Gấp cuốn SGK còn thơm mùi mực in, người đọc có cảm giác như "nghe" thấy được vị chát mặn của biển, vị đằm ấm của gió từ những cơn sóng lừng từ ngoài biển khơi đang thổi tới… Cuốn sách thật quý vì là lần đầu tiên, học sinh Đà Nẵng được biết, hiểu một cách khá đầy đủ những sự thật về Hoàng Sa.

LTS: Hoàng Sa (cùng với Trường Sa), những địa danh yêu thương của cả nước đã từng xuất hiện trong các cuộc triển lãm, các hội thảo, tọa đàm nghiên cứu. Nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện trong một cuốn SGK, dành cho chương trình lịch sử địa phương của Đà Nẵng- một việc làm rất đáng trân trọng. Hy vọng cuốn SGK Lịch sử Đà Nẵng sẽ khiến cho học sinh biết yêu thêm lịch sử quê hương, đất nước và trau dồi tâm thế, thái độ trách nhiệm trước chủ quyền, độc lập, tự do dân tộc.

Nhà xuất bản Giáo dục vừa phát hành cuốn sách giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng với 75 trang in (không kể bìa), trong đó, riêng Lịch sử Hoàng Sa là 21 trang, chiếm gần một phần ba SGK (các trang từ 8 đến 10; từ 21 đến 25 và từ 51 đến 69). Sách được nộp lưu chiểu tháng 4.2015…

Sách do ba tác giả Nguyễn Minh Hùng, Phạm Đình Kha và Hoàng Văn Khánh chấp bút – trong đó, theo "điều tra" riêng của người viết bài này, người có đóng góp nhiều nhất cho cuốn sách  là nhà giáo Hoàng Văn Khánh. Tất nhiên, phải mặc định rằng "công lao" đầu tiên trước khi sách ra đời, thuộc về người dám nghĩ, dám làm là Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh, nguyên là một thầy giáo dạy môn… toán!

{keywords}
Bìa cuốn sách. Ảnh: Hà Văn Thịnh

Trân trọng từng con chữ

Đọc 21 trang lịch sử Hoàng Sa, ta thấy dường như mỗi dòng chữ đều buốt đẫm sự day dứt của con tim, sự nhọc nhằn của suy ngẫm về vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của nước láng giềng phương bắc.

Từ góc nhìn một giảng viên sử, người viết nhận thấy cuốn sách thể hiện sự công phu, chỉn chu trong cách sưu tầm, thẩm định tư liệu, đánh giá và nhận xét một vấn đề đặc biệt phức tạp. Có cảm giác, mỗi chữ của phần lịch sử Hoàng Sa đều có sức nặng được dùng để đong, đếm, thẩm định "khối lượng" của… ngôn từ!

Cuốn sách cho học sinh (và tất cả những người Việt cần quan tâm) biết thật nhiều điều bổ ích, rằng chủ quyền quốc gia đã được thể hiện lần đầu tiên (một cách khái quát) trên Hồng Đức bản đồ (bản đồ được vẽ dưới thời Hồng Đức – 1470-1497, một trong hai Niên hiệu của vua Lê Thánh Tông). Rằng hình thể, tên chính thức Hoàng Sa – tức Bãi Cát Vàng, được thể hiện rõ ràng bởi người Việt đầu tiên vẽ là Đỗ Bá vào thế kỷ XVII.

{keywords}
Một trang trong cuốn sách. Ảnh: Hà Văn Thịnh

Tác tác giả cũng đã khẳng định dứt khoát rằng vào năm Gia Long thứ hai (1803), lần đầu tiên Đội Hoàng Sa được thành lập – đó là chứng cứ thể hiện việc quản lý về mặt hành chính đối với quần đảo này.

Cuốn SGK Lịch sử Đà Nẵng cũng cho biết, tại Hội nghị Cựu Kim Sơn (San Francisco tháng 9.1951), trước đề nghị của phía Nhật Bản là công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, 48 trong tổng số 51 nước tham dự đã bỏ phiếu phủ quyết (!)…

Đặc biệt các tác giả (và NXB Giáo dục) đã vượt qua những định kiến, tôn trọng lịch sử khách quan, khi khẳng định rằng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thành lập đơn vị hành chính chính thức đầu tiên cho Hoàng Sa với tên gọi là xã Định Hải, trực thuộc Quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam vào ngày 13/7/1961, để thay cho tên cũ là Đại lý hành chính (Dé lé gation des Paracels) trực thuộc tỉnh Thừa Thiên, có từ năm 1932 thời Pháp thuộc. Và tính rất xa khi quyết định sát nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long, Hòa Vang vào ngày 9/8/1969 nhằm kéo hẳn Định Hải vào lòng Đất Mẹ - đất liền!

Hoàng Sa chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện trong bộ máy hành chính của Nước CHXHCN Việt Nam theo Quyết định của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký ngày 11/2/1982.

Những trang sách của lòng yêu nước nồng nàn, tình cảm tha thiết với biển đảo dấu yêu được khép lại bằng sự kiện tàu cá ĐNa 90152 bị tàu TQ đâm chìm ngày 26/5/2014 khi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đang diễn ra.

Nghe thấy được vị mặn chát của biển và của yêu thương

Gấp cuốn SGK còn thơm mùi mực in, người đọc có cảm giác như "nghe" thấy được vị chát mặn của biển, vị đằm ấm của gió từ những cơn sóng lừng từ ngoài biển khơi đang thổi tới… Cuốn sách thật quý vì là lần đầu tiên, học sinh Đà Nẵng được biết, hiểu một cách khá đầy đủ những sự thật về Hoàng Sa.

Bởi sự thật lịch sử bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên xây dựng nên tình cảm, tri thức, lòng yêu nước của mỗi con người?

{keywords}
Ảnh: Hà Văn Thịnh

Cuốn SGK về lịch sử Đà Nẵng nói chung, về Hoàng Sa nói riêng được xuất bản trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông. Láng giềng phương Bắc, sau khi xây dựng những công trình trái phép – thực chất là mở rộng phần nhân tạo cho cụm đảo Gạc Ma, vừa tuyên bố họ có quyền(!?) thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông, nếu họ… muốn!

Động thái trên đây là sự thách thức đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng ngành giáo dục cần có sự chuẩn bị về kiến thức, tâm thế cho học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước, đồng thời cũng là những người sẽ phải gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bởi việc chậm trễ cho các em học sinh, sinh viên học lịch sử về vùng biển đảo máu thịt của đất nước là có lỗi.

Hà Văn Thịnh