Mỗi lần là một dịp phong bì. Không ai muốn bị đánh giá là không trung thành, là phá bĩnh. Đây chỉ là một vài trong số vô vàn tiểu tiết người ta làm để mong có được một cuộc sống yên ổn với xung quanh.

Sống trong giả dối

Hãy nghe câu chuyện mà một người bạn tôi, ta tạm gọi là Hồng, hiện đang là trưởng bộ môn ở một trường ĐH lớn, kể lại.

Tuần trước, một cậu đồng nghiệp của Hồng nhắc khéo với mọi người là sắp sửa tới ngày giỗ đầu của thân phụ sếp. Cậu này vốn được coi là "chân gỗ", một trong mấy cánh tay đắc lực của ông ta, và mọi người hiểu ngay ẩn ý đằng sau. Trung bình mỗi người đi ăn giỗ sẽ để vào trong phong bì 1 triệu. Cỗ ở quê hôm đó dự kiến có khoảng 50 mâm, vậy là khoảng 300 khách.

Đại đa số lãnh đạo các khoa và các bộ môn nghỉ việc một ngày, cùng nhau thuê xe buýt về quê ông hiệu trưởng. Khi Hồng lưỡng lự, một đồng nghiệp còn cố gắng thuyết phục chị. "Ai cũng đi cả, chị không nên làm như vậy."

Những người về dự giỗ hôm đó nghĩ gì? Họ thực sự quý mến và muốn thắp hương cho bà cụ mà họ không hề quen biết? Họ muốn chia sẻ với ông hiệu trưởng một ngày đáng nhớ, xúc động, trong không khí ấm cúng, với 300 người gần gũi của gia đình? Chắc chắn không.

Nhưng người ta tuân theo nó vì "ai cũng làm vậy cả", và vì nó vẫn đã như vậy từ trước tới nay. Năm ngoái mọi người đã về quê dự đám tang bà cụ rồi. Sau đó là Trung thu, rồi Tết, rồi lần vợ sếp ốm nhẹ. Mỗi lần là một dịp phong bì. Không ai muốn bị đánh giá là không trung thành, là phá bĩnh. Đây chỉ là một vài trong số vô vàn tiểu tiết người ta làm để mong có được một cuộc sống yên ổn với xung quanh.

Điều chúng ta nhìn thấy ở đây là quyền lực độc tôn, quyền lực của hệ thống mà ông hiệu trưởng là đại diện trực tiếp, bao trùm lên những người dưới ông như một vỏ bọc khổng lồ.

Trong thâm tâm, người ta có thể lên án, nhưng bên ngoài họ im lặng, và làm những điều mà đám đông đang làm. Họ sống trong một sự dối trá. Trong tiểu luận mang tên "Quyền lực của những người yếu đuối", Vaclav Havel, cố tổng thống Tiệp Khắc, viết, "Họ không nhất thiết phải chấp nhận sự dối trá đó, nhưng ít nhất họ chấp nhận sống chung với cái dối trá đó, bên trong cái dối trá đó. Và khi đó, người ta xác nhận cái hệ thống, đáp ứng nó, làm ra nó. Họ chính là cái hệ thống đó."

Khi lần lượt bắt tay ông hiệu trưởng, thông điệp mà mỗi người phát ra sau nụ cười có vẻ như là "Ông thấy chưa, tôi biết là tôi phải làm gì nhé, tôi cư xử đúng như ông muốn nhé. Tôi tuân theo luật chơi đấy."

Tất nhiên, không ai muốn tự thú nhận sự khúm núm mất tự trọng của mình, và bên kia cũng hiểu vậy, nên cả hai tìm ra những hình thức trang trí cho mục đích thực chất của mình. Trá hình dưới những dịp lễ tết, sinh nhật, ốm đau, hiếu hỉ, mục đích thực chất là để một bên luôn tái khẳng định quyền lực, và bên kia luôn tái khẳng định sự phục tùng của mình, trong khi vẫn tự nhủ với nhau và với bản thân rằng nhân phẩm của họ vẫn nguyên vẹn.

{keywords}
Xã hội có thể vận hành mà không cần phong bì?

"Đi" thì phải "lại"

Không ai chỉ có thể cho mãi mà không nhận. Cho nên, tới lượt mình, sẽ tới lúc người ta phải chậc lưỡi nhận phong bì, quà cáp từ những người có ít quyền lực hơn mình, và coi đó là việc bình thường - họ đã khép kín vòng tròn.

Để ngủ ngon, họ phải tin vào tính chính danh của các hành động của mình, đưa chúng thành một lối sống, một điều cần thiết, một triết lý. Và cái triết lý này, Vaclav Havel viết tiếp trong tiểu luận nói trên, "...cho phép người ta đánh lừa lương tâm và che đậy trước thế giới và trước bản thân chỗ đứng thực của họ, cái cuộc sống thê thảm của họ. Nó là tấm voan để con người có thể giấu đi sự tồn tại thảm hại, sự tầm thường hoá, sự thích nghi của mình. Nó là một lời thanh minh mà ai cũng sử dụng, từ một người nhân viên sợ mất việc tới một lãnh đạo cao cấp bám lấy quyền lực. Chức năng của nó là cho người ta, những nạn nhân lẫn những trụ cột của hệ thống, một ảo tưởng là hệ thống đang tồn tại hài hoà với trật tự của con người..."

Chuyến xe buýt kia là một nhắc nhở cho mọi người về cái trật tự đó, nhắc nhở họ đang sống ở đâu, họ phải hành xử như thế nào, nếu như họ không muốn bị loại ra ngoài, bị hắt hủi, bị trở nên xa lạ. Hành xử đó cũng phải được thể hiện ở vô vàn chỗ khác: trong lớp học, trong các hội đồng nghiệm thu đề tài, khi viết các bài báo, khi họp bộ môn, khi xét thưởng và bổ nhiệm, ở các buổi văn nghệ và liên hoan... Cái vòng tròn khép kín kia chính là hệ mao mạch để đưa cái giả dối thẩm thấu tới mọi chân tơ kẽ tóc của cái vũ trụ của Hồng và các đồng nghiệp của cô.

Và lúc đó, ai sẽ là người lên tiếng khi có bất công xảy ra. Ai sẽ phát biểu khi một giảng viên bị trù úm, một luận án bị huỷ bỏ bất thường, một ghế trưởng khoa được mua bán ngang nhiên, một công trình đạo văn trắng trợn? Khi đã thận trọng, tính toán qua từng chuyến xe buýt, từng cái phong bì, để xây dựng và chăm chút cho sự an toàn của cái cuộc đời con con của mình, người ta có còn dám để lương tâm lên tiếng khi nó muốn lên tiếng? Để tìm được chỗ đứng trong sự giả dối và được nó chấp nhận thì không nên mở miệng nữa, ông hiệu trưởng biết rõ điều đó khi bắt tay đoàn Hà Nội mà không cần nhìn vào mắt họ.

"Đây là một thời kỳ mà cái xấu được thưởng công, và những điều tốt bị trừng phạt. Những kẻ hung hãn được ngợi ca, còn người yếu mềm bị chà đạp. Trong thế giới điên đảo này, phần lớn mọi người bối rối. Sợ hãi làm họ mất phương hướng, mong muốn tự bảo vệ làm họ mù loà." Những dòng trên mô tả Việt Nam năm 2014? Không, đó là nhà tâm lý học Eva Folgemann viết trong cuốn "Lương tâm và can đảm" về thời kỳ Phát xít Đức.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy - thời đó cũng thế mà bây giờ cũng vậy. "Một số ít người vẫn giữ được con đường của mình. Một số ít vẫn dùng la bàn đạo đức của riêng mình để định hướng." Folgemann viết tiếp.

Hồng và một vài người nữa trong trường đã không lên xe buýt. Những người này là ai, họ suy nghĩ gì, điều gì giúp họ dũng cảm để cưỡng lại cuộc chơi? Và làm sao để chúng ta trở thành họ? Những câu hỏi này sẽ được đề cập tới trong bài tiếp theo.

Đặng Hoàng Giang

(Phó Giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)

Bài cùng tác giả:

Đà Nẵng hết kiên nhẫn với người 'nghèo, lười'

Đầu năm nay, Đà Nẵng hết kiên nhẫn và tuyên bố "kiên quyết không thực hiện hỗ trợ chính sách đối với những hộ nghèo nhưng lười lao động.

Đại gia ngủ siêu giường, nhà chăng thép gai có sướng?

Để tới lúc phải chăng dây thép gai dẫn điện quanh dinh thự, và thuê hàng đại đội vệ sĩ đưa con đi học, thì lúc đó đêm đêm ngủ trên cái giường, dẫu 6 tỉ hay 60 tỉ, liệu có sung sướng?

Việt Nam có tỉ phú đô-la: Vui hay buồn?

Đi học ngành địa chất không liên quan gì tới kinh doanh, con đường của một đại gia từ mỳ tôm tới bất động sản là chất liệu của giấc mơ mới của người Việt.

'Cái thể chế này nó thế!'

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. "Cái thể chế này nó thế!" Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi.

Những 'hổ báo' dũng mãnh trong đám đông

Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định.