Hệ lụy của một xã hội nghèo thông tin như thế nào, hẳn mọi người đều rõ.

Theo Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”, các tiêu chí đo lường nghèo giai đoạn 2016-2020 được xây dựng bao gồm tiêu chí về thu nhập và các mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin; và 2 trong 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt là về cơ hội sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ những câu chuyện thực tế của bọn trẻ vùng cao

Một trong những ví dụ minh họa cho tình trạng thiếu các phương tiện truyền thông dẫn đến thiếu thông tin là câu chuyện: Tuy chỉ đứng ở vị trí thứ 4 về xếp hạng tỷ lệ trẻ phải chịu tình cảnh thiếu thốn, song do thiếu các phương tiện truyền thông vốn được xem là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu nên trẻ con Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm đầu thiếu thốn toàn diện. Bởi lẽ thế giới nhìn nhận, thông tin không những là phương tiện tạo cơ hội phát triển năng lực cho cuộc sống tương lai của trẻ, mà còn là phương tiện giải trí trong đời sống hiện tại.

Thử lấy yếu tố môi trường sống sẽ thấy rõ hơn. Những dân tộc ít người, sống phân tán ở vùng cao, điển hình là người Mông, nơi có tỷ lệ trẻ em nghèo cao về tất cả các lĩnh vực. Ai cũng biết rằng, điều kiện tiếp cận các phương tiện thông tin của bọn trẻ ở đây thấp hơn bọn trẻ ở các tỉnh đồng bằng và các vùng núi thấp, vùng đồng bằng.

Chính vì nghèo về thông tin nên bọn trẻ ở đây khó tiếp cận với các cơ hội thay đổi cuộc sống, khó trang bị cho bản thân những kiến thức để sinh tồn trong một môi trường sống ngày càng năng động. Hệ lụy là cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám họ dai dẳng.

Và câu chuyện ở đầu tàu kinh tế

Cách nay mấy năm, thành phố Hồ Chí Minh từng phối hợp với UNDP khảo sát, đánh giá nghèo đa chiều thí điểm tại 4 quận, huyện.

Kết quả cho thấy một bộ phận người dân không nghèo thu nhập nhưng dễ bị tổn thương, dễ rơi vào nghèo đói hoặc tái nghèo.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, nguyên nhân của nhiều thiếu hụt trên không hẳn là do thiếu tiền. Bởi gần 30% trẻ không đi học là do không quan tâm việc học, trong khi thiếu tiền chỉ chiếm hơn 18%.

Kết luận được rút ra từ khảo sát cho thấy phương pháp đo lường nghèo dựa trên thu nhập đã bỏ sót đối tượng đang thiếu hụt các điều kiện sống cơ bản nên chính sách chưa toàn diện và giảm nghèo chưa bền vững. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng cùng lúc chiều nghèo thu nhập và 5 chiều nghèo phi thu nhập để xác định hộ nghèo, cận nghèo. Năm chiều nghèo phi thu nhập gồm: giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và BHXH; điều kiện sống; tiếp cận thông tin.

Từ cách xác định trên, chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai theo hướng: “thông tin minh bạch và chi tiết hơn về điều kiện sống, nhu cầu hỗ trợ sẽ là căn cứ cho hoạch định chính sách và phân bố ngân sách hiệu quả từ cấp cơ sở.

Từ hai câu chuyện trên có thể thấy, một người muốn khả giả, giã từ đói nghèo thì phải làm tiếp cận được thông tin. Hay có thể nói rộng hơn thế này, một xã hội muốn phát triển, giàu mạnh thì trước hết phải giàu về thông tin.

Bởi vậy, mới đây tại Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09 ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định, “một xã hội mà nghèo thông tin sẽ dẫn đến tình trạng mù mờ, không công khai, không công bằng. Một xã hội nghèo thông tin cũng dẫn đến nghèo nhiều thứ khác.

Gia Hưng - Thu Trang