- Giờ đây thật khó gợi lại được mức độ hào hứng đã bao phủ quanh ứng viên Obama của năm 2008.

Hồi ấy, Obama còn là một người trẻ theo tiêu chuẩn thông thường và mới chỉ có 2 năm kinh nghiệm ở Washington khi ông tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống hồi tháng 1/2007. Khi đưa ra lời tuyên bố này, ai cũng nghĩ rằng đó là một cuộc đua vô vọng chống lại Hillary Clinton, một thượng nghị sỹ nổi tiếng, nhận được nhiều tài trợ và đã từng là đệ nhất phu nhân Mỹ.

Nhưng Obama đã lật ngược mọi dự đoán. Ông đã từng thật lôi cuốn và năng động. Ông thách thức những thông lệ lối mòn nhưng không tỏ ra cực đoan. Ông phản đối cuộc chiến tranh Irap - vào thời điểm đó quan điểm này là bất bình thường đối với những người Dân chủ - khi Hillary Clinton thì ủng hộ nó.

Obama không phải là ứng viên tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhưng ông là người đầu tiên có một cơ hội chiến thắng rõ ràng. Chưa bao giờ người Mỹ gốc Phi (chiếm khoảng 13% dân số) lại phấn khích đến như vậy. Thanh niên đổ xô vào chiến dịch của ông. Nhiều cử tri da trắng thì bị hấp dẫn bởi ý nghĩa biểu tượng trong cuộc đua của ông như một lời khẳng định rằng nước Mỹ đã thực sự vượt qua được quá khứ phân biệt chủng tộc.

Vào năm 2008, thật dễ dàng ghi nhận những kỹ năng của Obama như một ứng viên sáng chói cho chiếc ghế tổng thống, đặc biệt là khả năng khơi gợi sự say mê từ cử tọa đối với các bài diễn văn của ông. Nhưng ông cũng là người được lợi từ một môi trường và những sự kiện không do mình tạo ra. Rất nhiều người Mỹ lúc đó đã sẵn sàng cho một sự thay đổi sau 8 năm cầm quyền của George W.Bush. Những điểm yếu của John McCain cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế rung chuyển đất nước vào năm 2008 đã dọn đường cho chiến thắng của Obama. Sự thể hiện kém phong độ của Obama trong các cuộc tranh luận với Clinton và McCain đã bị lu mờ bởi chuyến công du Trung Đông và Châu Âu hồi tháng 7 và bởi những biển người đến lắng nghe các bài phát biểu của ông vào tháng cuối cùng trước kỳ bầu cử.

Giờ đây, bốn năm sau, điều kỳ diệu ấy gần như đã biến mất. Obama vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo những người Dân chủ. Nhưng sự ủng hộ và niềm say mê là hai điều khác biệt và trong chính trị Hoa Kỳ, không gì thay thế được sự say mê.

Vậy thì sự say mê đã biến đâu mất rồi? Đó là một câu hỏi khiến cả cỗ máy tranh cử của Obama và thậm chí nhiều người Mỹ đã từng cảm nhận được nó phải ngẩn ngơ.

Một phần của câu trả lời, đương nhiên là thực tế đã khác. Chạy đua vào ghế tổng thống và trở thành tổng thống là hai sự vận hành khác nhau, và theo những cách thức quan trọng, chúng đòi hỏi những hệ thống kỹ năng khác nhau. Một Obama cầm quyền trở nên thận trọng và ôn hòa hơn nhiều so với một Obama mà nhiều người Mỹ đã được chứng kiến năm 2008. Ông vẫn đưa ra những bài diễn văn xuất sắc nhưng những lời lẽ hùng hồn ấy đóng vai trò quan trọng hơn trong chính trị, chứ không phải trong khi cầm quyền.

Một Obama đã từng sẵn sàng thách đấu Hillary Clinton về sự ủng hộ của bà dành cho cuộc chiến tranh Iraq giờ đây lại chẳng mấy nhiệt tình thách thức lại những người Cộng hòa vốn đã liên tục cản đường các nỗ lực lập pháp của ông. Nhiệt huyết đấu tranh quyết liệt với những người chống đối và rồi đàm phán dứt khoát với họ hiếm khi được thể hiện bởi Tổng thống Obama, dù ứng viên Obama thì đã thường xuyên cam kết thực hiện chúng.

Nhiều sinh viên Mỹ theo học ngành chính trị đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự lưỡng lự của Obama trong suốt nhiệm kỳ tổng thống khi ông ít khi sử dụng đến những kĩ năng hùng biện để bảo vệ các chính sách của mình. Thậm chí ngay cả với những khó khăn kinh tế mà ông đã đối mặt và sự chống đối hung hăng từ các nghị sĩ Cộng hòa, Obama vẫn đạt được những thành tích tốt không kém gì nhiều vị tổng thống tiền nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của họ. Một chương trình kích thích kinh tế, cải thiện các định chế để kiểm soát ngân hàng, cắt giảm thuế, giải cứu ngành công nghiệp ô tô trên bờ vực phá sản, chấm dứt một cuộc chiến tranh và chuẩn bị rút ra khỏi một cuộc chiến khác, cũng như khởi động một cuộc đại cải cách đối với chính sách y tế quốc gia - tất cả những điều này đều là những thành quả quan trọng.

Tuy nhiên, khẳng định sự cần thiết của những chính sách này và bảo vệ chúng chống lại những kẻ chỉ trích là một trách nhiệm cũng không kém phần quan trọng của một tổng thống. Obama có vẻ như là một người khởi xướng chính sách tốt hơn là một người bảo vệ chính sách.

Và đến hôm nay, trong chiến dịch tái tranh cử, vấn đề này lại xuất hiện. Chiến dịch tranh cử của Obama đã quá ỷ lại vào chiến lược "tiêu cực hóa" Mitt Romney trong khi lại không dựa vào việc bảo vệ vững chắc những thành quả của Tổng thống. Trong cuộc tranh luận đầu tiên, Romney đã chỉ trích tất cả những gì mà Obama đã thực hiện trong chính sách đối nội và kinh tế. Ngược lại, Obama không những đưa ra được những tuyên bố mạnh mẽ về những thành quả của mình mà còn không chống đỡ trước các đòn tấn công của Romney. Và màn thể hiện kỹ năng tranh luận xuất sắc của Romney đã giúp ông ta đánh bật tất cả những gì tiêu cực mà chiến dịch của Obama đã vẽ lên về mình.

Tuy thế, vẫn còn thời gian cho Obama để có thể khơi lại cảm hứng đã đem ông tới chiến thắng hồi 2008. Ngay từ đầu, Obama đã dẫn trước nhưng khoảng cách giữa ông và đối thủ đang ngắn dần. Nguy cơ lớn nhất mà ông đang đối mặt không phải là thiếu đi sự ủng hộ, mà nghiêm trọng hơn là lòng nhiệt tình. Quá nhiều người Mỹ có lẽ không còn còn cảm thấy thôi thúc đầy cảm xúc buộc họ phải bỏ phiếu cho ông tái đắc cử - hay thậm chí là để họ đi bỏ phiếu.

Gs Calvin Mackenzie