Những người chỉ trích nói rằng Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS) vi phạm chủ quyền của Mỹ. Nhưng chính văn bản này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm tiền, đối trọng với Trung Quốc và tạo sự an toàn trên Thái Bình Dương.

Tuần Việt Nam giới thiệu độc giả những trao đổi thẳng thắn về UNCLOS của Đô đốc Gail Harris, cựu sĩ quan hải quân Mỹ. Bà cũng là nữ sĩ quan người Mỹ gốc Phi có quân hàm cao nhất trong Hải quân Mỹ cho tới khi về hưu tháng 12/2001.

Tất nhiên, Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Năm ngoái, họ đã hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình. Bắc Kinh còn tăng chi tiêu quốc phòng lên mức hai con số, đạt 11,2% trong năm 2012.

Khi Mỹ "trở lại" khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà hoạch định quốc phòng của Mỹ ngày càng tập trung vào quá trình tăng cường hải lực của Trung Quốc. Các quyết định về ngân sách gần đây của Lầu Năm Góc - như tăng chi cho các năng lực mạng và không gian, và nâng cấp các tàu ngầm tấn công của Hải quân - là để đối trọng với các năng lực quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, một công cụ hiệu quả hơn vẫn chưa được dùng đến, và vì một lý do chẳng ra đâu vào đâu: phê chuẩn UNCLOS.

Công ước trên đã có hiệu lực từ năm 1994 và đã có hơn 160 quốc gia tham gia, trong đó có Canada, Australia và toàn bộ các nước châu Âu. Cái giá của việc không phê chuẩn công ước quốc tế này đang lớn lên từng ngày. Chừng nào Quốc hội Mỹ chưa bấm nút phê chuẩn, nước Mỹ vẫn chưa có sự hợp pháp quốc tế để ngăn chặn Bắc Kinh bắt nạt châu Á và bẻ cong luật pháp về an ninh và kinh tế theo hướng có lợi cho mình.

Điều lạ là công ước trên hiện đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hai đảng ở Mỹ - một thực tế hiếm thấy trong những ngày gần đây ở Washington. Cả các cựu Tổng thống Bill Clinton và Georges W. Bush đều thúc đẩy phê chuẩn văn bản này. Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã thông qua trong một quyết định đồng thuận hồi tháng 3/2004. Tổng tham mưu trưởng quân đội, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, các chỉ huy chiến dịch hải quân, và Phòng Thương mại Mỹ cũng đã ủng hộ văn bản này. Khi các lợi ích kinh doanh gắn liền với các mục tiêu an ninh quốc gia, nó cho thấy vấn đề này có vai trò quan trọng và có tính khẩn cấp như thế nào.

Phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp Mỹ tiết kiệm rất nhiều tiền. Nó cho phép Mỹ giảm các chi tiêu cho việc duy trì sức mạnh hải quân vào thời điểm nợ quốc gia của Mỹ đang ngày càng phình ra. Một ví dụ: hải tặc. Theo một số ước tính, tổng chi phí kinh tế để đối phó với hải tặc Somali năm 2011 đã đạt gần 7 tỷ USD của Mỹ. Phê chuẩn công ước trên sẽ cho phép Mỹ phối hợp nỗ lực chống khủng bố và chống hải tặc với cộng đồng quốc tế và được chia sẻ gánh nặng này. Như vậy, phê chuẩn công ước sẽ giúp giảm các chi phí và mối nguy hiểm đối với lực lượng hải quân đang quá tải của Mỹ.


Hơn nữa, phê chuẩn UNCLOS cũng giống như một quyết định thông minh trong kinh doanh: nó giảm các chi phí và giúp tiết kiệm tiền. Nó mang lại các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nói cách khác là các đặc quyền quản lý các nguồn tài nguyên gần bờ biển của Mỹ. Không quốc gia nào hưởng lợi từ các vùng EEZ này nhiều hơn Mỹ. Theo Tổ chức CGS của Mỹ, "vùng EEZ của Mỹ rộng hơn của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Diện tích của EEZ của Mỹ lớn hơn diện tích vùng EEZ của 48 nước cộng lại". Với khả năng tiếp cận lớn hơn tới các nguồn tài nguyên biển - trong đó có các vùng biển giàu khoáng sản gần bờ - Mỹ có thể thúc đẩy kinh tế, tăng sản xuất năng lượng trong nước và tạo ra nhiều việc làm mới.

Một lợi ích khác của UNCLOS là tăng tính hợp pháp quốc tế của Mỹ. Trung Quốc thường xuyên vi phạm các quyền kinh tế của các nước châu Á - Thái Bình Dương khác bằng việc kiểm soát các lãnh thổ trên biển của các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Bằng việc phê chuẩn UNCLOS, Mỹ sẽ có quyền tài phán để thực thi công ước: ngăn chặn Trung Quốc, nước đã phê chuẩn UNCLOS, khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên của các nước láng giềng. Nếu phê chuẩn công ước này, Mỹ sẽ giành được một chiếc ghế trên bàn đàm phán và một lực đẩy chống lại các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc.

Các lập luận chống lại UNCLOS chỉ dựa trên sự tưởng tượng mà không có bằng chứng. Những người chỉ trích cho rằng theo công ước này, Mỹ sẽ mất khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển và trở thành mục tiêu kiểm soát của bên ngoài, đe dọa đến an ninh quốc gia. Nhưng toàn bộ lập luận này là sai. Thực tế hoàn toàn ngược lại, không quốc gia nào có lợi từ công ước này nhiều hơn Mỹ. Mỹ được tiếp cận không chỉ với một vùng biển rộng lớn ngoài khơi nước mình, mà cả những vùng đặc quyền tại đáy biển Bắc Cực. Hơn thế, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng và Giám đốc Tình báo Hải quân đã tái khẳng định rằng công ước này sẽ tăng cường các lợi ích an ninh và hàng hải của Mỹ.

Thực tế là bất chấp việc một số người ở Washington phao tin đồn nhảm và có tư tưởng cứng rắn, UNCLOS không hề làm tổn thương tới tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ; mà thay vào đó nó sẽ giúp tăng cường các năng lực gìn giữ an ninh và các cơ hội kinh tế của nước Mỹ. Khi Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ cần mọi công cụ để trung hòa các mánh khóe của Trung Quốc. UNCLOS sẽ giúp củng cố quyền của Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự tại các vùng biển quốc tế. Hơn nữa, nó sẽ tạo cho Mỹ một công cụ có thể giảm thiểu các khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực.

Các nỗ lực ngoại giao quốc tế không thể được giải quyết bằng việc đưa thêm nhiều tàu ra biển. Luật pháp đang đứng về phía Mỹ, chỉ cần Mỹ biết tự tháo bỏ chiếc còng trên tay mình./.

Châu Giang (dịch theo the-diplomat.com)