"Tôi có thể khẳng định không có bất kỳ ai trên thế giới cầu mong mình được nhận danh hiệu Bà mẹ Anh hùng, bởi đó chắc chắn là những người phụ nữ đau khổ nhất trần gian. Nhưng lịch sử Việt Nam đã tạo ra những người mẹ như vậy".

Kỳ 1: Nhà báo Mỹ 'góp nhặt' nỗi đau chiến tranh Việt Nam

Kỳ 2: Sao người Việt Nam không ghét người Mỹ?

Nỗi đau người ở lại

Nếu hỏi đối tượng nào phù hợp nhất với dự án 'Những người phụ nữ chịu ảnh hưởng (mất mát) từ chiến tranh' ở Việt Nam, chắc chắn người đầu tiên chúng tôi phải tìm đến là các Bà mẹ Anh hùng.

Không cần thêm bất kỳ lời diễn giải nào, 'tiêu chí' để trở thành Bà mẹ Anh hùng đã đủ làm đau mọi trái tim:

- Có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;

- Có hai con mà cả hai con là liệt sĩ, hoặc chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ;

- Có ba con trở lên là liệt sĩ;

- Có một con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.

Những người như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam mất 9 con, mẹ Nguyễn Thị Dương ở Hà Nội mất 6 con, mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận mất 8 con là liệt sĩ, mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị mất 9 con, mẹ Nguyễn Thị Rành ở huyện Củ Chi, TP HCM mất 8 con, mẹ Phạm Thị Khánh ở Kiên Giang mất 7 con trai (bà có 8 con), "Bà mẹ Gio Linh" Lê Thị Cháu ở làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) phải quặn lòng nuốt hận mang thúng đi lấy đầu con bị giặc Pháp chặt rồi bêu giữa chợ về khâm liệm, mai táng... còn mất mát nào to lớn hơn thế nữa.


Chân dung các Bà mẹ Anh hùng tại Bảo tàng Phụ nữ, Ảnh Hoàng Hường

Sự đơn côi, đau đớn của những người phụ nữ ở lại, chứng kiến lần lượt chồng con  mình ra đi là minh chứng rõ rệt nhất sự 'bị ảnh hưởng' (being affected) từ chiến tranh, như mô tả dự án của Marissa.

Chính vì thế, khi nghe tôi nói qua về Bà mẹ Anh hùng, nữ ký giả khẳng định luôn đó là đối tượng đầu tiên mà bà muốn tìm đến.

Khi chúng tôi tìm đến mẹ Anh hùng Nguyễn Thị Thông ở 90 Hàng Trống, Hà Nội, hình ảnh một cụ già 99 tuổi (cụ Thông sinh năm 1913) trèo chiếc cầu thang từ gác xép ngôi nhà rộng chừng 2m vuông xuống tiếp khách làm tôi không khỏi xót xa, dẫu biết rằng đó là không gian sống rất đỗi bình thường trong các khu phố cổ Hà Nội.

Mời mẹ ra vỉa hè ngồi nói chuyện, mẹ chỉ nhớ duy nhất tên mình và tên con trai cùng vài thông tin đơn giản nhất. Ký ức của mẹ chỉ dừng lại đúng năm người con trai duy nhất Nguyễn Văn Nguyên của mẹ hy sinh năm 1968. Những thông tin khác mẹ không nhớ, hoặc không muốn nhớ, hoặc nỗi đớn đau trống vắng đã lấy hết quãng đời còn lại của mẹ.


Mẹ Anh hùng Nguyễn Thị Nghị và con trai Nguyễn Khắc Hận, Ảnh Hoàng Hường

"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ..." lời bài hát quen thuộc, nhưng với Mẹ anh hùng Nguyễn Thị Nghị, tại tổ 16 phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Mẹ Nghị sinh năm 1921. Cả ba lần mẹ Nghị tiễn con đi, cả ba lần mẹ không được đón con về. Ba người con trai của mẹ lần lượt nằm lại chiến trường, vĩnh viễn để lại cho mẹ nỗi đau cắt lòng.

Giờ mẹ sống với vợ chồng người con trai thứ tư, anh Nguyễn Khắc Hận và chị Ngô Thị Hiển. So với nhiều Mẹ Anh hùng khác, mẹ Nghị vẫn là người may mắn và hạnh phúc hơn vì còn có con kề cận chăm sóc. Nhiều Mẹ anh hùng khác phải sống cảnh quạnh quẽ khi về già vì chồng con các mẹ đã 'ra đi' hết.

Tuổi già cô quạnh

Dừng lại hồi lâu nhìn mẹ Nguyễn Thị Thông bên mâm cơm cô quạnh trong căn phòng 2m vuông, tôi bước nhanh ra ngoài phố để khỏi cảm thấy quá nặng nề. Một lúc lâu sau, Marissa Roth mới đi ra. Suốt chặng đường về, Marissa chẳng nói gì, chỉ yên lặng nhìn đường phố qua cửa kính taxi.

Tôi còn nhớ cách đây không lâu, khi dự án tượng đài Bà mẹ Anh hùng 420 tỷ được khởi công ở Quảng Nam, sau khi bị công luận phản ứng dữ dội đã phải dừng lại. Cuộc sống của các Bà mẹ Anh hùng được nhìn nhận lại rõ hơn, và không khỏi khiến người người xót xa.

Bà mẹ Anh hùng là danh hiệu được ban hành theo Pháp lệnh ngày 29 tháng 8 năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Từ lúc đó đến khi các bà mẹ được lựa chọn vinh danh từ khoảng năm 1995 đến nay. Rất nhiều người đã không còn sống để được vinh danh, và hầu hết các mẹ đều cô đơn. Những người vợ liệt sĩ tái giá, hoặc có thêm con, hoặc không có đủ 3 người con là liệt sĩ không thuộc nhóm này.

Dù được hưởng chính sách của Nhà nước, được sự thăm nom của các chính quyền, đoàn thể... nhưng nhiều mẹ đều có mẫu số chung là một tuổi già quạnh quẽ.

Nhân dịp chuyện tượng đài ồn ã, nhà báo Trầm Hương của tờ Sài Gòn Tiếp Thị từng đưa ra những câu chuyện buồn với hình ảnh Mẹ anh hùng phải ở ngoài bụi tre vì căn nhà tình nghĩa của mẹ đã quá xập xệ, sắp đổ; người mẹ khác mù lòa phài dò dẫm trong căn nhà trống hoác với sự giúp đỡ của người cháu họ...


Bữa cơm cô quạnh của mẹ Nguyễn Thị Thông, Ảnh Hoàng Hường

Cả đất nước có 44.253 Bà  mẹ Anh hùng, hơn 40 nghìn người phụ nữ đớn đau bên bàn thờ chồng con.

'Những người đàn ông tạo ra chiến tranh, nhưng phụ nữ là người bị bỏ lại phía sau chịu hậu quả', Marissa Roth viết đề tựa dự án của bà như vậy, có vẻ như nó chính là lời tựa chuẩn xác nhất về các Bà mẹ Anh hùng.

Trước đó, tôi đã từng nghe một nhà báo nước ngoài chia sẻ: "Tôi có thể khẳng định không có bất kỳ ai trên thế giới cầu mong mình được nhận danh hiệu Bà mẹ Anh hùng, bởi đó chắc chắn là những người phụ nữ đau khổ nhất trần gian. Nhưng lịch sử Việt Nam đã tạo ra những người mẹ như vậy".

Phải rồi, chắc chắn không có người phụ nữ nào trên đời này sinh con ra để rồi phải lần lượt nhìn những đứa con mình chết. Cũng chẳng có đứa trẻ nào sinh ra để làm anh hùng, chỉ là thời thế tạo ra những nhân vật đó.

Và ở Việt Nam, đất nước bị vùi dập bao nhiêu năm vì chiến tranh, đã sinh ra những người mẹ như vậy. Những người mẹ, người phụ nữ ấy, cao cả biết bao, vĩ đại biết bao; nhưng cũng đau đớn biết bao, đáng thương biết chừng nào. Chiến tranh đã đặt lên vai những người phụ nữ thuần hậu danh hiệu lớn lao nhưng cũng vô cùng đau đớn ấy.

Chắc chắn không có bất kỳ người phụ nữ nào trên đời này cầu mong mình trở thành Bà mẹ Anh hùng, tôi đồng ý!

Hoàng Hường