12 con dê đi lạc vào nhà Bí thư huyện ủy hóa ra chỉ vì… nhầm. Nhầm từ bí thư huyện, nhầm đến ông trạm trưởng khuyến nông huyện, nhầm đến cả chủ tịch xã.

Chuyện xảy khi huyện Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có ký kết với nhau một chương trình kết nghĩa hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi.

Ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để phân cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên. Tuy nhiên chỉ có 12 con dê đến được với hộ nghèo, nửa còn lại được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy. Đây chỉ là một trong rất nhiều chuyện đã xảy ra trong nhiều chương trình liên quan đến chính sách giành cho người nghèo.

12 con dê và  những chuyện “bé cái nhầm”?

Lý giải cho việc chuyển dê vào nhà ông Bí thư huyện ủy, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê. Tại Trạm trưởng khuyến nông huyện phân bổ thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận”.

Nhưng chuyện đáng nói là 12 con dê đã yên vị gặm cỏ tại trang trại nhà ông Bí thư đến nửa năm trời. Cho đến khi dân biết được, làm đơn hỏi lên trên thì dê mới được trả về đúng chủ.

Ông Bí thư huyện ủy khi đó lại trả lời rằng “Biết là có dê vào trang trại nhưng tôi nhầm với dê của một dự án khác, chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn”.

Nghĩa là chuyện chỉ vì nhầm lần. Nhầm từ Bí thư huyện Thạch Thành, nhầm đến ông Trạm trưởng khuyến nông huyện, nhầm đến Chủ tịch xã. Ba lần “bé cái nhầm”. Dê thì chẳng biết nói năng. May mà dân chẳng nhầm. Mà dân không thể nhầm được là đúng rồi. Vì xã Thành Yên có 840 hộ thì có 252 hộ nghèo. Với một hộ nghèo, một con dê là cả một cơ nghiệp. Mà đây là dê giống. Khi có dê con mang về gầy lại nuôi tiếp thì chỉ tính dê thịt thì một một năm cũng có thể thu về 1 triệu đồng sau khi trừ chi phí,

{keywords}
Ảnh: Lao Động

Nhưng chưa hết chuyện “bé cái nhầm”. Còn một cái nhầm thứ 4. Bởi theo báo chí đăng tải thì ba gia đình đã nhận nuôi 12/24 con dê còn lại là hộ ông Đỗ Văn Thi, Đỗ Quang Phê và Nguyễn Văn Quý, vốn không phải là hộ nghèo mà đều là anh em họ hàng nhà ông Bí thư huyện ủy. Riêng ông Nguyễn Văn Quý đang là cán bộ xã.

Hiện thị xã Bỉm Sơn đã hỗ trợ huyện Thạch Thành 60 con dê giống trị giá 250 triệu đồng. Mới đụng đến vụ 24 con dê đã xảy ra chuyện dê giống không vào tay người nghèo, số còn lại ra sao thì chưa rõ…

Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên ở Thanh Hóa xảy ra chuyện dê giống cho người nghèo lùm xùm.

Năm 2013, tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, khi thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn theo chương trình 30 A, mỗi hộ nghèo tại xã này được cấp 3 triệu để mua dê sinh sản. Nhưng người dân phản ánh là giá dê giống bên ngoài là 120.000 đồng/kg thì dự án bán giá 170.000 đồng/kg. Dê của dự án cấp nhiều con ốm yếu, còi cọc, có con mua vài ngày là chết, thậm chí thay vì bán dê cái thì lại cấp dê đực... Chưa kể vì giá dê bị kê lên trên 3 triệu đồng không đủ tiền mua đủ mức 20-15 kg dê giống, thành thử bà con đành nghiến răng bỏ thêm,  ít nhất cũng từ 400 ngàn, nhiều thì phải phụ thêm cả triệu bạc mới có thể mua nổi.

Tương tự, tại Sơn La cũng có việc bò của chương trình 30 A đi lạc địa chỉ. Bò thay vì đến tay người nghèo thì lại rơi vào người nhà của trưởng bản Hoàng Văn Phèn ở bản Cao Đa 2, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên…

Tại huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam lại có việc tiền đi lạc khi cán bộ của chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện đã sử dụng vốn vay giành cho người nghèo trong chương trình 30 A cho người nhà vay gây thiệt hại 3 tỷ đồng…

Dê hay bò, còn “be be” để người ta biết chuyện đi lạc chuồng. Còn biết bao hỗ trợ “nhầm chuồng” khác về nhà cửa, tiền bạc -  những thứ cả đời không biết nói năng,  thì bao giờ mới phát giác ra.

Chống tham nhũng ở các dự án xóa đói giảm nghèo.

Cuối 2014, Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thực hiện khảo sát tại 4 tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh, nơi thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ailen.

Kết quả 73,3% ý kiến người dân  cho rằng có tiêu cực trong triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo. Hình thức phổ biến nhất là dùng nguyên liệu kém chất lượng và bớt xén nguyên liệu trong quá trình thi công công trình (chiếm 52,7% và 47,7%).

Có 74,7% số người được hỏi cho rằng, thông qua hoạt động giám sát cộng đồng với các dự án xóa đói, giảm nghèo có phát hiện ra sai phạm. Mà phổ biến nhất là “dự án đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản thuộc dự án”. Đây chính là một trong những dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao.

Rõ ràng, để không còn chuyện dê đi lạc, bò đi lạc hay tiền đi lạc… địa chỉ từ các dự án xóa đói giảm nghèo, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa, trong đó giám sát từ cộng đồng rất quan trọng.

Hiện đã có nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu đề nghị bổ sung quyền hạn cho chủ thể giám sát đầu tư của cộng đồng, bổ sung cơ chế bảo đảm việc thực hiện “quyền yêu cầu cung cấp thông tin của chủ thể giám sát” để có đủ căn cứ, cơ sở cho việc giám sát đạt hiệu quả. Đồng thời cũng nên thay đổi cách thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo theo hướng đối với những dự án nhỏ, không đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật thì giao trực tiếp cho cộng đồng làm theo cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm” để tiết kiệm chi phí, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Nguyễn Anh Thi

--------------

Tham khảo:

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/de-ho-ngheo-lac-vao-trang-trai-bi-thu-huyen-20150120213349199.htm

http://danviet.vn/dien-dan-ban-doc/thanh-hoa-kho-vi-dan-de-du-an-159632.html

http://baosonla.org.vn/News/?ID=5034&CatID=129

http://www.cadn.com.vn/news/75_123984_-an-theo-nguo-i-nghe-o.aspx

http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30501&cn_id=691597

http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=5622

http://www.vietlinh.vn/library/news/2014/agriculture_livestock_news_show_2014.asp?ID=846