Hóa ra, làm người người tốt cũng "hơi bị khó"! Còn bao nhiêu “phút 89” nữa xuất hiện, trong cái đời sống đầy lòng tham này?

>> Nụ cười công chức hay nụ cười của… sếp?

Trong dịp 30/4 vừa qua giữa muôn vàn sự kiện của các tỉnh, thành, có một sự kiện của Đà Nẵng- thành phố năng động và được coi là đáng sống nhất hiện nay ở VN- rất đáng chú ý và được hoan nghênh. Đó là cuộc thi “Nụ cười công chức thành phố Đà Nẵng 2014”. Đủ biết, nụ cười quan trọng và có sức nặng thế nào

Nụ cười của… tư duy cũ

Khi bạn hẹn hò lần đầu tiên, bạn bắt gặp nụ cười của… ai đó đang chờ đợi, hẳn bạn bị quyến rũ ngay từ giây phút đầu, và lòng bạn tràn ngập niềm vui!

Ban mai, đến cơ quan làm việc, bạn gặp nụ cười của đồng nghiệp thân thiết, hẳn ngày hôm đó là một ngày nhẹ nhõm trong lòng bạn. Nụ cười thân thiện biết đâu cũng giải tỏa những phiền muộn và đem lại năng lượng sống để bạn làm việc?

Chả thế, trên thế giới, đã có quốc gia coi nụ cười là “miếng trầu” của quốc gia mình, đến mức được mệnh danh là xứ sở của nụ cười như Thái Lan. Lại có quốc gia có những công trình kiến trúc mê hồn, mang nụ cười bí ẩn hấp dẫn hàng triệu khách thập phương, khách phương xa tới chỉ để chiêm ngưỡng- như nụ cười Bayon bí ẩn, mơ hồ, huyền hoặc của đất nước Chùa Tháp- Campuchia

Nụ cười chính là niềm vui, thiện chí và tình cảm của con người mang đến cho con người.

Chính vì thế, cuộc thi Nụ cười Đà Nẵng có ý nghĩa không chỉ cho công chức của thành phố biển này, mà nó cũng có ý nghĩa thức tỉnh 63 nụ cười còn lại của nước Việt còn đang... ngủ vùi, ngủ đông đâu đó, cho dù nước Việt là xứ sở của 04 mùa xuân hạ thu đông, chim muông hoa lá.

Thế nhưng kết của của Nụ cười Đà Nẵng cũng khiến dư luận xã hội có phần phân vân.

Chẳng phải chê nụ cười của ông Võ Duy Khương, Phó CT thường trực UBND thành phố, cùng các quan chức các cấp, các ngành được giải thưởng. Ngược lại, vẫn xin chúc mừng các vị, đã có Nụ cười Đà Nẵng thân thiện trong thời kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, còn nhiều điều khiến con người... nhăn nhó, cau có.  

Như trong sự đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, ông Võ Duy Khương “đã có nhiều đóng góp lớn cho việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Ông được nhìn nhận là đã góp phần quan trọng để Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của chỉ số PCI năm 2014” (VnEconomy, ngày 28/4)

Mà cái chính là kết quả này chưa phản chiếu được mục tiêu của cuộc thi mang tên nụ cười công chức.

Cho dù là cuộc thi đầu tiên, có vẻ mới mẻ, nhưng kết quả cuộc thi vẫn phản chiếu một tư duy cũ kỹ.

Cũ kỹ, bởi trong số hàng chục vị đoạt giải, hầu hết nụ cười Đà Nẵng lại thuộc về các quan chức, chỉ có duy nhất, mỗi một vị là chuyên viên Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thuộc Cục Thuế Đà Nẵng. Nói cho công bằng, chính vị này mới xứng đáng là người đầu tiên được Ban Giám khảo…  Gọi tên anh (mượn tên ca khúc của Ngô Thụy Miên). Nếu không, lẽ ra cuộc thi phải mang tên “Nụ cười quan chức”.

Cũ kỹ, bởi rút cục, kết quả cuộc thi vẫn phản chiếu một tư duy đặc quyền- đặc lợi, kiểu phổ biến xưa nay, nước chảy chỗ sếp.

Trong khi, thực chất, chỉ có công chức (chuyên viên, nhân viên) mới là người làm việc trực tiếp với người dân trong các dịch vụ hành chính công, mà từ lâu đã được dân gian mỉm cười hóm hỉnh gọi là dịch vụ “hành là chính”.

{keywords}
Tranh minh họa: Khều

Hành là chính, bởi dù người dân mất tiền, đóng đủ thứ thuế, nhưng khi đến cửa công đường, hầu như người dân nào cũng thấy mình như kẻ “ăn xin bất đắc dĩ”. Đã là “ăn xin bất đắc dĩ” thì bắt cởi trần phải cởi trần/ Cho may ô mới được phần may ô.

Thế nên, từ lâu, cái nụ cười công chức nơi công đường không hề có ban bệ nào xếp hạng, nhưng nghiễm nhiên nó tự cho mình thuộc diện hàng mẫu không bán, hoặc đồ xưa nay hiếm, nằm kiêu kỳ phủ bụi trong các bảo tàng về lĩnh vực hành chính.

Nhưng nghiêm túc suy nghĩ, nụ cười công chức nó liên quan mật thiết tới một vấn đề mang tính vĩ mô rất lớn. Đó là cơ chế bao cấp xin- cho một thời.

Cho dù cơ chế quản lý trong XH ta hiện được gọi là cơ chế thị trường, thì hóa ra, cái tâm lý ban phát xin- cho của thời bao cấp nó vẫn mọc rễ rất sâu trong tâm lý của lĩnh vực hành chính, của ngay chính các công chức lĩnh lương từ đồng tiền thuế, tiền dịch vụ của người dân. Mà đã là ban phát, thì chỉ có "nụ kẻ cả", "nụ ban ơn", làm gì có nụ cười? Điều bất công, bất bình thường đó nghiễm nhiên trở thành bình thường. Đến mức để tìm kiếm một nụ cười cho không, biếu không của công chức cũng phải tổ chức một cuộc thi, mà xem ra vẫn hiếm hoi.

Việc lâu nay không ít ngành kêu gọi có nụ cười công chức, phát động phong trào học tập, hay vận động công chức nở… nụ cười, thì thật ra tuy có mục đích tốt, nhưng cũng phản chiếu tư duy cũ kỹ nốt- tư duy phong trào, mang tính duy ý chí nặng. Nó phản chiếu hoạt động của một XH rất thiếu chuyên nghiệp, trông chờ vào thiện chí của tùy mỗi con người, mà không trở thành một ý thức thường xuyên của mọi công chức.

Ý thức thường xuyên đó chỉ có thể nảy nở, trở thành nếp sống giao tiếp văn minh trong một nền hành chính của một XH hoạt động chuyên nghiệp. Người dân mất tiền, đóng thuế phải được hưởng một dịch vụ tương xứng, chứ không phải kẻ xin xỏ, để được những người công chức họ nuôi, ban phát với thái độ kẻ cả.

Không phải vô lý, trước đó, trên Tuần Việt Nam, ngày 10/4, có bài viết về những bất cập của ngành y tế đã khiến cho người dân giờ đây rất dễ nổi nóng, thậm chí hành hung thầy thuốc, cho dù họ đang ở thế nương nhờ cửa bệnh viện, chỉ vì muôn ngàn lý do cay đắng, mất tiền chữa bệnh, tiền thuốc, tiền phong bao phong bì theo kiểu đồng tiền đi trước đồng tiền khôn, nhưng bệnh nhân vẫn phải quỵ lụy, và thầy thuốc vẫn mặc nhiên cho mình là kẻ ban ơn.

Không phải vô lý, khi bài báo này đề xuất  cần “thay đổi tận gốc quan niệm của xã hội và của chính ngành y. Mối quan hệ bệnh nhân và thầy thuốc phải được thay bằng quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp”

Nhưng nụ cười công chức chỉ có thể nở trên một nền hành chính văn minh, sản phẩm của một nền quản trị văn minh. Nơi đó đội ngũ công chức được tuyển dụng và sàng lọc sòng phẳng. Nơi đó, không có treo bộ “tứ bình” xấu xí, bất công: Hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ, làm mất mát, thất thoát người tài và người tử tế.

Vậy thì có thể có không, một nền hành chính, một nền quản trị văn minh. Và những ai chịu trách nhiệm?

{keywords}
  Các nhân viên y tế đón tiếp bệnh nhân. Ảnh: Dương Ngọc/ TTXVN

Làm người tử tế sao khó thế

Nhưng không phải cứ là người tốt là có thể nở nụ cười, như các vị vừa được lĩnh giải Nụ cười Đà Nẵng, mà có khi làm người tốt lại… nhăn nhó vì quá mệt mỏi. Đó là trường hợp của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người bán ve chai tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) bỗng dưng trở nên nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của dư luận XH.

Chả là một ngày nọ, khi đập mấy cái loa thùng cũ để lấy sắt vụn đem đi bán, vợ chồng chị phát hiện trong một chiếc loa, có một hộp gỗ nhỏ chứa đầy tiền Yen (Nhật). Tổng trị giá của số tiền đó khoảng 05 triệu Yen (khoảng 01 tỷ đồng tiền Việt)

Vụ việc lập tức loang nhanh. Để tránh phức tạp, cơ quan chức năng mời vợ chồng chị Hồng cùng với toàn bộ số tiền Yen Nhật vừa phát hiện trong chiếc loa thùng về trụ sở làm việc, lập hồ sơ tạm giữ số tiền này để tránh bị kẻ gian lợi dụng, gây rối hoặc có thể gây nguy hiểm cho người phát hiện. Cơ quan chức năng đã nhiều lần khẳng định, sau một năm không có người chứng minh được số tiền 05 triệu Yen đó là của mình, thì sẽ trả lại tiền cho chị Hồng (vào ngày 29/4/2015).

Theo quy định tại Điều 239 Bộ luật Dân sự 2005 về “xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”, với trường hợp tài sản là động sản (tiền) thì người nhặt được phải giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất. Việc giao nộp phải được lập thành biên bản. UBND hoặc công an quản lý tài sản đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Nếu sau một năm kể từ ngày thông báo mà không ai nhận thì tài sản đó sẽ thuộc người phát hiện (theo Dân trí, ngày 23/3/2014)

Như vậy, tính theo thời gian, đến thời điểm này, nếu theo quy định của Luật, chị Hồng đương nhiên được hưởng số tiền đó.

Dân gian có câu thành ngữ: Được bạc thì sang, được vàng thì lụi. Nhưng chị Hồng, được bạc (tiền) thì chả thấy sang đâu, mà chỉ thấy thêm rắc rối, phiền toái.

Bởi ở thời điểm gần hết một năm, nói theo cách nói của báo Dân trí (ngày 27/4), “phút 89”, bỗng nhiên có một người phụ nữ xuất hiện, tự nhận mình là chủ nhân của số tiền trên.

Thế nhưng, nếu nghe lời của bà này tường trình, thì  những chứng cứ của bà ta, hiện cũng còn rất mù mờ, vì nó toàn đi… đường vòng. Theo bà Ngọt- người đàn bà của phút “89”, rất có thể, số tiền đó thuộc sở hữu của chồng bà - ông Efolayan Caleb (quốc tịch Nigeria). Số tiền đó, bà Ngọt cũng chỉ nghe chồng nói lại (là 06 triệu Yen). Nhưng hiện giờ ông này chưa thể về VN do đang chăm bà mẹ bị bệnh.

Và thế là cái “phút 89” bỗng nhiên làm nổ ra một cuộc tranh cãi, tranh luận có vẻ vô tiền khoáng hậu, bởi chẳng có ai là trọng tài!

Mà sự tranh cãi dựa trên cơ sở pháp luật của các nhà làm luật, xem chừng cũng rất khác nhau.

Ví như theo TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, “theo bộ Luật Dân sự, vụ việc được chuyển sang tòa án là hợp lý vì liên quan đến vấn đề về sở hữu. Việc xác định chủ sở hữu của số tiền đó phải đưa ra tòa. Nếu không xác định được chủ sở hữu thì sẽ sung công quỹ Nhà nước”.

Tuy nhiên, cũng là giới luật sư, nhưng ý kiến của nhiều luật sư cũng khác với ý kiến của ông Đinh Xuân Thảo. Đủ biết những tình huống trong đời sống bao giờ cũng phong phú, phức tạp, và đầy bất ngờ, hơn cả những gì các nhà làm luật xây dựng nên, nhất là lòng người vốn không hề đơn giản, đặc biệt khi ngửi thấy… mùi đồng.

Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Nếu tài sản được xác định là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu, Điều 239 Bộ luật Dân sự quy định: “Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật ...”.

Đồng quan điểm với luật sư Chu Mạnh Cường, luật sư Hà Hải – người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị Ánh Hồng, cũng yêu cầu trả lại số tiền 05 triệu Yen cho chị này. Theo luật sư Hà Hải, vụ việc không có dấu hiệu tranh chấp dân sự nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

{keywords}

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người bán ve chai tại quận Tân Bìn, TP HCM. Ảnh: An Nhơn/ VnExpress

Đặc biệt, ý kiến của luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó CNVP Quốc hội), và nhất là ý kiến của luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể bác đơn của bà Ngọt. Theo luật sư Phạm Thanh Bình, phải khẳng định bà Ngọt chỉ là một người biết tới sự việc này. Nếu đúng, thì số tiền là của người chồng Nam Phi chứ không phải của bà Ngọt. Về mặt pháp lý cũng không phải là tài sản chung của bà Ngọt. Do đó bà Ngọt không phải chủ sở hữu của số tiền trên.

Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại đã hết thời hạn thông báo nhưng người chồng Nam Phi của bà Ngọt, người được cho là chủ thật sự của số tiền trên vẫn không xuất hiện. Rõ ràng phải giải quyết cho người nhặt ve chai theo đúng quy định của pháp luật. Còn nếu trong trường hợp chồng bà Ngọt khẳng định số tiền trên là của mình thì phải đưa ra đầy đủ các giấy tờ, bằng chứng về nguồn gốc xuất xứ và việc đưa tiền một cách hợp pháp về VN, theo những quy định về quản lý ngoại hối (theo Dân trí, 29/4 và 7/5).

Đến thời điểm này, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Còn chị Ánh Hồng, nhân vật chính của vụ việc thì đã quá mệt mỏi, sau những tháng ngày rắc rối, phức tạp. Những thứ rắc rối, phức tạp của lòng người, của thủ đoạn, mà một người đàn bà nghèo, đơn giản như chị khó có thể hình dung hết. Hóa ra, làm người thật thà, người tử tế cũng "hơi bị khó"! Và chị chỉ cầu mong có đủ sức khỏe để đi mua ve chai mưu sinh qua ngày.

Người viết bài này bỗng tự hỏi, không biết sẽ còn bao nhiêu “phút 89” nữa xuất hiện, trong cái đời sống đầy lòng tham này?

Đều là những người làm việc tốt. Ở nơi này là nụ cười sung sướng của sếp. Ở nơi kia là sự mệt mỏi, lo lắng, của thường dân.

Kỳ Duyên