Sử dụng pháp lý: Đây là giải pháp cụ thể nhất và hiệu quả nhất để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

>> Xem lại Kỳ 1: Kiện CSB Thái Lan: Việt Nam cần chỉ rõ thiệt hại

Trong các vụ việc lực lượng nước ngoài tấn công, gây thiệt hại tài sản và gây thương tổn, thiệt mạng cho ngư dân, của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng chính thức yêu cầu làm rõ trách nhiệm và bồi thường.

Chẳng hạn, trước sự việc các tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tấn công, ngày 27/5/2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam... Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự”.

Còn vừa qua, vụ việc va chạm với lực lượng CSB Thái Lan, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng yêu cầu phía Thái Lan chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, lời tuyên bố của Nhà nước Việt Nam chưa thể là một cơ chế cụ thể để buộc phía nước ngoài bồi thường, bởi lẽ nó mang tính chất một tuyên bố chính trị nhiều hơn là một yêu cầu pháp lý. Vụ việc liên quan đến Trung Quốc chìm vào im lặng hơn 2 năm qua cho thấy điều này.

{keywords}

Tàu cá của ngư dân miền Trung bị nhiều tàu Trung Quốc. Ảnh: VOV

Để bảo vệ ngư dân Việt Nam, khôi phục những lợi ích đã mất cần có một giải pháp thật cụ thể có thể áp dụng trên thực tế. Việc lựa chọn giải pháp nào phải được tính toán, cân nhắc thật thận trọng trên cơ sở phân tích toàn diện thế mạnh và hạn chế của Việt Nam. Các giải pháp sau đây có thể tham khảo để áp dụng:

- Đấu tranh ngoại giao: Giải pháp này có thể áp dụng nếu lực lượng tấn công ngư dân Việt Nam là tàu công vụ của Trung Quốc, Thái Lan... Cụ thể đó là các tàu của các lực lượng Cảnh sát biển, Cơ quan quản lý an toàn hàng hải của Bộ Giao thông, Cơ quan Thực thi luật thủy sản (FLEC) của Bộ Nông nghiệp, Cơ quan giám sát hàng hải của Cục quản lý hải dương học nhà nước (CMS) thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên, Tổng cục Hải quan... Các lực lượng tàu công vụ không phải là đối tượng của một vụ kiện dân sự bởi sự cản trở của quyền miễn trừ quốc gia.

Hiện nay, trong cuộc đấu tranh chủ quyền với TQ, mặt trận ngoại giao đang được chúng ta tích cực sử dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp bảo vệ ngư dân, giải pháp này sẽ không thể cụ thể hóa được yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại mà phía Trung Quốc gây ra. Bởi lẽ đây không phải là một cơ chế có thể áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể, nêu đích danh từng đối tượng có liên quan.

Giải pháp ngoại giao phát huy tác dụng thực sự là ở tầm vĩ mô trong mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với nhà nước Trung Quốc. Đối với Thái Lan giải pháp này cũng sẽ tạo sức ép lên Chính phủ Thái Lan, nhưng không thể là giải pháp cuối cùng để bảo vệ hiệu quả ngư dân.

- Sử dụng các lực lượng có chức năng quản lý hành chính trên biển: Giải pháp này mang tính chất ngăn chặn hơn là xử  lý vấn đề. Bởi lẽ, các lực lượng có chức năng, thẩm quyền quản lý trên biển của Việt Nam như biên phòng, cảnh sát biển,... chỉ có thể tham gia hỗ trợ ngư dân tự bảo vệ các lợi ích, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai, chứ không thể là một bên trong vụ việc yêu cầu phía nước ngoài phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại đã gây ra cho ngư dân Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đưa các lực lượng tàu nhà nước vào các vụ việc dân sự rất dễ dẫn đến những va chạm không thể kiểm soát, có thể khiến tình hình phức tạp hơn.

- Sử dụng cơ chế trung gian của các tổ chức quốc tế: Đây là một trong những cơ chế giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng cách sử dụng tiếng nói của các tổ chức quốc tế có liên quan trong khu vực như ASEAN, Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La,... để gây áp lực buộc phía nước ngoài phải chấm dứt các hành động của mình. Giải pháp này thường được các nước nhỏ, sử dụng trong các cuộc tranh chấp, đối đầu với các nước lớn mạnh hơn và có vẻ thích hợp với Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể phát huy tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô, liên quan đến hai quốc gia, chứ không thể sử dụng để giải quyết những quan hệ tranh chấp dân sự giữa các chủ thể dân sự, như trong trường hợp ngư dân bị tấn công.

- Sử dụng pháp lý: Đây là giải pháp cụ thể nhất và hiệu quả nhất để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Thế giới hiện đại, dù ưu thế vẫn thuộc về nước lớn, nước mạnh, nhưng đang và sẽ phải tuân theo một trật tự pháp lý đã được nhân loại thừa nhận. Vì vậy, Trung Quốc, dù hung hăng và bất chấp những phản ứng của Việt Nam, trong chừng mực nào đó, vẫn sẽ phải tuân thủ những trật tự pháp lý quốc tế được xác lập.

Trong vấn đề yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm với những thiệt hại đã gây ra cho ngư dân Việt Nam, sử dụng hiệu quả giải pháp pháp lý, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội khôi khôi phục lại lợi ích đã bị xâm hại và ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Giải pháp pháp lý cũng là một trong những hướng chính trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trước sự xâm phạm của Trung Quốc.

Đối với Thái Lan, giải pháp này cho thấy sẽ rất hiệu quả trong việc yêu cầu họ chịu trách nhiệm về hành động của mình, bởi hai nước có mối quan hệ tương đối tốt đẹp.

TS. Bành Quốc Tuấn

(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh)