-Đã có những tín hiệu tốt trong nhận thức, hành động mở đường cho cổ phần hóa bệnh viện như là hướng đi tất yếu, dù muộn.

Xem bài 1: Không cải thiện xếp hạng, Việt Nam sẽ đi sau Campuchia

Thừa khả năng tìm nguồn lực

Một tồn tại nữa trong ngành y là phân chia không bình đẳng của Nhà nước. Nguồn lực thường được dồn cho BV tuyến cuối để giải quyết tình trạng quá tải. Đó là chính sách sai lầm suốt  thời gian dài.

Đáng lẽ tất cả các BV công lập được xếp hạng một thuộc tuyến tỉnh và tuyến TƯ  phải tự vận động bằng cách tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm toàn diện về tài chính và vận hành. Hãy để chúng tự sống, bởi các cơ sở y tế này thừa khả năng tìm nguồn đầu tư phát triển hợp lý. Tiếp theo là CPH các cơ sở y tế này, song song với tạo điều kiện bình đẳng cạnh tranh cho y tế tư nhân phát triển trong một hành lang pháp lý chặt chẽ, với sự kiểm soát chất lượng và hoạt động thu chi chứ không phải hoàn toàn thả nổi.

Đã có những tín hiệu tốt cho thấy Chính phủ đã bắt đầu nhận thấy và mở đường cho CPH bệnh viện như là con đường tất yếu.

Thực ra, bộ mặt y tế có thể đã thay đổi nếu như đề án CPH các bệnh viện công, thử nghiệm với BV Bình Dân không bị dừng lại bởi những lý do không thấu đáo, vào năm 2006.

{keywords}
Ảnh minh họa: Cẩm Quyên

Nếu đề án được thực hiện từ hồi đó, rất có thể đến nay chúng ta đã có một giải pháp hiệu quả giải quyết sân chơi sòng phẳng cho hệ thống công và tư, cạnh tranh lành mạnh về chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện quản lý nhân sự chặt chẽ, đảm bảo công bằng hơn về mặt chuyên môn cho cán bộ y tế, không còn cơ chế độc quyền xin - cho. CPH có thể xóa bỏ sự tồn tại của phong bì, của nhập nhằng biến tướng theo kiểu hàng trăm BV tư nhỏ trong một BV công hiện nay.

BV đầu tiên tiến hành CPH là BV Giao thông vận tải. Đó là một quyết định ngạc nhiên và đáng khâm phục từ vị lãnh đạo ngành nổi tiếng có năng lực và tầm nhìn. Dù muộn gần 10 năm, đây vẫn là tín hiệu đáng mừng.

Kết quả từ các nghiên cứu gần đây khuyến nghị rằng, ngân sách cho y tế phải được tập trung nhiều nhất cho tuyến cơ sở, nhất là tuyến xã, nơi gánh khó khăn nhất cho y tế và cũng là nơi tiếp cận bệnh nhân đầu tiên, nhất là bệnh nhân nghèo. Chính tuyến xã mới là nơi thiếu thốn về nhân lực (chỉ 60% trạm y tế xã có bác sĩ), trang thiết bị, thuốc thiết yếu, và có lẽ duy nhất những cán bộ y tế ở tuyến này cùng với một vài cơ sở y tế có cấp cứu các bệnh nhiệt đới với tính lây lan cao mới xứng đáng để tuyên dương “sự hy sinh thầm lặng”.

Cách tốt nhất để giữ chân các nhân lực tại những nơi này là chế độ đãi ngộ ngang bằng hoặc hơn tuyến trên. Thông qua đào tạo để bảo đảm trình độ cho bệnh nhân có thể tin tưởng không vượt tuyến.

Công khai và minh bạch

Vấn đề thứ tư là sự thiếu minh bạch năng lực và chi phí của mọi dịch vụ tại mọi cơ sở công lẫn tư. Người bệnh rất cần biết thông tin trong khi sự đáp ứng từ các cơ sở y tế công còn ít ỏi. Thông tin năng lực từ các cơ sở y tế tư nhân lại thường mang tính phóng đại và không được xác nhận.

Phải có quy định rằng, trên phạm vi cả nước, tất cả cơ sở y tế cần minh bạch thông tin về hoạt động khám chữa bệnh,  dịch vụ, năng lực, quyền hạn, trách nhiệm.  BV lớn và cơ sở y tế tư nhân buộc phải có website công bố hoạt động, giá cả.

Không được phép dựa vào độc quyền để bắt chẹt người bệnh. Trong sự minh bạch này, cùng với CPH, phải chấm dứt tình trạng làm việc công - tư lẫn lộn, khi BS bệnh viện công lại sang mổ hay kiếm tiền tại bệnh viện tư. Cách biện hộ về tìm kiếm thêm thu nhập (dù không ít bác sĩ có thu nhập rất rất cao) thực ra để che dấu tình trạng lạm dụng thời gian nhà nước, gây khó khăn cho bệnh nhân, hay móc ngoặc đưa bệnh nhân ra ngoài.

Vấn đề thứ năm là cải tổ bộ máy nhân sự. Con số  công chức "cắp ô"  hoàn toàn không phải là ngoại lệ với ngành y. Thậm chí ngay cơ quan lý, nhiều vụ, cục có chức năng không rõ ràng, chồng chéo hoặc mang tính nhiệm vụ nhất thời.

Cấp huyện, các BV đều thiếu bác sĩ nhưng vẫn dư thừa nhân sự phân bổ cho các trung tâm phi điều trị như y tế dự phòng, phòng y tế nơi mà chỉ cần bố trí nhân lực từ ngành y tế công cộng. Thực trạng rõ rệt là sự dịch chuyển của cán bộ y tế lên các tuyến cao hơn mà không bao giờ có chiều ngược lại.

Bao giờ hết vùng trũng?

Hãy nhìn thẳng vào sự thật, dù đáng buồn. Y học VN như một chiếc áo nhiều màu sắc, nhưng được làm bằng chất liệu rẻ tiền, vẫn thuộc về "vùng trũng" và nguy cơ tụt hậu so với ngay cả các quốc gia như Campuchia hay Myanmar.

Tuy nhiên, đã có chút ít dấu hiệu của sự thay đổi so với năm trước, nhìn thấy ở việc giảm quá tải tại một số BV lớn, và sự bắt đầu của tự chủ tài chính và CPH. Và cũng luôn nhớ rằng, có hai điểm sáng có thể làm nền tảng cho sự thay đổi lớn hơn.

Điểm sáng thứ nhất là cấu trúc mạng lưới chăm sóc sức khỏe với đặc thù là hệ thống y tế công được phân cấp theo quản lý‎ hành chính từ TƯ đến địa phương. Đây là một di sản tuyệt vời được để lại từ nhiều năm trước, và chính nó tạo nên hình dáng khá ổn của chiếc áo y học Việt Nam.

Cấu trúc này đặc biệt phù hợp với  Việt Nam mà ngay cả các quốc gia đang hay đã phát triển cũng không có, đặc biệt là tuyến xã. Hơn thế nữa, cấu trúc này tại VN lại được tăng cường mạnh hơn rõ rệt bởi mạng lưới cộng tác viên y tế, dân số, và y tế thôn bản phủ khắp mọi khu vực, kể cả vùng sâu vùng xa.

Điểm sáng thứ hai là chính sách BHYT toàn dân đang được tiến hành và nỗ lực bao phủ ngày càng lớn, với mức chi có thể gọi là hợp lý cho hầu hết mọi đối tượng.

Nhiều thay đổi cần phải làm, mục tiêu chiến lược cần ổn định, nhưng không chỉ ngành y tế có thể tạo nên thay đổi. Những thay đổi này đều không hề đòi hỏi nhiều ngân sách. Hành động cụ thể là điều được trông chờ từ Bộ Y tế, và các UBND các tỉnh, thành phố.

  • Nguyễn Công Nghĩa, TS, BS, Đại học Waterloo, Ontario, Canada