Đã qua rồi cái thời đèn nhà ai nấy rạng. Thời hội nhập, và sự phát triển của một XH đòi hỏi  từ mỗi cá nhân cho tới cộng đồng biết hành xử văn minh và có tính chuyên nghiệp, khi đụng chạm tới lợi ích của người khác, cộng đồng khác.

Có hai vụ việc nhỏ và một vụ việc lớn trong tuần, bỗng nhiên trở thành đề tài ấn tượng và bàn luận ồn ào trên các báo, các trang mạng XH.

Cả hai vụ việc nhỏ, nhưng bài học làm người không nhỏ chút nào. Nó khiến cho người có chút lương tâm, thấy buồn cười và rất đau. Cùng nỗi hổ thẹn.

Nắn lợn và thiếu tính chuyên nghiệp

Đó là vụ rút ruột 20 con heo đất hỗ trợ học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở Trường THCS Cầu Quan (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh). Số tiền bị rút ruột không lớn- chỉ 20 triệu. Chuyện đổ bể bắt đầu từ một con heo đất bị “bể” (vỡ), bên trong chỉ có mấy chục ngàn, trong khi nếu đối chiếu sổ sách thì con heo này cũng phải hơn 01 triệu. 20 con heo đất với số tiền khoảng 28 triệu, là tiền tiết kiệm của các em học trò nhịn ăn sáng, hoặc tiết kiệm tiền cha mẹ cho để nuôi heo “béo” từ tháng 10/2014.

Có điều, heo đất các em nuôi, khi được phát hiện, không những không tăng trọng mà lại sụt giảm nhanh chóng. Hơn 28 triệu nay chỉ còn khoảng 08 triệu.

{keywords}

Đàn heo đất 20 con bị rút ruột mà nhà trường không biết.

Nhìn bức ảnh các con heo bị đập vỡ để truy tìm số tiền mất cắp, toàn những đồng tiền mệnh giá thấp, người đọc nào cũng phải nhăn mặt và xót xa cho đám học trò. Không biết người lớn nào tham lam đến mức bé mọn, ti tiện đã “nắn” lợn của các em đến vậy? Vừa buồn cười, vừa thấy khổ tâm thay!

Bởi đây là môi trường giáo dục học sinh, là môi trường sư phạm với những đứa học trò nhỏ ngây thơ và đầy lòng tin tưởng vào thầy giáo, cô giáo.

Các em nếu nghe tin, và lại nhìn thấy những con lợn của mình nuôi cho “béo”, bị đập vỡ để truy tìm số tiền mất cắp, liệu những niềm tin thơ ngây có bị… vỡ vụn như những mảnh vỡ đất nung kia không?

Liệu các em sẽ nghĩ thế nào về những bài học giáo dục đạo đức trung thực, thật thà hàng ngày. Còn các thầy cô giáo tử tế, đàng hoàng, sẽ biết giấu nỗi hổ thẹn của mình vào đâu khi phải đứng trước hàng 40-50 đôi mắt học trò trong veo, sau vụ việc tăm tối kia, để tiếp tục dạy dỗ, mà không gợn lên nỗi day dứt. Môi trường giáo dục, tự lúc nào vô tình đã bào mòn cái ý nghĩa giáo dục theo những mảnh vỡ của những con lợn đất nung.

Không biết ai là người được cai quản những con lợn gầy kiểu này, và không biết đến giờ, cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm chưa. Nhưng cái vụ việc bé mọn mà nỗi hổ thẹn thì chẳng bé mọn tý nào.

Đặt cái chuyện rút ruột lợn đất trong bối cảnh những tiêu cực- thịt cá thối được làm thực phẩm cho trẻ tiểu học, cô giáo đánh nhau, thầy giáo đánh nhau, trò gái đánh bạn dã man…, cho đến những hiện tượng tiêu cực mang tầm vĩ mô: Bằng thật, học rởm, mua bán điểm..., chả lẽ ngành giáo dục, và XH đang dạy dỗ "ngược" cho trẻ. Cho dù ở đâu cũng vẫn có những người thầy giáo tốt, biết tự trọng. Như hành vi từ chức hiếm hoi của thầy hiệu trưởng một trường THCS khác cũng ngay trong tỉnh Trà Vinh đó thôi.

Cái chữ dạy người- chả lẽ phải bắt đầu từ người lớn chúng ta, từ các thầy giáo, cô giáo, chứ không phải chỉ cho trẻ em?

Chuyện “nắn” lợn đất vừa mới qua đi, chuyện "né” U (xơ tử cung) lại ồn ào, khiến báo chí, các trang mạng bình loạn nghiêng ngửa.

Nhân vật … né U là một ông bác sĩ có cương vị hẳn hoi: Giám đốc BV Phụ sản TƯ. Nhân vật mắc bệnh U xơ này là một cô gái còn trẻ, tự nhận là nhà báo, nhưng thực chất mới chỉ là cộng tác viên của tờ báo nào đó.

{keywords}
TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc bệnh viện phụ sản Trung ương trong buổi làm việc với báo chí chiều ngày 24-3.

Sự ồn ào gây sóng trên các trang mạng XH, bắt đầu từ một bài báo của một tờ báo nọ: Bác sĩ từ chối mổ vì biết bệnh nhân là nhà báo

Khỏi phải nói, sự sửng sốt và bất bình khi thông tin này tung ra.

Cuộc đối thoại chỉ có hai người. Thực hư ra sao, trung thực hay dối trá chỉ họ biết. Và khi đưa lên mặt báo thì ông nói gà, chị nói vịt. Báo chí đưa mỗi nơi một phách.

Nhưng bất ngờ nhất, là hiệu ứng ngược của câu chuyện, khi những tờ báo có uy tín đưa đầy đủ vụ việc.

Ngược, vì khi hiểu rõ thêm câu chuyện, vị bác sĩ này hoàn toàn có quyền từ chối dịch vụ chữa bệnh (trả tiền) của cô Tr. Đó là một trong một số quyền hạn của bác sĩ có quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân, theo quy định.

Ngược, vì nỗi hãi sợ của vị bác sĩ này là có lý, khi trong quá khứ, ông đã từng phải trả giá vì bị chính một tờ báo “gài bẫy” vu cho chuyện chữa bệnh ép giá người bệnh.

Ngược, vì vị bác sĩ này từ chối không chữa trị cho khách hàng (cô Tr), do quá bận, quá đông bệnh nhân chứ không phải vì biết cô ta là nhà báo (tự nhận).

Vụ việc tự nhiên xoay hẳn 180 độ!

Không thể phủ nhận, vẫn luôn có những nhà báo chân chính, tử tế, đàng hoàng, không vì cái “mác” nhà báo mà trở nên hiếu thắng, háo danh, sẵn sàng dọa dẫm cơ sở cho mục đích của mình. Nhưng cũng không thiếu, đặc biệt trong thời kim tiền này, những người nhân danh báo chí, từ nghiệp vụ, cách ứng xử, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, mà cả nhân cách người cầm bút cũng… thiếu chuyên nghiệp nốt.

Cô Tr. có non kém trong cách hiểu biết về quyền hạn, trách nhiệm bác sĩ với bệnh nhân hay không? Có nông nổi, hiếu thắng và hành vi mang tính trả thù vặt hay không khi đưa thông tin lên báo gây sức ép, dẫn đến tranh cãi một vụ việc chẳng có gì mà ầm ĩ thế. Rút cục, tiếng dữ đồn xa. Điều đó tùy bạn đọc phán xét.

Có điều ở góc độ nghề nghiệp, quản lý một bệnh viện lớn và từng trải hơn, thì cung cách trả lời và cách hành xử của bác sĩ cũng hơi bị …thiếu chuyên nghiệp.

Nắn sông và chuyện bạo vì tiền

Vào đúng lúc vụ việc chặt cây xanh và người dân HN vẫn đang theo dõi để xem kết luận của cơ quan chức năng ra sao, thì vụ “nắn sông” của tỉnh Đồng Nai lại thêm một lần khiến dư luận XH, trong đó có không ít các chuyên gia, nhà khoa học lên tiếng.

Đó là chủ trương lớn của tỉnh Đồng Nai. Với dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai". Dự án này do công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.

{keywords}
Sông Đồng Nai đang được gấp rút kè bờ, san lấp một phần để làm khu thương mại. Ảnh: Tuấn Kiệt

Nếu dự án này chỉ nằm trên đất liền của Đồng Nai, hẳn sau những trình tự thủ tục pháp lý, được chính UBND tỉnh nghiệm thu và đồng ý, chắc chắn chẳng có gì đáng nói. Nhưng sự phức tạp của dự án này là ở chỗ, công trình phát triển cảnh quan đô thị với quy mô diện tích 8,4 hecta, sẽ phải lấn sông Đồng Nai (chiều rộng, đoạn xa nhất là 100m).

Chính điều đó, đã khiến dư luận XH, nhưng nhất là các tổ chức liên quan đến sông ngòi, các chuyên gia, các nhà khoa học- bất bình. Vô tình đặt tỉnh Đồng Nai vào phía đối mặt với hàng loạt ý kiến các tổ chức, chuyên gia, các nhà khoa học phản biện và phản đối sự “nắn” sông kiểu này.

Về phía Đồng Nai, tỉnh đã trưng ra kết quả đánh giá cho thấy, việc chỉnh trang đô thị đoạn nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh theo các phương án lấn sông 50 – 100 mét không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy trên đoạn sông, không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận (KTSG Online, ngày 24/3).

Tuy nhiên, nói thẳng, cái nhìn đó có phần cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Chỉ biết cái lợi riêng mình, bất chấp lợi ích hay thiệt hại của tỉnh bạn.

Bởi lẽ, đụng chạm đến sông ngòi là đụng chạm tới tài nguyên nước, đã được quy định rất cụ thể trong Luật Tài nguyên nước, mà QH ban hành năm 2012.

Sông Đồng Nai không chỉ là tài nguyên nước của riêng Đồng Nai, mà còn là tài nguyên nước của quốc gia. Việc sử dụng, phát triển hay điều chỉnh dòng chảy của con sông này chắc chắn phải tuân thủ những quy định và chịu sự điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước.

Bởi sông Đồng Nai chảy qua hơn 10 tỉnh, thành phố. Nên về quy luật dòng chảy, thủy triều, việc xây dựng các công trình có đụng chạm tới dòng sông chắc chắn trước mắt và lâu dài sẽ đều ảnh hưởng tới dòng chảy, môi trường kinh tế và xã hội lưu vực dòng sông này.

Không phải ca dao chỉ là thơ mộng- dòng sông bên bồi bên lở. Mà ca dao ở khía cạnh dân sinh, còn khái quát cả tính quy luật dòng chảy của con sông.  

Chính vì thế, không phải vô lý khi một chuyên gia của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG t/p HCM) khẳng định: Theo nguyên tắc dòng chảy, việc bồi lấp một bên bờ sông sẽ rất dễ làm thay đổi dòng chảy, làm xói lở bờ bên kia. Sông Đồng Nai, vốn có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho gần 18 triệu người sinh sống ở 11 tỉnh thành, thì dự án lấp sông sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Nếu những địa phương khác cũng đua nhau "cắt xén” bờ sông như Đồng Nai thì hiểm họa sẽ rất khó lường.  

Không phải vô lý khi TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng- nói như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì VN lập ra UB Bảo vệ sông Mê Kông để làm gì? Chính vì dòng sông Mê Kông là tài sản chung nên chúng ta mới có quyền phản đối xây đập thủy điện. Sông Đồng Nai cũng vậy. Nếu Đồng Nai lấn sông được thì các tỉnh khác cũng làm được. Chỉ cần thử đặt vấn đề lấn sông làm đô thị, chắc chắn đây là một việc kinh doanh mang lại nhiều lợi tức cho chủ đầu tư (Một thế giới, ngày 25/3).

{keywords}

Và mạnh mẽ hơn, mới đây tổ chức này đã có văn bản kiến nghị tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng của dự án.

Không phải vô lý khi PGS. TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ), thẳng thắn: Việc thu hẹp dòng chảy là điều tối kỵ, nhất là tình hình thời tiết bất thường và rừng đầu nguồn bị tàn phá mạnh. Ở Thái Lan, dự án lấn sông chảy qua Bangkok đã phải trả giá cực kỳ đắt cho thiệt hại lũ lụt. Những nơi lấp sông, lấp kênh nay phải bỏ ra hàng triệu đô la để trả lại dòng chảy như cũ (Người đô thị, ngày 26/3)

Còn ở góc độ kinh tế, TS Tô Văn Trường có nhận xét bất ngờ: Dự án đã được phê duyệt đầu tư, quy hoạch 15 ha nhưng thực hiện chỉ 8,4 ha. Lý do nêu ra là không đủ vốn, nên xin và được duyệt dự án trên phần diện tích 8,4 ha (gần như không phải đền bù). Phần diện tích còn lại của quy hoạch càng trở nên xương xẩu, khó mà tin rằng sẽ được nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư vì hiệu quả kém. Nếu sau này lại do nhà nước đầu tư thì rõ ràng đây là trò móc túi tinh vi (Tuần Việt Nam, ngày 27/3)

Nhưng dường như tất cả những ý kiến đó của các chuyên gia có vẻ không đủ sức làm Đồng Nai thay đổi quan niệm và thái độ? Khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: Có phải vì chủ đầu tư mạnh vì gạo bạo vì tiền, mà Đồng Nai đã hành xử rất thiếu chuyên nghiệp với các tỉnh bạn, bỏ ngoài tai tất cả mọi lời hay lẽ phải, bỏ ngoài tai tất cả những cứ liệu khoa học, ngang nhiên vi phạm Luật Tài nguyên nước, cố đấm...“nắn” sông tới 90% so với yêu cầu, đặt một việc đã rồi.

Chưa ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra, khi dòng sông Đồng Nai đau đớn và nổi giận vì bị can thiệp thô bạo, bất chấp quy luật dòng chảy, bất chấp môi trường sinh thái của một dòng sông vốn đã gánh quá nặng những công trình thủy điện trên bờ vai của nó, trong một tương lai gần?

Đã qua rồi cái thời đèn nhà ai nấy rạng. Thời hội nhập, và sự phát triển của một XH đòi hỏi  từ mỗi cá nhân cho tới cộng đồng biết hành xử văn minh và có tính chuyên nghiệp, khi đụng chạm tới lợi ích của người khác, cộng đồng khác.

Cũng có nghĩa là bảo vệ những giá trị văn minh, đạo lý, ở góc độ phát triển.

Kỳ Duyên