nào đó họ có thể sẵn sàng trong những tuần và tháng tới đây - mặc dầu tôi không trông mong điều này". Tìm sự an ủi trong sự ủng hộ kiên định của Rostow và Rusk, Tổng thống thẳng thừng từ chối thuận theo những người chỉ trích ông bằng cách rút ngắn chiến dịch ném bom.

Trong một bài phát biểu hiếu chiến trước "Các cựu chiến binh tham chiến ở nước ngoài', Johnson tuyên bố: "Hãy đừng để bị lừa dối. Hãy đừng để bị làm mê muội. Tóm lại, nhân dân của chúng ta và nhân dân của họ phải hiểu rõ một điều: Chúng ta sẽ không dừng ném bom chỉ để cho họ có cơ hội đẩy mạnh cuộc tắm máu của mình". Tuy nhiên, khó mà không xem sự dứt khoát của Tổng thống là do tức giận vì nghĩ Humphrey và Harriman phản bội - một trạng thái tâm lý o bế mà các cố vấn diều hâu của ông đã tích cực duy trì.

Suốt tháng 8/1968, Phó Tổng thống có một số bước thăm dò để tự thoát ra khỏi quan điểm của chính quyền Johnson về hòa đàm với Bắc Việt Nam.

Trong một cảnh báo bằng lời rất rõ ràng tới Richard Nixon rằng đừng có chính trị hóa các cuộc đàm phán ở Paris trong chiến dịch bầu cử sắp tới, Humphrey nói thêm: "Tôi tin rằng các ứng viên được chọn bởi các chính đảng nợ người dân Mỹ và nợ những người lính trên chiến trường ở Việt Nam việc phải tuyên bố rõ như ban ngày với Hà Nội rằng họ sẽ không có được một thỏa thuận tốt hơn".

Tại Đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago, Humphrey miễn cưỡng đồng ý ủng hộ cương lĩnh cứng rắn của Tổng thống về Việt Nam - một quyết định đã gây chia rẽ trong đảng và khiến cho Humphrey bị bêu riếu là con chó cảnh của Tổng thống. Cảm thấy nhục nhã trước sự chỉ trích này, Humphrey bắt đầu nhận ra rằng muốn đánh bại Nixon thì ông phải chọn một lập trường mà đặt ông gần hơn với ứng viên Tổng thống cùng quê Minnesota, Eugene McCarthy.

Vào cuối tuần ngày 14-15/9, Harriman và Vance báo cáo một số tin tức tích cực từ Paris. Họ đã tổ chức một cuộc đối thoại riêng quan trọng với hai nhà đàm phán chủ chốt của Bắc Việt Nam là Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, những người đã thể hiện thiện ý muốn bắt đầu các cuộc đàm phám nghiêm túc ngay khi chiến dịch ném bom kết thúc. Hà Nội cũng tỏ dấu hiệu, thông qua các cuộc thảo luận riêng rẽ diễn ra với trung gian Na Uy ở Oslo, rằng họ sẵn sàng chấp nhận một sự hiện diện của Nam Việt Nam tại các cuộc hòa đàm chính thức ở Paris.

Không hề ấn tượng trước những gì trên thực tế là một bước đột phá quan trọng, Rostow đã viết một cách suy diễn cho Tổng thống rằng "nếu ngài xét thấy ngoại giao đã thất bại", ngài có thể xem xét "ném bom Campuchia [. . .], ném bom Hà Nội - Hải Phòng, phá hoại Hải Phòng [. . .] và [tiến hành] các cuộc tấn công trên bộ ở phía bắc DMZ". Thậm chí, ở giai đoạn cuối này, Rostow vẫn hy vọng Tổng thống có thể đồng ý với các kế hoạch xâm lược của ông ta. Khi đưa ra những gợi ý đó, Rostow thể hiện một chút khí sắc thời đại và kiểu cách mà trong đó những nhận thức chung về Cuộc chiến Việt Nam đã thay đổi.

Rostow tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng Harriman đang vượt quá quyền hạn cho phép, và muốn Tổng thống nói rõ rằng ông sẽ không theo đuổi hòa bình bằng bất cứ giá nào. Trong một cuộc gặp ngày 17/9 với Harriman, với sự có mặt của Rostow, Johnson tuyên bố rõ: "vì Đại sứ Harriman sắp rời nhiệm", nên "Tôi sẽ mong đợi ông, Averell, dẫn dắt Đảng và Chính phủ trong việc yêu cầu nối lại chiến dịch ném bom nếu họ vi phạm những hiểu biết này".

Tình hình có vẻ khó lay chuyển cho Harriman và Phó Tổng thống - người đang tụt lại sau Nixon trong các cuộc thăm dò dư luận. "Đừng tin những gì ông nghe thấy rằng chiến dịch của Humphrey rất dở", Harriman viết cho Vance một cách thất vọng, "bởi vì nó còn dở hơn ông tưởng nhiều".

David Milne

(Sam Nguyễn dịch)

Tác giả David Milne là một giảng viên cao cấp về Lịch sử Chính trị Mỹ tại Đại học Đông Anglia. Ông là một thành viên Fox International tại Đại học Yale năm 2003, một thành viên cấp cao của Viện Gilder-Lehrman về Lịch sử Mỹ, New York City, năm 2005, và ông có tư cách hội viên tại Hiệp hội Triết học Mỹ, Philadelphia, năm 2008. Chuyên khảo đầu tiên của ông, "Rusputin của Mỹ: Walt Rostow và Cuộc chiến Việt Nam" đã được Hill and Wang xuất bản năm 2008. Hiện nay ông đang viết cuốn sách thứ 2, tựa đề tạm thời là Thuyết duy lý trí trong Ngoại giao Mỹ (Intellectualism in American Diplomacy), cho Farrar Straus and Giroux. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, International Affair, The Nation, và the Los Angeles Times.