Một trong 7 phim ngắn trong bộ phim "Ngọc Viễn Đông" được ra mắt tại Việt Nam nhân dịp 8/3, có sự góp mặt của nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, một gương mặt hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam ở Hollywood.

Khi phim ra mắt công chúng trong nước, bà Kiều Chinh nói rất tiếc không về Việt Nam được để giao lưu với khán giả của phim, nhưng bà cho biết tháng 5/2012 này, bà sẽ về để tiếp tục công việc xây 63 trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng bị chiến tranh tàn phá của quỹ "Vietnam Children's Fund".

Diễn viên - diễn giả Việt ở xứ cờ hoa

Không dùng từ "diễn viên" hay "nghệ sĩ", người viết bài này dùng từ "nữ tài tử" đối với bà, bởi ai cũng gọi bà với danh xưng đó. Một tài tử của nghệ thuật thứ 7, điện ảnh, với 55 năm trong nghề và chưa bao giờ thấy "xuống" sức trong lao động nghệ thuật.

Bà Kiều Chinh sinh ngày 3/9/1937, tuổi Đinh Sửu, tại Hà Nội, là con gái út của ông Nguyễn Cửu, một viên chức tài chính cao cấp trong chính phủ Bảo hộ Pháp. Năm 1954, bà rời Hà Nội vào Nam, khởi đầu cho sự nghiệp điện ảnh.

Khởi nghiệp điện ảnh từ 1957 với phim Hồi Chuông Thiên Mụ, năm 2012 là thời điểm đánh dấu 55 năm điện ảnh của nữ tài tử Kiều Chinh.

Ngay từ khi còn ở Việt Nam, bà đã được vào vai nữ chính trong nhiều phim Mỹ thực hiện tại Á Châu như: A Yank in Vietnam (1963); Operation CIA (Bangkok, 1964), Five Oceans (Oversea, 1967); Destination Vietnam (Philippinnes, 1968), Devil Within (India, 1970),  Full House (Singapore, 1975)...

Định cư tại Mỹ, tháng 9/1975, bà đã xuất hiện trong TV Mỹ với các show như Joe Forrester, Police Woman, Switch, Cover Girl... Các phim điện ảnh: The Children of An Lac (1980), The Letter (1982), The Girl Who Spelled Freedom (1986), Hamburger Hill (1987), Gleaming the Cube (1988), Catfish in Black Bean Sauce (1999), What's Cooking (2000), Face (2002), Returning Lyly (2002)...

Từ năm 1977, bà thủ vai nữ chính đồng diễn với Alan Alda trong M.A.S.H. bộ phim truyện truyền hình danh tiếng tại Mỹ thời thập niên 1970, The Letter voi Lee Remick, Coming Home voi Kris Kristofferson...và từ đó cho tới nay, liên tục trong nhiều phim truyền hình và phim điện ảnh của Holywood.

Với phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất được Entertainment Weekly bình chọn vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.


Kiều Chinh trong Joy Luck Club, vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.

Với phim Face, bà là một trong hai nữ tài tử Mỹ được Liên hoan phim quốc tế Delle Donne, Italy vinh danh. Người thứ hai nhận giải này là nữ tài tử Shirley McLaine.

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Hoa Kỳ năm 1996 đã vinh danh bà và tặng giải Emmy cho phim thời sự Kieu Chinh, A Journey Home.

Bên cạnh sự nghiệp điện ảnh, bà Kiều Chinh còn là một diễn giả nhà nghề của The Greater Talent Network, Inc., New York, một tổ chức chuyên nghiệp cung cấp các diễn giả nổi tiếng cho các trường đại học và các tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật trên toàn nước Mỹ.

Với danh xưng 'humanitarian activist' (nhà hoạt động nhân đạo), từ 1993 tới nay, bà đã là diễn giả chính của hàng trăm sinh hoạt văn hoá tại các hội đoàn và các trường đại học ở khắp nước Mỹ nói lên những điều khó khăn cũng như những đóng góp tích cực cuả người Mỹ gốc Việt, về kinh nghiệm của một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài,  cũng như chia sẻ tâm sự của một phụ nữ Việt trước mọi nghịch cảnh của cuộc sống.

Cũng từ 1993, cùng với nhà báo danh tiếng Terry Anderson, bà là đồng Chủ tịch sáng lập Vietnam Children's Fund, tổ chức quyên góp xây tặng trẻ em Việt Nam 63 trường tiểu học.

Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này, Tuần Việt Nam xin dành giới thiệu về bà.


Kiều Chinh nói chuyện bên Bức Tường Đá Đen tưởng niệm chiến tranh Việt Nam.

Mong lúc điện ảnh thế giới không chỉ nhìn thấy chiến tranh ở VN

Bà có thể chia sẻ đôi chút về sự nghiệp của bà, cũng như vai diễn trong phim Ngọc Viễn Đông hình như có một phần cuộc đời thật của bà trong đó?

"Ngọc Viễn Đông" là một chùm phim do đạo diễn Cường Ngô thực hiện theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Phim có sự diễn xuất của nhiều nữ diễn viên trong nước mà tôi rất quí mến, nhiều cảnh quê hương trong phim quay rất đẹp.

Phần góp của tôi trong bộ phim này thật ra rất ít ỏi và bất ngờ. Đây chỉ là một phim ngắn do Kiều Chinh độc diễn, mang tên Time/Thời gian, quay tại Toronto từ năm 2010.  Cũng xin nói ngay, trừ yếu tố gốc Á và tuổi tác, vai diễn trong phim hoàn toàn không hề có phần nào là cuộc đời thật của Kiều Chinh.

Nhân vật trong đoạn phim Time/ Thời gian là một nghệ sĩ  hưu trí trong cảnh giầu sang, trong khi tôi hiện vẫn còn phải xuôi ngược mưu sinh.

Sự thật là Đạo diễn Cường Ngô có nói là anh muốn thực hiện phim Time/ Thời gian gần với đời thật để đặc biệt vinh danh Kiều Chinh.

Tôi rất cảm kích về điều này, nhưng thực tâm thấy nên hướng sự vinh danh tới toàn bộ các nữ nghệ sĩ đã một đời say mê nghệ thuật, trên tinh thần ấy, chuyện phim đã được điều chỉnh.

Có lẽ chuyện phim Time/ Thời gian hoạ chăng phần nào gợi nhớ nhân vật Norma Desmond, một nữ nghệ sĩ thời phim câm về già, do Gloria Swanson diễn xuất trong Sunset Boulevard, một phim cổ điển do đạo diễn Billy Wilder thực hiện từ  1950.


Cùng Đại sứ  Hoa Ky P. Peterson và nhà báo Terry Anderson khánh thành một ngôi trường VCF.

Điều gì tâm đắc nhất trong sự nghiệp điện ảnh của bà?

Có lẽ đó là những cơ hội gặp gỡ và cùng làm việc với nhiều tài ba của thế giới nghệ thuật, là được sống với hoàn cảnh, tâm trạng của những nhân vật nữ thuộc nhiều  dân tộc, tại nhiều đất nước khác nhau mà tôi được vinh dự diễn xuất.

Với tôi, điện ảnh là phản ảnh đời sống và ngôn ngữ điện ảnh là ngôn ngữ quốc tế. Do đó mình có cảm tưởng như được sống nhiều cuộc đời và nói nhiều ngôn ngữ.


Phát biểu tại sân khấu giải Emmy 1996 cho phim thời sự 'Kieu Chinh, a Journey Home'

Trong vai trò cố vấn cho các hãng phim Mỹ khi làm về Việt Nam, bà thấy họ quan tâm nhất tới vấn đề gì? Văn hoá? Con người?

Công việc đằng sau camera của Hollywood trong những phim về Việt Nam, tôi thấy phần đông họ chỉ quan tâm tới chiến tranh và... chiến tranh, với tất cả những dị dạng tàn khốc.

Ngay khi đứng trên set quay từ nhiều năm, ví dụ trong phim Hamburger Hill (Đồi thịt băm) hay trong các show Vietnam War... tôi đã thầm mong là sẽ tới lúc điện ảnh thế giới không chỉ nhìn Việt Nam như một cuộc chiến, mà như một đất nước với văn hoá và con người. Cho tới nay, tôi vẫn mong ước vậy.

Được biết bà vẫn âm thầm làm công việc từ thiện, xây dựng 63 trường tiểu học cho vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Hiện công việc đó ra sao?

Đây không phải công việc âm thầm của riêng cá nhân tôi mà là nỗ lực chung từ nhiều năm của Vietnam Children's Fund gọi tắt là VCF, một tổ chức phi lợi nhuận với sự tham dự của nhiều nhân vật cựu chiến binh danh tiếng  tại Mỹ.

Chuyện có thể sơ lược như sau: Tại thủ đô Washington của Mỹ, có khu Bức Tường Đá Đen tưởng niệm 58,195 tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, hàng năm đón tiếp trên 3 triệu khách thăm viếng.

Trong dịp kỷ niệm 10 năm của bức tường, tôi được mời nói chuyện tại đây, gặp gỡ và được sự hưởng ứng của các cựu chiến binh Mỹ để thành lập hội Vietnam Children's Fund, với mục đích quyên góp để xây tặng trẻ em Việt Nam tại các vùng bị chiến tranh tàn phá 63 ngôi trường tiểu học, đủ chỗ cho 58.195 trẻ em ngồi học, tương đương với con số tử sĩ có tên trên bức tường đá đen.

Hội được chính thức thành lập năm 1993, do nhà báo danh tiếng Terry Anderson và Kiều Chinh đồng sáng lập. Phó Chủ tịch là Luật sư Lewis B. Puller, một cựu chiến binh mất cả hai chân và bàn tay trong cuộc chiến tại Việt Nam. Ông từng đoạt giải Pulitzer.

Trước khi từ trần, Lewis đã tình nguyện đi Việt Nam thu xếp việc xây trường.  Kết quả, năm 1995, ngôi trường  đầu tiên của VCF  mang tên Lewis B. Puller, được khánh thành tại Đông Hà, ngang vĩ tuyến 17, từng là nơi phân chia Nam Bắc.

Từ đó tới nay với sự tài trợ của nhiều cá nhân và công ty, cùng với sự  trông coi trực tiếp của Giám đốc VCF tại Việt Nam là kỹ sư Sam Russell, 48 ngôi trường VCF đã được xây dựng trên mọi miền đất nước, đủ chỗ ngồi học cho gần 30.000 học sinh.

Hai ngôi trường mới nhất, một tại Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, gần Sapa, do sự trợ giúp của Boeing Company hợp cùng khoản tặng của Mr. H.L. Lenfest. Ngôi trường mới thứ hai được xây tại Yên Bái, do công ty FedEx tặng.

Các em học sinh tại Việt Nam cũng vừa có thêm một tin vui: Công ty Boeing đã chính thức hứa tặng việc xây trường của VCF ngân khoản 150.000 USD, theo kiểu "Matching Fund", có nghĩa là chỉ xuất ngân khi VCF quyên góp được ngân khoản tương đương.

Năm 2013 sắp tới sẽ là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập VCF. Với tư cách là chủ tịch hội, Kiều Chinh đang nỗ lực vận động quyên góp số tiền này để "Matching" với tài khoản mà công ty Boing tài trợ cho những ngôi trường mới sắp tới.


Kiều Chinh (áo trắng) cùng nhiếp ảnh gia Nick Ut và những người bạn

Cuộc đời bà có nhiều khúc quanh, cũng có cả vinh quang và cay đắng. Bà có nghĩ sẽ viết hồi ký hay một kịch bản phim về chính cuộc đời mình.

Từ nhiều năm qua, đây là câu hỏi mà cũng là sự khuyến khích mà tôi thường nhận được từ cử toạ ở khắp nơi, khi có dịp đi nói chuyện tại các sinh hoạt văn hoá  và đại học Mỹ.

Xin trả lời chung, tôi nghĩ bất cứ người Việt Nam nào sống qua những giai đoạn đầy biến động như thời của chúng ta,  cuộc đời đều có nhiều khúc quanh, nghiệt ngã, có thể viết thành hồi ký hay truyện phim.

Tôi cũng mong là sẽ đủ sức để không chỉ viết về riêng mình mà còn viết về hoàn cảnh chung của thế hệ mình.

Là người phải chia ly với bố, và anh chị em ruột trước tuổi thành niên, tôi luôn luôn ước mong, không chỉ lúc này mà mọi lúc, đó là điều tôi đã có dịp phát biểu trên diễn đàn của Viện Hàn lâm Khoa Học và Truyền hình Mỹ khi nhận giải Emmy Award cho ê- kíp làm phim Kiều Chinh, a Journey Home năm 1996: "Cầu nguyện sự đoàn tụ cho mọi gia đình bị chia lìa vì chiến tranh trên mặt đất."

Xin cảm ơn bà. Chúc bà sẽ thực hiện được mọi nguyện vọng của mình.

Hoài Hương (thực hiện)