Tại sao ngành GD và các trường cứ dung túng cho sự phát triển quy mô với kết quả làng nhàng? Phải chẳng, đó là vì “nồi cơm” của các trường mới là lý do chính?

LTS: Trước phản ứng của các trường đại học về Thông tư 32 của Bộ Giáo dục- Đào tạo quy định quy mô tuyển sinh bắt đầu từ năm 2016, Tuần Việt Nam nhận được bài viết bàn về chủ trương. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, xin đăng bài viết và mong nhận được những ý kiến trao đổi về vấn đề này.

Theo Thông tư 32 quy định về xác định quy mô tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ GD- ĐT ban hành, sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2016, các trường ĐH trên cả nước phải đảm bảo quy mô tối đa, không vượt quá 15.000 sinh viên.

Không chờ “lộ trình” muộn

Báo chí vừa loan tải thông tin trên, một loạt trường ĐH đã phản ứng dữ dội. Điều trùng hợp gần như “ngẫu nhiên” là lí do đưa ra khá giống nhau: Quy định đó không hợp lí vì giảm tải tuyển sinh là phải có ... lộ trình. Việc tuyển sinh giảm sẽ gây lãng phí cơ sở vật chất dư thừa và, quan trọng nhất, sẽ có đến 50% giảng viên sẽ phải thất nghiệp!...

Trước hết, cần phải nói rằng một trong những nguyên nhân gây nên sự trì trệ - phát triển theo cách đủng đỉnh, lừng chừng của XH ta là cái gì cũng đòi phải có lộ trình! Đồng ý rằng kế hoạch hóa là một trong những nguyên tắc cần phải có của bất kỳ nhà nước nào. Nhưng, việc hiện nay đang có 35 vạn thạc sĩ và  cựu SV CĐ, ĐH thất nghiệp thì cái sự “chậm rề” của lộ trình các trường là... “lợi ích”.

{keywords}
Ảnh minh hoạ: dantri

Cần nhớ rằng vấn nạn thạc sĩ, cử nhân, kĩ sư thất nghiệp báo chí đã có lộ trình báo động, ít nhất là từ 05 năm nay rồi. Mãi đến bây giờ mới “chữa cháy” cũng đã là quá muộn. Mặt khác, nguyên tắc của luật pháp, xã hội, đất nước là mỗi cá nhân phải chấp nhận hy sinh một phần lợi ích, có như thế xã hội mới phát triển hài hòa.

Chẳng hạn, không thể nói tôi thích hút thuốc nên muốn hút ở đâu cũng được. Cũng tương tự như thế, làm sao có thể yên tâm khi tin rằng thay đổi của cả xã hội nhưng ảnh hưởng đến trường mình thì xã hội phải theo mình...

Không ai phủ nhận một số trường sẽ gặp khó khăn theo các lí do đã nêu trên; nhưng, tại sao cứ kiên quyết bảo vệ cho sự ổn định (có cả lợi ích) của một vài trường khi cả nước gặp phải khó khăn vô cùng lớn?

Những cái được của đổi thay

Những “thiệt hại” (nếu có) của các trường chỉ là một phần rất nhỏ so với cái ĐƯỢC lớn lao.

Thứ nhất, chúng ta biết rõ là chỉ sau chưa đầy nửa năm (từ tháng 7 đến tháng 12.2015), số lượng người có bằng cấp cao bị thất nghiệp đã tăng thêm 47.500 người.

Mức tăng đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho hàng vạn cá nhân và gia đình họ, ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn xã hội.

Đó là một con số khổng lồ và, dẫu Bộ LĐ-TB-XH có tài giỏi đến mấy cũng không thể nào tháo gỡ nổi. Cách duy nhất để cái “sảy” không nảy thành cái “ung” là phải hạn chế tuyển sinh, nếu không muốn nói là một số ngành đào tạo phải dừng hẳn. Giả sử vẫn cứ tiếp tục duy trì cách tuyển sinh vượt khung, quá tải như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, tổng số người có bằng cấp cao bị thất nghiệp sẽ lên đến nửa triệu người.

Nếu không giảm tuyển sinh trong những năm tới, lối thoát của 35 vạn con người thất nghiệp hiện nay và nửa triệu người có bằng cấp cao trong tương lai gần, sẽ ngày càng mờ mịt hơn.

Thứ hai, đất nước còn nghèo, để có được một cử nhân hay kĩ sư, bác sĩ, trung bình tốn khoảng 200 triệu đồng (mức thấp nhất, tính chung chi phí đối với cả gia đình và xã hội). Nếu lấy con số đó nhân lên với nửa triệu người thì sự lãng phí (đào tạo rồi không dùng), thật là khủng khiếp: Cứ mỗi một vạn cử nhân, kĩ sư thất nghiệp; xã hội bỏ phí 2.000 tỷ đồng! 50 vạn người, tức là lãng phí cả trăm ngàn tỉ đồng!

Thứ ba, lâu nay ta vẫn biết có không ít Th.S, TS “giấy”. Chẳng có cách nào để “giám định” thật – giả, dù ngành GD- ĐT có hẳn một Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng. Đây là lúc tất cả các tài năng đều được soi dưới ánh sáng ban ngày. Nếu có thực tài, chẳng có giảng viên ĐH nào phải thất nghiệp. Sẽ có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp sẵn sàng đón các tài năng về để sử dụng với mức lương cao hơn.

Thứ tư, việc khống chế đầu vào, sẽ cho phép xã hội chọn lọc được nhiều tài năng đích thực hơn. Cứ đào tạo theo kiểu “đầu vào bác sĩ 13 điểm” như thời gian qua báo chí đã bàn luận ồn ào, thì chất lượng bị giảm sút là đương nhiên.

Thứ năm, khi lối vào ĐH hẹp lại thì mặc nhiên, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ chọn con đường đến với đào tạo nghề phù hợp hơn, đỡ tốn kém hơn. Đừng chối cãi rằng có rất nhiều SV hiện nay chất lượng vẫn theo kiểu học sinh phổ thông …. cấp bốn. Tại sao ngành GD và các trường cứ “dung túng” cho sự phát triển quy mô với kết quả làng nhàng? Phải chẳng, đó là vì “nồi cơm” của các trường  mới là lý do chính?

Có thể nói, hạn chế quy mô tuyển sinh là cách tốt nhất mà Nhà nước định hướng giúp, giảm bớt sự tốn kém, vất vả cho hàng vạn con người.

Xét về mặt xã hội, thất nghiệp và lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Tại sao ngành GD, các trường cứ tiếp tục lãng phí tài lực, vật lực theo kiểu đào tạo ra rồi bỏ đấy?

Những thiệt thòi, khó khăn là rất nhỏ, cái được là vô cùng lớn và có rất nhiều ý nghĩa, tại sao lại không?

Hà Thịnh