Một số cán bộ sắp mãn nhiệm, nghỉ hưu thường có động cơ trục lợi mạnh hơn. Họ làm được điều đó vì chúng ta vẫn thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát độc lập”.

LTS: Câu chuyện “thành ủy Bạc Liêu hết tiền trả lương” đã lan tới Cà Mau và đang có nguy cơ xảy ra với nhiều địa phương khác đang là vấn đề được quan tâm vào những ngày cuối năm 2015.

Để làm rõ căn nguyên cội nguồn cũng như giải pháp khắc phục, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright.

Xem kỳ 2: "Đúng qui trình": Lá bùa hộ mệnh của nhóm lợi ích

Những điều bất bình thường

Thưa ông, tình trạng ngân sách hết tiền trả lưong cho cán bộ như ở Bạc Liêu và Cà Mau đang có nguy cơ lây lan. Vấn đề đáng quan tâm là quản lý chi tiêu ngân sách ở địa phương đang bộc lộ những điều bất bình thường. Theo ông nguyên nhân nằm ở đâu?

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Có những nguyên nhân mang tính cục bộ, có nguyên nhân mang tính hệ thống. Nhưng, nguyên nhân hệ thống quan trọng hơn cả. Chính nguyên nhân hệ thống đã tạo ra cái gọi là “tâm lý ỷ lại”.

Thứ nhất, lâu nay quản lý ngân sách của chúng ta là ràng buộc “ngân sách mềm”. Nói nôm na có nghĩa là anh xài đi, không đủ thì tôi, tức trung ương sẽ bổ sung cho anh xài. Thay vì phải ràng buộc ngân sách cứng, ngân sách của anh chừng đó, xài hết thì ráng mà chịu, thâm thủng thì ráng mà chịu chứ dứt khoát không có thêm.

Chính cái chúng ta vẫn nói là ràng buộc ngân sách mềm lại là lỗ hổng lớn đã dẫn đến hậu quả như ở Bạc Liêu, Cà Mau. Tình trạng bội chi ngân sách triền miên, chi vượt dự toán, tình trạng đầu tư công vượt dự toán gấp 2–3 lần như thế mọi người đều nhận thấy, ai cũng biết, nhưng chưa được chấn chỉnh. Đó là nguyên nhân có tính hệ thống.

{keywords}
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn. Ảnh: Duy Chiến.

Thứ hai là năng lực quản lý nhà nước của chúng ta còn yếu, tức năng lực quản trị quốc gia kém. Gần 30 năm qua, hệ thống kinh tế của chúng ta đang chuyển mạnh từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường nhưng năng lực quản lý của bộ máy quản lý nói chung và bộ máy quản lý ngân sách nói riêng vẫn chưa theo kịp. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Thứ ba là phân cấp ngân sách. Trước hết phải nói rằng phân cấp là đúng. Nhưng ở ta có sự nhầm lẫn giữa phần cấp ngân sách và phân cấp quản lý ngân sách. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đang đồng nhất giữa phân cấp ngân sách, cái mà thế giới đang làm và phân cấp quản lý ngân sách, cái chúng ta đang làm. Chúng ta không có phân cấp ngân sách.
Trục trặc nằm ở chỗ năng lực của cấp được phân cấp quản lý không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện tiền đề của quá trình phân cấp. Chúng ta chưa chuẩn bị sẵn những điều kiện nền tảng cho nên đã dẫn đến tình trạng như chúng ta đang thấy. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo của hệ thống giám sát đã dẫn đến thực trạng như chúng ta đang chứng kiến.

Như vậy chúng ta vẫn đang thiếu một cơ chế hợp lý

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Một nhà nghiên cứu quản lý kinh tế nổi tiếng đã nói: “ Một chính phủ hiệu quả là một chính phủ gần dân nhất”. Chính quyền địa phương mới là cấp am hiểu người dân ở địa phương đó nhất, hiểu những dịch vụ công nào mà người dân ở đó cần nhất.

Tôi nhắc lại, phân cấp là đúng, nhưng phải đi liền với cơ chế khuyến khích phù hợp. Đằng này chúng ta đang phân cấp một đằng, khuyến khích một nẻo. Từ đây dẫn đến tình trạng quyền lực được phân cấp không phải mang lại lợi ích cho những người thụ hưởng mà lại tạo cơ hội cho số người trục lợi.

Cơ hội lúc “hoàng hôn”

Tình trạng như ông phân tích đã có từ lâu, tại sao bây giờ mới phát sinh mà không phải là những năm trước đây? Hệ quả ở Bạc Liêu, Cà Mau cấp báo điều gì?

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Năm nay là năm bàn giao nhiệm kỳ nên người sắp hết nhiệm kỳ thường có tâm lý sẵn sàng “vung tay quá trán”, làm sao chi thật nhiều là một tâm lý thường thấy.

Mặt khác, do thiết chế ngân sách của chúng ta vẫn còn lỏng lẻo, khiến kẻ trục lợi dễ tìm ra chỗ sơ hở để kiếm chác từ các khoản “nợ gối nợ”.

Ví dụ, năm nay thâm hụt, thu 100 đồng mà chi tới 105, chúng ta lấy 5 đồng của dự toán năm sau bù cho năm nay. Năm sau bị hụt mấy khoản năm trước bị lấy, thì tiếp tục lấy của năm sau nữa. Khoản đó dồn tụ từ năm này qua năm khác, đến một lúc nó rất là lớn.

Tuy nhiên, năm nay Chính phủ đã có động thái thắt chặt chi tiêu bằng cách ra chỉ thị 06 về việc tang cường nhiệm vụ quản lý tài chính ngân sách nhà nước năm 2015 (tháng 4/2015), việc lấy tạm ứng của dự toán năm sau cho năm nay bị siết chặt đã dẫn đến tình trạng như Cà Mau và Bạc Liêu.

Thường thì hàng năm vào thời điểm này người ta đã lấy tiền của năm sau đắp vào những tháng cuối nên mọi chuyện vẫn bình yên, ít nhất ở bề ngoài. Năm nay việc siết lại đã giúp lộ rõ căn bệnh đang được ủ sâu kín, chồng chất…

Giả sử không có động thái siết chặt lại bằng chỉ thị 06 thì nợ cứ tiếp tục gối chồng lên nhau nữa. Tới một lúc quá lớn thì kinh khủng lắm. Cho nên, việc siết lại bằng chỉ thị 06 là đúng, qua đó giúp đã phơi bày ra như chúng ta đang thấy.

Tại sao có hiện tượng “Hiệu ứng tuổi 59”? Tại sao có hiện tượng “Hoàng hôn nhiệm kỳ” như dư luận đang đàm tiếu?

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Một số kẻ trục lợi khi sắp mãn nhiệm, nghỉ hưu thường có động cơ trục lợi mạnh hơn.

Họ làm được điều đó vì chúng ta vẫn thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát thật hiệu quả. Chúng ta vẫn thiếu động cơ để xử lý những người làm sai một cách công bằng, công khai minh bạch. Lâu nay cách xử lý cùng lắm là xử lý nội bộ mang tính thỏa hiệp, hoặc dàn xếp cho hạ cánh an toàn.

Nếu chúng ta có một đối trọng giám sát độc lập tôi tin chắc sẽ hạn chế được hiện tượng “hiệu ứng tuổi 59” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” đang khiến dư luận bức xúc.

Trong bối cảnh của chúng ta, hoàn toàn có thể làm được điều này!

Còn nữa

Duy Chiến