Không chỉ hiện nay mà đã từ lâu rồi, thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu cần có cơ chế thích hợp để phát triển với tư cách là đầu tầu kinh tế cả nước. Yêu cầu này có khi được gọi là “cơ chế riêng” hoặc “cơ chế đặc thù”; và người nêu yêu cầu không chỉ là người của thành phố này mà còn là của nhiều người ở những nơi khác. Nhiều nội dung trong những cơ chế đó đã trở thành ước mơ của nhiều địa phương khác trong cả nước. 

Tuy nhiên, đoàn tầu kinh tế Việt Nam với đầu kéo là thành phố Hồ Chí Minh sau 35 năm Đổi Mới (1986-2020) với những thành tựu như ngày nay, cần được coi là đã đạt tới đỉnh điểm, không thể hơn so với những quyết tâm, quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trước hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam và thế giới trong hơn ba thập kỷ vừa qua. 

Đứng trên đỉnh điểm này để nhìn về tương lai, không chỉ đầu tầu thành phố Hồ Chí Minh mà là cả đoàn tầu kinh tế Việt Nam đang cần có cơ chế đột phá để phát triển. Trong những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của thời gian tới, cơ chế đột phá này chắc chắn đang được Đảng chuẩn bị trình ra Đại hội XIII sắp tới. Ý Đảng đã rõ, còn lòng dân cũng đang mong được tỏ tường. 

{keywords}
Không chỉ riêng đầu tầu, cả đoàn tàu kinh tế cần thêm lực mới

Trước hết, mọi sự so sánh giữa thành phố Hồ Chí Minh với Singapore đều là khập khiễng bởi trong hai thành phố này, một chỉ là đơn vị cấp tỉnh của Việt Nam, một còn lại là quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Nói Sài Gòn hòn ngọc viễn đông xưa là nói về Sài Gòn trong so sánh với Singapore khi còn là một địa phương của Malaysia. Ngày nay, Singapore là một quốc gia với diện tích 700km vuông, dân số gần 6 triệu người, GDP đạt trên 360 tỷ USD rõ ràng là một kỳ tích, nhưng đó là một mô hình không thể nhân rộng về “Quốc gia là một thành phố” với đô thị hóa đã tới ngưỡng 100%. Thành phố Hồ Chí Minh cần một cơ chế dù là đặc thù, đặc biệt đến cỡ nào cũng không thể theo mô hình đó được. 

Thứ hai, phát triển không đồng đều là một qui luật. Trong 63 đơn vị cấp tỉnh của Việt Nam thì về kinh tế, hiện tại có dăm bảy đơn vị ở tốp đầu, số còn lại phần lớn nằm trong top giữa, phần ít hơn nằm ở top cuối. Đây là một thực trạng phải thừa nhận theo qui luật trên, trong đó thành phố Hồ Chí Minh đang đóng góp tới 22% kinh tế cả nước, trên 27% tổng ngân sách quốc gia, với số thu bằng 55 tỉnh thuộc top cuối và top trung bình cộng lại.

Việc thừa nhận thực trạng trên không đồng nghĩa với việc coi đó là mô hình phát triển tổng thể của Việt Nam. Vấn đề là phải đưa nhiều tỉnh ở top trung bình lên top đầu, đưa nhiều tỉnh ở top cuối lên top trung bình, thậm chí vươn lên top đầu. Như vậy, không chỉ thành phố Hồ Chí Minh, mà mọi đơn vị thuộc top đầu, top giữa, top cuối của nền kinh tế đều cần có cơ chế tối ưu để phát triển trong thời gian tới. 

Thứ ba, từ đại dịch covid 19, thế giới đang phải sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu với những đứt gẫy đòi hỏi phải thiết kế lại. Vấn đề ở tầm toàn cầu này đã gợi ra nhiều điều không chỉ với chuỗi cung ứng ra thế giới của Việt Nam và ngược lại, mà còn với chuỗi cung ứng nội tại của Việt Nam. Thị trường lao động là biểu hiện dễ thấy nhất về chuỗi cung ứng này, trong đó hàng triệu lao động từ nông thôn đã tản cư ra các thành phố gần, tạo ra “nền kinh tế vỉa hè” vượt xa mức cần thiết; đồng thời hàng triệu lao động từ các tỉnh Bắc Miền Trung đã phải chuyển cư, tìm việc làm tại nơi xa, tận miền Đông Nam Bộ. Thực trạng này đã kéo dài từ vài chục năm qua. 

Cũng tương tự như vậy, kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tuy không bị bỏ lại phía sau từ quyết tâm chính trị, nhưng vì thiếu cơ chế cần thiết nên đã hơn ba thập kỷ Đổi Mới, các vùng này ở đâu vẫn ở đó trong những toa cuối của đoàn tầu kinh tế Việt Nam. Tỉnh lộ, quốc lộ đã mở ra hết cỡ, cao tốc liên tục được khởi công và khánh thành, nhưng các phương tiện luôn bị kẹt cứng vì chuyến đi thì có tải (hàng hóa, hành khách), còn chuyến về thì không tải, coi như hiệu suất sử dụng đường xá và phương tiện chỉ đạt 50% do phát triển quá nóng ở vùng này, nhưng lại quá lạnh ở vùng khác. 

Với những thành tựu và tồn tại của 35 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới, không khó để nhận ra rằng qui luật phát triển không đồng đều đã tác động tới mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế-xã hội nước ta, trong đó có cả những tác động thuộc kỳ vọng và cả những tác động không mong muốn. Vẫn biết rằng dù phát triển tới đẳng cấp nào thì không đồng đều vẫn là xu hướng không cưỡng lại được.

Nhưng hơn bao giờ hết, tại thời điểm cuối của chặng đường hơn ba thập kỷ này, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã biết rõ bản chất những tác động không mong muốn của qui luật này, vấn đề còn lại là làm thế nào để giảm được hậu quả của những tác động không mong muốn đó và rút ngắn được khoảng cách bất lợi do phát triển không đồng đều tạo ra. 

Đó là có nơi “ăn không hết”, nơi lại “lần chẳng ra”. Hiện tại, trong 63 đơn vị cấp tỉnh thì chỉ có 16 đơn vị có nguồn thu điều tiết về trung ương, 47 đơn vị còn lại vẫn phải xin trung ương điều tiết về mới đủ cho chi thường xuyên và chi đầu tư. Tính ra, trong 35 năm Đổi Mới, số tỉnh “ăn không hết” chỉ tăng được 12 đơn vị (từ 4 lên 16 đơn vị, bình quân 3 năm/đơn vị). Với nhịp độ này, để 47 đơn vị đang “lần chẳng ra” phát triển lên cấp “ăn không hết” thì phải cần tới 141 năm. Đây là khoảng thời gian quá dài, bất kể người dân nào cũng không thể chấp nhận trong thời đại cách mạng 4.0. 

Phải giảm thời gian đó xuống chỉ còn vài chục năm, tốt nhất là vào năm 2045. Muốn làm được, không có cách nào khác là phải đột phá. Nay phải đột phá để tất cả 63 đơn vị cấp tỉnh đều trở thành những đơn vị “ăn không hết” là điều không khó hơn so với những đột phá đã thành công trên đây.  

TS Đinh Đức Sinh