Thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ nhìn vấn đề chính trị một cách thoải mái hơn và vì thế sự ủng hộ đảng Cộng hòa ngày càng giảm sút so với trước.

Chỉ còn bảy ngày nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn còn nhiều khó khăn. Các cuộc tranh luận giữa đương kim tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ Mitt Roomney đảng Cộng hòa vẫn chưa cho thấy ưu thế hoàn toàn thuộc về ứng cử viên nào.

Với tình hình như vậy, trong số cử tri gốc châu Á, cử tri người Việt là một thành phần quan trọng mà theo truyền thống lâu nay, đa số vẫn ủng hộ ứng viên Cộng hòa vì cho rằng đường lối chính trị của đảng này phù hợp với họ.

Sự ủng hộ đảng Cộng hòa mạnh nhất là tại vùng Little Sài Gòn, chủ yếu ở các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana thuộc Orange County (quận Cam).

Một bài viết gần đây trên BBC cho biết, trong cuộc bầu cử năm 2008, qua thăm dò cho thấy có 22% cử tri gốc Việt ghi danh bầu cho đảng Dân chủ, 29% ghi danh bầu cho Cộng hòa, trong khi tại quận Cam, tỷ số trên là 22% và 55%, một sự cách biệt rất lớn. Đặc biệt đến khi đi bầu tổng thống thì một số người từng ghi danh Dân chủ vẫn bỏ phiếu cho ứng cử viên Cộng hòa và trung bình cứ ba cử tri thì hai người bầu cho ứng viên John McCain của đảng Cộng hòa.

Thế nhưng, theo thống kê của "Asian American Legal Defense and Education Fund (AALDEF) trong cuộc bầu cử đó có hiện tượng 60% cử tri trẻ tuổi (từ 18 đến 29) có bằng đại học lại bầu cho ông Obama. Người ta cho rằng số cử tri này có suy nghĩ phóng khoáng (không kỳ thị như lớp cử tri lớn tuổi), quan tâm về kinh tế nhiều hơn chính trị và hình ảnh một người da đen làm tổng thống Hoa Kỳ đem lại một hứa hẹn cho tương lai con cái của họ, đa số sinh đẻ tại Hoa Kỳ.

Nguồn ảnh: globalpost.com

Theo ghi nhận của tác giả bài viết trên BBC, trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2012 này, số người trẻ tuổi ủng hộ ông Obama có thể giảm sút nhưng vẫn còn ở một tỷ số áp đảo.

Mới đây, qua một cuộc điều tra toàn diện về các cử tri Mỹ gốc Á thì trong cuộc bầu cử năm nay nhóm người Việt bắt đầu có sự thay đổi quan điểm, từ mạnh mẽ ủng hộ đảng Cộng hòa chuyển sang dành phiếu cho Dân chủ hoặc giữ quan điểm độc lập.

Kết quả điều tra trong tháng 9/2012 có tên National Asian American Survey (NAAS) được thực hiện qua 3.000 cuộc phỏng vấn điện thoại cho thấy 43% cử tri gốc Á ủng hộ Obama trong khi chỉ có 24% ủng hộ Romney. Riêng nhóm cử tri gốc Việt, theo NAAS, có 24% ủng hộ Obama và 21% ủng hộ Roomney. Đặc biệt có đến 32% số người được hỏi cho biết họ vẫn còn cân nhắc và chưa quyết định bầu cho ai.

Có thể thấy thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ nhìn vấn đề chính trị một cách thoải mái hơn và vì thế sự ủng hộ đảng Cộng hòa ngày càng giảm sút so với trước. Thế hệ này lớn lên tại Hoa Kỳ dần dần nhận ra rằng chuyện đảng nào chống cộng nhiều hay ít không quan trọng, bởi đảng nào cũng đặt quyền lợi và an ninh của đất nước lên trên quan điểm chính trị của đảng.

Người Mỹ gốc Á khác đến định cư tại Hoa Kỳ trước người Việt nên việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống có tính toán hơn chứ không để tình cảm chi phối như cử tri người gốc Việt.

Khối cử tri gốc châu Á tại Mỹ trở nên đông đảo rất nhanh theo thời gian và theo thống kê, gần 33% ghi danh độc lập và bỏ phiếu cho ứng cử viên nào phục vụ quyền lợi của người thiểu số hữu hiệu hơn. Vì vậy không đảng nào dám quả quyết đã nắm được phiếu của cử tri gốc châu Á.

Tuy nhiên chương trình cắt giảm chi phí dành cho thành phần yếu kém trong xã hội để giải quyết ngân sách thiếu hụt của Liên danh Cộng hòa Mitt Romney - Paul Ryan phần nào đang làm cho cử tri gốc châu Á lo ngại. Điều này khiến họ sẽ có khuynh hướng bỏ phiếu cho ông Obama trong kỳ bầu cử năm nay.

Theo Thu Phương/ DNSG cuối tuần

Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc đấu trí căng thẳng bắt đầu
Chính trường Hoa Kỳ đang nóng lên, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân xứ cờ hoa mà của cả nhiều nước trên thế giới.
 
Obama với Trung Quốc: Tiết lộ của người trong cuộc
Nhà ngoại giao kỳ cựu với hơn 30 năm trong nghề, đã điểm lại những trải nghiệm của ông khi làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Obama...
 
Nỗi thất vọng mang tên Obama
Giờ đây thật khó gợi lại được mức độ hào hứng đã bao phủ quanh ứng viên Obama của năm 2008.