Xem ra, thủ tướng Netanyahu đã đi quá trớn trong cuộc tranh cử hồi tháng 3, để thắng “với bất cứ giá nào” và bây giờ, cả ông và nước Israel sẽ phải đương đầu với những khó khăn, thách đố lớn hơn trước trong khi đã mất khá nhiều thiện cảm của thế giới.

Kỳ 1: Vì sao chính khách lão luyện lại "hạ mình" tới mức đó

LTS: Trong phần 2 bài viết, GS chính trị Vũ Đức Vượng sẽ phân tích các hệ lụy mà Thủ tướng Netanyahu và đảng của ông phải đối diện khi đã sử dụng nhiều “chiêu trò” để thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Mất chính nghĩa là mất tất cả

Ông Netanyahu và phe Likud thắng ngoạn mục: chiếm 30/120 ghế của Quốc Hội Israel so với 24 ghế của đối thủ chính. Hơn nửa số ghế còn lại chia cho các đảng khác, từ phía cực đoan cực hữu cho đến liên minh Ả Rập Joint List (13 ghế).

Ông Netanyahu sẽ liên kết với các đảng phe hữu và các đảng thuộc tôn giáo (Do Thái) và có đủ đa số 61 ghế để lập chính phủ mới trước ngày 7/5.  Ông sẽ là thủ tướng phục vụ lâu nhất Israel, và chứng minh, dù có bị Mỹ tẩy chay không gặp thì người Israel vẫn bầu cho ông.

Nhưng đồng thời đó cũng là thảm kịch cho những năm tháng sắp tới.

Trước hết, khi ông Netanyahu gạt giải pháp “hai quốc gia” đối với người Palestine ở Gaza và bờ tây, đồng thời khích động kỳ thị người Israel gốc Palestine thì chính quyền mới của ông sẽ phải đương đầu với những thách đố lớn hơn từ trước tới nay.  

Và, cả thế giới sẽ chú trọng vào sự đàn áp người Palestine của Israel hơn. Gần 70 năm sau họ bị chiếm đoạt tài sản và bị lưu đầy ngay trên đất nhà, người Palestine vẫn sống vất vưởng nhờ vào sự trợ giúp của LHQ và một số quốc gia Âu châu, và luôn bị xách nhiễu, hành hạ.  Israel sẽ không còn độc quyền lên án các nhóm Palestine khủng bố nữa mà sẽ phải biện minh về sự đàn áp cả dân tộc này.  

Thêm vào đó, những người chỉ trích chính sách của Israel luôn bị chụp mũ là “kỳ thị Do Thái” sẽ bớt bị tai tiếng này và sẽ lên tiếng mạnh dạn hơn khi họ chống những chính sách hay hành động của Israel.  

Cụ thể, phong trào BDS (Boycott – Divestment – Sanctions), tạm dịch là  Tẩy chay – Không đầu tư vào Israel – và Chế tài nước này đã lan sang nhiều nước Âu châu; vài năm gần đây, phong trào đã lan sang Mỹ.  

{keywords}
Nhiều tổ chức của các chuyên gia về giáo dục đã tẩy chay hội họp tại Israel hay trao đổi với các tổ chức tương tự của Israel; Sinh viên ở Mỹ cũng kiến nghị không đầu tư vào các công ty làm việc với Israel. Những tiếng nói này sẽ mạnh thêm cũng như sẽ đỡ bị chỉ trích hơn trước. (4)

Trong nước, công dân gốc Palestine nay có một chính nghĩa thuyết phục hơn: họ bị chính quyền Israel kỳ thị chủng tộc, không khác gì những người da đen trước đây ở Mỹ hay ở Nam Phi.  Đây cũng là thế lưỡng nan cho Israel: phải chọn là một nước dân chủ hay một nước Do Thái.  

Nếu Israel chọn “dân chủ” thì buộc lòng phải tôn trọng nhân quyền của công dân gốc Palestine, như Nam Phi và Mỹ đã tự sửa sai, và tiếng nói cũng như lá phiếu của nhóm dân này sẽ chiếm đa số trong thời gian không lâu. Thời gian là lợi điểm cho dân gốc Palestine hơn là gốc Do Thái.  Ngược lại, nếu Israel tự chọn là một “nước Do Thái”, họ sẽ phủ nhận đặc tính cốt lõi dân chủ và trở  thành một nước như Nam Phi trước đây.

Thắng cử với “bất cứ giá nào”

Các chiêu tranh cử của ông Netanyahu đã có nhiều hiệu quả ngược và chia rẽ cộng đồng rất nhỏ bé này.  

Trong nước Israel, cử tri chia làm hai phe gần như đồng đều ủng hộ hay chống đối Netanyahu.  Phe chống đối chú trọng vào các vấn đề kinh tế, bình đẳng trong xã hội, và chống tham nhũng trong khi phe Netanyahu hầu như chỉ chú trọng vào vấn đề quân sự, dùng khủng bố của Hamas và bom nguyên tử của Iran là hai vũ khí để tranh cử và trị nước.  

Ở Mỹ, tuy hầu hết người gốc Do Thái và các chính trị gia dù ủng hộ sự sống còn của Israel nhưng họ không chấp nhận nước Israel phải hành hạ dân Palestine và họ luôn tranh đấu cho một giải pháp hòa bình để hai nước sống chung với nhau được. Nay ông Netanyahu đã công khai bỏ chủ trương “hai quốc gia” cũng như đã ra mặt kỳ thị người gốc Palestine, họ sẽ ủng hộ chính sách của Mỹ mạnh mẽ hơn, dù có đi ngược lại với chính sách của Netanyahu. (5)

Israel còn có nguy cơ mất sự ủng hộ nhiệt thành của thế hệ trẻ gốc Do Thái.  

Thế hệ này lớn lên với các mạng xã hội, và họ chứng kiến những đàn áp của Israel trên đầu trên cổ người Palestine nhiều hơn là họ được nuôi dưỡng từ những câu chuyện gần như thần thoại của thời lập quốc Israel, và phản ứng của họ đang nghiêng về bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người bị đàn áp.  

Còn đối phương hay kẻ thù của Israel thì sao?

Trước hết, chính quyền Palestine, ngay từ năm 2014 đã xúc tiến hai việc để đối phó với Israel: xin gia nhập Liên Hiệp Quốc như một quốc gia thành viên, và xin gia nhập làm thành viên của Tòa Án Quốc Tế.  Hai động thái này cho thấy người Palestine đã không kỳ vọng gì nhiều về thương thuyết với Israel, và họ muốn dùng Liên Hiệp Quốc như một diễn đàn, cũng như công luận trên thế giới, để đối phó với Israel và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của họ.  

Trong quá khứ, Mỹ đã che chở, luôn dùng quyền phủ quyết để gạt đi những nghị quyết đưa ra điều gì bất lợi cho Israel ở LHQ. Liệu trong 2 năm cuối của Obama chắc gì Mỹ sẽ bảo vệ Israel  như xưa. Còn nếu chính quyền Palestine kiện được Israel ra Tòa quốc tế về những vi phạm nhân quyền, liệu có ngày nào đó chính ông Netanyahu cũng sẽ bị lôi ra tòa, không khác gì cựu tổng thống Pinochet của Chile trước đây, hay các lãnh tụ Khmer Rouge bên Campuchia hiện nay.

Đối thủ chính của Israel ở Trung Đông là Iran đang thương thuyết với 6 cường quốc về thỏa thuận ngăn ngừa Iran tạo được vũ khí hạt nhân.

Trường hợp 6 nước và Iran đồng ý việc kiểm soát công nghệ hạt nhân, các cường quốc sẽ nới lỏng những biện pháp chế tài hiện đang đặt trên Iran, và Iran sẽ “trở lại với cộng đồng thế giới” và sẽ trở nên mạnh hơn. Nếu họ không đạt được thỏa thuận, 5 nước kia, trừ Mỹ cũng sẽ nới lỏng các biện pháp trên vì họ muốn giao thương với Iran, nên Iran cũng sẽ tiến hơn hiện nay.  Chưa kể Iran vẫn có một cớ là họ cần tự vệ và thăng bằng cán cân quân sự ở Trung Đông. Chưa biết chừng hai nước Ai Cập và Ả Rập Saudi cũng sẽ vào cuộc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.

Xem ra, thủ tướng Netanyahu đã đi quá trớn trong cuộc tranh cử hồi tháng 3, để thắng cử “với bất cứ giá nào” và bây giờ, dù thắng cử, cả ông và nước Israel sẽ phải đương đầu với những khó khăn, thách đố lớn hơn trước trong khi đã mất khá nhiều thiện cảm của thế giới nói chung và sự ủng hộ hầu như vô điều kiện của đồng minh quan trọng nhất của Israel nói riêng.

GS. Vũ Đức Vượng

(4) Năm 2005, các xã hội dân sự của người Palestine đề xuất một chiến dịch tẩy chay Israel, có tên là BDS ww.bdsmovement.net/2014/round-up-13017

(5) Nhóm K Street hay nhóm Peace Now, chẳng hạn, luôn cổ võ giải pháp hòa bình với người Palestine, chống xây dựng các vùng định cư trái phép ở West Bank, và nay đã chính thức ủng hộ lập trường, chính sách của tổng thống Obama.