"Hồ Chí Minh cũng giống như Gandhi và Nelson Mandela. Nhưng ở Mỹ, Hồ Chí Minh không được nhìn nhận như Gandhi và Nelson. Chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Và tôi nghĩ cách tốt nhất để nghiên cứu về cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam là nghiên cứu từ cả 2 phía" - Cựu chiến binh Mỹ, họa sĩ Thomas David.

Họa sĩ Thomas David là Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam.  Hơn 50 chuyến đi trở lại Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh, ông cũng xuất bản 2 quyển sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách "Hồ Chí Minh: A portrait" của Thomas David là cuốn thứ 2 trên nước Mỹ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện được lưu lại ở thư viện trường Harvard.

Ông mong đợi điều gì sau khi xuất bản 2 cuốn sách "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" và "Võ Nguyên Giáp - người yêu nước, người thầy, người lính"?

Tôi thực hiện những cuốn sách nghệ thuật bởi tôi là một nghệ sĩ. Ở Mỹ có truyền thống nghệ sỹ kết hợp với các nhà văn thực hiện nhiều cuốn sách. Và rồi tôi tìm thấy một người đàn ông tên là Charles Fenn. Ông ấy là người Anh nhưng đã làm việc với chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pác Bó vào năm 1945. Sau đó, từ  Mỹ, Fenn đã viết một cuốn tiểu sử về Hồ Chí Minh. Có thể nói Charles biết Hồ Chí Minh với tư cách cá nhân, cũng như biết Người với tư cách là một nhà viết tiểu sử. Tôi liên lạc với Fenn, lúc đó ông đang sống ở Ireland và mời tôi đến. Tôi nói với Fenn ý tưởng của mình về cuốn sách nghệ thuật và ông đã rất nhiềt tình nói muốn giúp tôi.

Trong suốt một năm rưỡi, vào năm 1995 khi còn chưa có email, ông ấy gửi 1 trang fax cho tôi mỗi ngày. Tôi gõ lại bản fax đó trên máy tính rồi mang in ra. Đó thực sự là một dự án tuyệt vời. Giờ đây cuốn sách đã ở hầu khắp các bảo tàng.

Tôi thực hiện cuốn sách này là bởi tôi muốn người Mỹ hiểu về Hồ Chí Minh, một khi tôi đã tìm được cách.

Ở Mỹ có hàng nghìn cuốn sách về Việt Nam, về chiến tranh Mỹ; nhưng vào thời điểm tôi bắt đầu thực hiện cuốn sách của mình, thì ở Mỹ chỉ mới có duy nhất 1 cuốn viết về Hồ Chí Minh - là cuốn sách của Charles Fenn. Bây giờ thì có 2 cuốn viết về Hồ Chí Minh rồi. Nhưng Charles Fenn là người Anh, và một cuốn viết bởi người Mỹ là tôi.

Quyển sách này giờ đang có ở thư viện trường Harvard. Hàng nghìn cuốn sách viết về chiến tranh. Làm thế nào mà người Mỹ nghiên cứu về chiến tranh lại có thể bỏ qua nhân vật quan trọng nhất là Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Thomas David

Tôi hiểu rằng, khi người Mỹ nhìn vào cuộc chiến tranh với Việt Nam, họ nhìn từ phía Mỹ, không phải từ phía Việt Nam. Nếu họ nhìn chiến tranh từ góc nhìn của người Việt Nam, họ sẽ nhìn thấy một bức tranh rõ ràng hơn nhiều.

Tôi đã học được rất nhiều về cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam nhờ đã đến Việt Nam, những điều mà tôi sẽ không bao giờ hiểu được qua việc đọc những cuốn sách ở Mỹ, viết bởi người Mỹ. Giờ đây thì đã có nhiều cuốn sách viết bởi người Việt xuất bản ở Mỹ. Và cũng có nhiều cuốn viết về Hồ Chí Minh.

Có một tác giả rất nổi tiếng là William Duiker. Ông ấy đã viết 1 cuốn tiểu sử rất dày về Hồ Chí Minh, có lẽ là 10 năm trước, sau khi tôi thực hiện cuốn sách của mình. Một cuốn tiểu sử rất hay, có lẽ khoảng 1000 trang. Nhưng hầu hết người Mỹ không đọc cuốn này vì có đến 1000 trang với đến 150 trang chú thích. Đó là một cuốn sách hay dành cho những nhà nghiên cứu. Nhưng đa phần người dân Mỹ sẽ không bao giờ đọc đến. Cuốn sách nhỏ của tôi chỉ có 150 trang. Bạn có thể đọc nó chỉ trong 2, 3 giờ đồng hồ. Và tôi có không phải toàn bộ thông tin, nhưng là đủ thông tin để người Mỹ hiểu.

Điều gì khiến ông ấn tượng nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Họ dâng hiến toàn bộ cuộc đời cho nhân dân và đất nước Việt Nam, hi sinh mọi thứ. Có bao nhiêu lãnh tụ như vậy? Gandhi, hy sinh cuộc đời cho nhân dân Ấn Độ, Hồ Chí Minh cho người dân Việt Nam, Nelson Mandela cho nhân dân Nam Phi.

Hồ Chí Minh cũng giống như Gandhi và Nelson Mandela. Nhưng ở Mỹ, Hồ Chí Minh không được nhìn nhận như Gandhi và Nelson. Chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Và tôi nghĩ cách tốt nhất để nghiên cứu về cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam là nghiên cứu từ cả 2 phía.

Nếu bạn nghiên cứu từ một phía, bạn sẽ chỉ có thể hiểu được một phía. Bạn sẽ chỉ có một bức tranh mà thôi, nhưng bạn cần một bức tranh toàn cảnh.

Hồ Chí Minh là một cách tuyệt vời để nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Cuốn sách này không chỉ về Hồ Chí Minh, mà có cả thơ Việt Nam, những bức tranh, rất nhiều thứ về văn hóa Việt Nam, những thứ quan trọng với Hồ Chí Minh. Và chúng ta cũng có thể hiểu được về người dân Việt Nam thông qua Hồ Chí Minh.

Một trong những tác phẩm của họa sĩ Thomas David - Chiến tranh đã phá hủy nền văn hóa của các nước.

Khi còn là người lình tham gia chiến trường Pleiku, câu chuyện nào khiến ông không thể quên trong kí ức chiến tranh?

Khi tôi là một người lính, tôi chỉ biết duy nhất một điều là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp lúc đó là kẻ thù, và chúng tôi đang chiến đấu chống lại họ. Tôi không hề biết Hồ Chí Minh từng sống ở Boston, nơi tôi sống, hay ở New York. Nếu bạn hỏi 100 người Mỹ rằng Hồ Chí Minh có từng sống ở Boston, 99% họ sẽ trả lời là chưa bao giờ. Và Hồ Chí Minh từng làm việc cho OSS. Thông tin này không hề có trong những cuốn sách sử của Mỹ.

Bạn không thể đọc được chúng trong những cuốn sách sử Mỹ, nhưng đó là sự thực. Chúng tôi đã làm một cuốn phim về Hồ Chí Minh ở OSS để người Mỹ hiểu về Hồ Chí Minh.

Tôi còn nhớ, khi còn ở Pleiku, nghe tin Hồ Chí Minh mất, tất nhiên với  một người lính Mỹ đang chiến đấu chống lại kẻ thù miền Bắc, tôi xem đó là tin vui. Bởi chúng tôi không hề biết, chúng tôi bị tẩy não, rằng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những người dân miền Bắc là xấu xa.

Phải mất một thời gian dài cho đến khi lần đầu tiên tôi quay lại Việt Nam vào năm 1987, tôi nhìn thấy hình ảnh của Hồ Chí Minh ở khắp nơi, ở sân bay, ở khách sạn, ở ngân hàng quốc gia, tất cả những nơi chúng tôi đến. Người Việt Nam kính trọng Hồ Chí Minh. Gần như một tôn giáo vậy. Tôi không biết về văn hóa, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy yêu quý những người Việt Nam, rất nhiều bạn bè ở đây. Và tôi nghĩ, làm sao mà những người tốt này có thể tôn kính ông đến vậy?

Tôi nhận ra mình đã nhầm.

Giờ đây tôi ngợi ca cuộc đời Hồ Chí Minh, không như trước đây. Với Võ Nguyên Giáp cũng như vậy.

Phản ứng phía Mỹ ra sao khi ông xuất bản cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Bởi vì nó chỉ được xuất bản ở dạng sách nghệ thuật chỉ với 50 bản. Và những người mua chúng là các thư viện, như trường Havard chẳng hạn. Có lẽ là chưa ai đọc nó. Tôi đã làm nhiều bản hơn với cuốn sách về Hồ Chí Minh, bởi tôi muốn tạo nên những cuộc thảo luận về Hồ Chí Minh.

Nhưng cuốn sách viết về Võ Nguyên Giáp tôi chỉ làm vì mong muốn của những người bạn Việt Nam. Và có một bản khác của cuốn sách này được bán tại Việt Nam bởi NXB Trẻ, nhưng cũng chỉ có 100 bản thôi. Và sau đó NXB có gọi cho tôi nói rằng muốn thực hiện một cuốn sách về Võ Văn Kiệt. Tôi trả lời rằng tôi không hề biết Võ Văn Kiệt. Tôi tìm hiểu về Hồ Chí Minh, về Võ Nguyên Giáp nhưng tôi chưa hề biết về Võ Văn Kiệt.

Bây giờ tôi phải bắt đầu tìm hiểu về Võ Văn Kiệt là ai?. Họ gửi cho tôi rất nhiều ảnh và thông tin về Võ Văn Kiệt. Và tôi bắt đầu nhận ra Việt Nam không chỉ với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, người Việt Nam cũng yêu mến và ngưỡng mộ Võ Văn Kiệt nữa. Bởi vậy tôi đã đồng ý và đã thực hiện một cuốn sách khác về Võ Văn Kiệt.

Hiện nay tôi đang được Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đề nghị thiết kế cuốn sách mà gia đình ông ấy thực hiện. Nhưng tôi không chắc khi nào nó sẽ được xuất bản.

Việt Nam và Mỹ đang tiến tới quan hệ hợp tác chiến lược. Ông có những kế hoạch, dự định gì sắp tới thông qua nghệ thuật để đưa 2 đất nước ngày càng xích lại gần nhau hơn?

Chắc chắn rồi. Chúng tôi đang thực hiện khoảng 12 dự án. Hầu hết là để giới thiệu nghệ thuật Việt Nam với công chúng Mỹ và văn hóa Việt Nam, nghiên cứu chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, Hồ Chí Minh, về OSS. Ngoài ra chúng tôi đang làm một cuốn phim về Hồ Chí Minh ở OSS được thực hiện bởi một nhà làm phim ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã đưa nhiều nghệ sỹ Việt Nam đến Mỹ. Năm ngoái, tôi đã đưa ba nghệ sỹ nổi tiếng ở Việt Nam đến Mỹ tham quan bảo tàng, gặp gỡ mọi người và mở triển lãm. 3 năm trước chúng tôi đã đưa nghệ sỹ Lê Quốc Việt ở Hà Nội sang thực hiện một buổi trưng bày tại quê hương tôi. Ngoài ra còn thực hiện xuất bản sách cho Huỳnh Phương Đông.

Năm nay thì chúng tôi đưa 3 nghệ sỹ người Mỹ đến Việt Nam thực hiện triển lãm. Rất nhiều dự án này hầu hết đều là dự án giáo dục, nghệ thuật và văn hóa. Hiện tại chúng tôi đang có một quỹ tên là Indochina Arts Partnership được tài trợ bởi một Việt kiều hảo tâm.

Và cuối cùng, ông muốn gửi gắm điều gì đến người dân Việt Nam, Hoa Kì hôm nay thông qua các cuộc triển lãm tranh, và những cuốn sách?

Một thông điệp rất đơn giản rằng chúng ta đều giống nhau, không hề khác biệt. Chúng ta có thể khác biệt về ngoại hình, về tôn giáo, về chính phủ và thể chế chính phủ, nhưng một điều tôi học được sau những chuyến đi là khi bạn ngồi xuống nói chuyện với mọi người, bạn sẽ thấy họ giống nhau cả thôi. Họ đều được giáo dục, rất nhiệt tình giúp đỡ, có gia đình tử tế. Tất cả mọi người đều mong muốn những điều giống nhau, dù là người Pakistan, người Afghanistan, người Việt Nam, người Mỹ, người châu Phi, Zimbabwe.. bất cứ nơi đâu.

Quốc gia đem lại một vài lợi thế tuyệt vời, nhưng cũng chia rẽ chúng ta. Thỉnh thoảng các tôn giáo khác nhau cũng chia rẽ chúng ta. Chính phủ hay các tôn giáo không bao giờ nên chia rẽ mọi người. Nhưng đôi khi nó vẫn xảy ra. Nên chúng ta cần trò chuyện với nhau, tìm hiểu lẫn nhau.

Lan Anh (thực hiện)