Tiếng gọi ấy bị sóng gió át đi, ông lại leo lên vách núi, ngồi trên mỏn đá dõi về phía khơi xa. Có lúc, người dân Nghi Tiến ngỡ rằng người bố ấy đã hóa đá.

LTS: Vậy là đã 25 năm trôi qua kể từ ngày xẩy ra sự kiện trên đảo Gạc Ma (14/3/1988), ngày 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống dưới họng súng của quân xâm lược Trung Quốc. Trong số 64 liệt sỹ ngã xuống vì chủ quyền biển đảo có 8 người con ưu tú của mảnh đất Nghệ An.

Chúng tôi tìm về Nghi Yên và Nghi Tiến thuộc huyện Nghi Lộc, quê hương của Đậu Xuân Tư và Hồ Văn Nuôi, hai chàng trai trẻ đã ngã xuống trong ngày bi thương trên đảo Gạc Ma.

Ông Đậu Xuân Thuốt (91 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhơn (82 tuổi)- những người sinh ra liệt sỹ Đậu Xuân Tư không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn tròn trên khuôn mặt già nua. Có thể nói, ông bà sinh ra là để gánh chịu cuộc sống nghèo khổ và nỗi bất hạnh về đường con cái. Sống với nhau đã trên 50 năm, ông bà sinh được 5 người con cả trai lẫn gái nhưng nay chỉ còn lại người con trai út.

Hai người là liệt sỹ (ngoài anh Tư còn có anh Đậu Xuân Chân hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam), còn hai người khác mất do ốm đâu và tai nạn.

Kể chuyện về anh Tư, bà Nhơn không dấu được nỗi ngậm ngùi: "Nó là đứa con thứ 4 nên vợ chồng tôi đặt luôn tên Tư. Lúc nó còn nhỏ, cuộc sống gia đình vất vả, nghèo khó lắm. Thương bố mẹ, thằng Tư xin nghỉ học sớm để đỡ đần công việc gia đình. Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, nó lên đường nhập ngũ, nghe đâu đơn vị nó đóng tận ngoài Hải Phòng".

Trong những lá thư gửi về thăm tình hình bố mẹ và các anh chị em, anh Đậu Xuân Tư cho biết mình được bổ sung vào quân chủng Hải quân, thường xuyên huấn luyện và luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Bức thư cuối cùng anh tư gửi ông Thuốt, bà Nhơn nhận được vào dịp đầu năm 1988, không phải do bưu tá chuyển về mà từ tay của một người ở xóm bên cạnh. Người ấy cho biết lúc sáng dong trâu ra đồng, qua quốc lộ 1A nhặt được bức thư này liền đem đến cho ông bà. Do tuổi thơ nghèo khó, không được cắp sách đến trường nên vợ chồng ông Thuốt không biết chữ, phải nhờ một người hàng xóm đọc thư.

Qua thư, Đậu Xuân Tư cho biết đơn vị anh được lệnh cơ động vào khu vực phía Nam sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thời gian gấp gáp, anh không thể thu xếp về thăm nhà, trên đường hành quân vào phía Nam, anh tranh thủ ghi mấy dòng và chờ xe đi qua địa bàn xã Nghi Yên để thả xuống, mong ai đó nhặt được sẽ chuyển đến tay bố mẹ mình.

{keywords}

Bà Lưu Thị Linh (mẹ liệt sỹ Hồ Văn Nuôi)

"Suốt 3 năm trong quân ngũ, thằng Tư không về thăm gia đình lần nào, chỉ gửi về mấy bức thư thăm hỏi"- bà Nhơn nói.

Mấy tháng sau, gia đình ông Thuốt như nghe tiếng sét đánh ngang tai khi hay tin anh Đậu Xuân Tư đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa trong một cuộc đối đầu với quân lính xâm lược Trung Quốc.

Ông Thuốt trở nên đờ đẫn rồi ốm thập tử nhất sinh. Còn bà Nhơn- người rứt ruột đẻ ra anh Tư khóc đến mức tưởng chừng như sẽ cạn hết nước mắt. Nỗi đau này quá lớn, gần như đã quá sức chịu đựng của một người mẹ, bởi trước đó một người con của bà đã hy sinh, hai người khác cũng đã chết vì tai nạn và đau ốm.

Tưởng chừng sẽ quỵ ngã, nhưng rồi thương chồng đang đau ốm, con trai út là Đậu Xuân Chương đang nhỏ dại, bà Nhơn phải gượng lên. Nỗi đau của người mẹ mất con dồn nén và đọng thành những giọt nước mắt theo từng năm tháng, và do khóc nhiều nên đôi mắt bà Nhơn đã lòa dần.

Đến nay, sau 1/4 thế kỷ khóc thương con, đôi mắt người mẹ đã không còn nhận diện được nguồn ánh sáng, khuôn mặt hằn lên vô vàn nỗi đau cùng những vết "chân chim".

Về cuối đời, nỗi đau của ông Thuốt, bà Nhơn phần nào được an ủi và vơi đi chút ít khi vào năm 2009, gia đình nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sỹ.

Trong đó có đoạn: "Ngày 10/8/2008 Quân chủng Hải quân phát hiện một xác tàu vận tải quân sự bị đắm ở khu vực quần đảo Trường Sa chìm ở độ sâu 21m, cách phía Nam đảo Cô lin của ta 3,72 hải lý và cách phía Tây đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm giữ trái phép 1 hải lý. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận định  xác tàu vận tải quân sự bị đắm nói trên là tàu HQ-604 của lữ đoàn 125 Hải quân đã bị chìm trong cuộc chiến đấu với Hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. Trong tổng số 56 liệt sỹ hi sinh trên tàu HQ-604 khi tàu bị chìm chưa kịp thoát ra ngoài nên hài cốt còn lại trong tàu..."

Và biên bản giám định kết luận: "Từ kết quả giám định hình thái và giám định Gen, chúng tôi đi tới kết luận: Các mẫu xương mang ký hiệu S3, TL2 là hài cốt của liệt sỹ Đậu Xuân Tư"

{keywords}
Vợ chồng ông Thuốt, bà Nhơn bên kỷ vật của con trai (liệt sỹ Đậu Xuân Tư)

Nuôi ơi! Về đi con!

Rời xã Nghi Yên, chúng tôi men theo dãy núi ven biển, qua khu du lịch sinh thái Bãi Lữ đến xóm 10, xã Nghi Tiến, quê hương của liệt sỹ Hồ Văn Nuôi. Sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa, dù đã bước qua độ tuổi 80 nhưng bà Lưu Thị Linh (mẹ liệt sỹ Hồ Văn Nuôi) vẫn tự lo liệu được cuộc sống của mình.

Bà có 7 người con, anh Nuôi là con thứ 5 trong gia đình, những người còn lại hầu hết đều lấy chồng, lấy vợ và lập nghiệp ở phương xa, chỉ có anh Hồ Văn Hoan (con út) sống gần bà.

Vợ chồng ông Hồ Văn Thịnh và bà Lưu Thị Linh dường như không thể tin nổi khi cầm trên tay tờ Giấy báo tử. Nỗi nhớ thương con đã khiến ông Thịnh trở thành người mất trí. Đang làm cán bộ địa phương, ông nghỉ việc và đi lang thang dọc bờ biển. Ai gặp và chuyện ông chỉ có đúng một câu trả lời: "Đi tìm thằng Nuôi"

Trở về, người bố ấy đã lục tung khắp nhà để tìm những kỷ vật của con trai mình, nào áo quần, sách vở, thư từ chất thành một đống và đốt sạch, theo ông thì "đốt để gọi thằng Nuôi về"

Vào những buổi chiều biển động, gió thổi ầm ào, muôn nghìn con sóng tung lên như giận dữ, ông Thịnh lại chạy ra bờ biển gào tên con: "Nuôi ơi! Về đi con, biển động rồi!".

Tiếng gọi ấy bị sóng gió át đi, ông lại leo lên vách núi, ngồi trên mỏn đá dõi về phía khơi xa. Có lúc, người dân Nghi Tiến ngỡ rằng người bố ấy đã hóa đá.

Một ngày, ông Thịnh nói với vợ và các con: "Thằng Nuôi đang ở xa, tôi phải đi tìm nó". Cứ tưởng bình thường như mọi ngày nên bà Linh và các con không ngăn cản. Nào ngờ, tối không thấy ông về, mấy ngày sau vẫn vậy. Cả gia đình nháo nhác đi tìm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín.

Một thời gian sau mới tìm thấy ông đang đi lang thang ở Qùy Châu nhưng một mực không chịu về nhà, vì "chưa tìm được thằng Nuôi". Nỗi đau mất con và nắng gió cuộc đời đã làm tấm thân ông trở nên tiều tụy, sức tàn lực kiệt và ngã gục . Ông Thịnh mất ở Qùy Châu năm 1992, sau 4 năm lang thang khắp nơi mọi chốn để tìm người con đã hóa thân nơi biển cả bao la.

Một ngày vào năm 2009, bà Linh nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sỹ kết luận: "Mẫu xương mang ký hiệu S11 là hài cốt của liệt sỹ Hồ Văn Nuôi". Sau đó, hài cốt anh Nuôi được đưa về an táng tại nghĩa tang quê nhà.

Điều bà sống để trông đợi đã thành sự thật.

Công Kiên