Kết luận "chưa phát hiện lợi ích nhóm trong nông nghiệp" hiện nay của ông Cao Đức Phát, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tại phiên chất vấn mới đây của Quốc hội xem ra không làm hài lòng các vị đại biểu.

Có lẽ hiện tượng lợi ích nhóm chưa hẳn là hiện tượng phạm tội như ông Phát đề cập để có thể "tiếp cận" và "phát hiện" theo kiểu bắt quả tang, thế nên, tiếp cận nhóm lợi ích nông sản nhất thiết phải tiếp cận dưới góc độ cơ chế sản xuất, phân phối, xuất khẩu qua các "nhóm" trong chuỗi cung ứng lúa gạo của quốc gia thì mới ra được vấn đề.

Từ "nhóm lợi ích" xuất khẩu

Ngay từ câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), rằng: "Chất lượng gạo Việt Nam được đánh giá cao, sức mua của thế giới vẫn tăng, nhưng vì sao gạo của Việt Nam lại bị mất giá?", thì vấn đề lợi ích nhóm đã bắt đầu hiện lên. Theo cơ chế cạnh tranh thị trường, khi yếu tố cầu tăng, chất lượng tăng thì giá phải có xu hướng tăng lên đến mức độ nhất định. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể diễn ra khi người bán gạo ra thị trường thế giới chính là nông dân, hoặc giả giá gạo bán ra không bị bất kỳ ai ảnh hưởng, chi phối.

Ai cũng biết rằng, việc mua gạo từ nông dân sẽ dễ hơn rất nhiều so với việc bán gạo ra thế giới. Cuộc sống khó khăn và sự hạn chế về tiếp thu thông tin trên thị trường thế giới khiến người trồng lúa chấp nhận bán gạo giá rẻ để xoay xở cuộc sống, chấp nhận bán đổ, bán tháo gạo khi nghe thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu rằng "gạo bán ra thế giới không được". Trong khi đó, cơ chế cạnh tranh trên thị trường thế giới trước các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ khiến việc kiếm tiền từ buôn gạo trở nên khó khăn hơn. Để có lợi nhuận đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh thông qua chiến lược nâng cao thương hiệu gạo Việt, tăng chất lượng gạo, truyền thông, uy tín trên thị trường giao dịch và tầm nhìn trong việc chọn lựa đối tác tiềm năng. Nhưng thực tế hiện nay, gạo Việt vẫn chỉ dừng lại là gạo tầm thấp, trong khi doanh nghiệp Việt còn yếu kém trong chuyện làm ăn, và khả năng tìm kiếm đối tác tiềm năng còn ở mức hạn chế. Điển hình như chuyện buôn gạo với các thương lái Trung Quốc - thị trường mà hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá là tiềm năng và chủ chốt - lại mang về sự thua lỗ liên tục cho giá gạo Việt Nam. Như vậy, để có lời, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tìm đến chiêu "ép giá gạo của dân" để tạo lợi thế cạnh tranh. Chính VFA vừa qua cũng tuyên bố chấp nhận bán gạo giá rẻ để tìm thị trường. Trong cuộc chơi này, dù bán gạo giá rẻ, nhóm doanh nghiệp vẫn không lỗ vì họ mua gạo từ nông dân với giá rẻ như cho.

{keywords}

Chất lượng gạo Việt Nam được đánh giá cao, sức mua của thế giới vẫn tăng, nhưng vì sao gạo của Việt Nam lại bị mất giá? Ảnh: Lê Hoàng Yến.

Bên cạnh đó, với các đại biểu quốc hội trăn trở về chính sách tạm trữ lúa gạo "dù hướng tới hỗ trợ người nông dân, nhưng thực tế hiện nay, người nông dân bán lúa rồi lại mua gạo, vậy có lợi cho ai?" thì câu trả lời là: lợi ích cho các doanh nghiệp mua tạm trữ. "Nhóm" này được ưu đãi lãi suất 0% trong việc mua tạm trữ nhưng không bị ràng buộc theo những cơ chế mạnh tay trong vấn đề lộ trình, giá cả... Thế nên thời gian đầu của chương trình tạm trữ, họ đóng băng việc mua gạo và chỉ thu mua khi thị trường gạo bão hoà, người nông dân hết chỗ chứa lúa và hết tiền tái đầu tư. Điều đó giúp họ vừa "có tiền" từ Nhà nước, vừa mua được gạo giá rẻ để bán kiếm lời.

Đến "nhóm lợi ích" thương lái

Nhìn lại chuỗi cung ứng lúa gạo hiện nay, nếu lấy mô hình "mẫu chung" của Nhà nước trong chuỗi sản xuất nông sản khép kín chính là mô hình "bốn nhà". Theo đó, cơ chế diễn ra chính là Nhà nước ban hành chính sách, nhà khoa học nghiên cứu kỹ thuật, nhà doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu, nhà nông tập trung sản xuất. Điều này có nghĩa hạt gạo Việt chỉ qua "hai nấc thang": từ đồng ruộng đến tay doanh nghiệp và xuất khẩu ra nước ngoài.

Trên thực tế, gạo hiện nay phải qua rất nhiều "nấc thang" trước khi đến tay người tiêu dùng trong nước và thế giới. Từ đồng ruộng, gạo qua tay không ít các thương lái lớn nhỏ, qua nhiều giai đoạn pha trộn, xử lý, bảo quản... khiến hạt gạo không chỉ bị ảnh hưởng đến chất lượng do không còn nguyên vẹn mà còn bị đội giá. Như vậy, chính sự bất cập trong quản lý chuỗi cung ứng lúa gạo đã dẫn đến việc đổ vỡ của mô hình sản xuất cung ứng khép kín bốn nhà, làm cho lợi nhuận từ giá trị hạt gạo bị chia cho nhiều đối tượng chỉ cần ngồi chờ, thu mua và bán kiếm lời. Chính "nhóm lợi ích" thương lái trung gian đã khiến giá gạo mua từ đồng ruộng thấp, và người nông dân phải "mua gạo của mình" với giá cao.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị dẫn lời bộ trưởng Cao Đức Phát trên báo: "Bà con nông dân tập trung vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thị trường, sao cho tốt và rẻ hơn đối thủ cạnh tranh, đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh". Nếu chỉ người nông dân mà có đủ quyền hạn, sức mạnh và nguồn lực làm được tất cả những điều ông hướng dẫn để "không bị một nhóm các đơn vị trên thị trường ép giá và khống chế giá trên thị trường", thì có lẽ họ đã không nhờ đến đại biểu quốc hội đại diện họ "than thở", thậm chí là "kêu cứu"!

Theo Đỗ Thiện/ SGTT