Giả dụ tình trạng cháy nổ cấp bách, nhà làm luật cần tự hỏi liệu có giải pháp nào căn cơ hơn mà không đòi hỏi xã hội phải mất thêm chi phí mua bình chữa cháy.

Sai phạm giao thông: ai có quyền xử

Bàn về 'chuyện lạ' của CSGT Đà Nẵng

Kể từ 06/01/2015, ô tô sẽ bị phạt từ 300.000đ - 500.000đ nếu không trang bị bình chữa cháy đúng quy định. Đây là quy định mới đang gây xôn xao dư luận.

Luật lệ “đánh úp”?

Chưa tính đến mức độ đúng đắn, chỉ xét đến cách thức triển khai thực hiện quy định này, chúng ta đã thấy bất cập.

Việc phương tiện cơ giới đường bộ bị phạt từ 300.000đ - 500.000đ nếu “không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là quy phạm không mới, vốn đã được ghi nhận tại điểm b, khoản 2 Điều 27 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, quy định trên còn quá chung chung, để ngỏ cho các văn bản pháp luật khác chi tiết hóa. Cho đến ngày 26/10/2015, Thông tư 57 hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nhằm hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Giao thông đường bộ được ban hành. Chỉ khoảng hai tháng sau ngày ban hành, tức đến ngày 06/01/2016, Thông tư có hiệu lực pháp luật trên toàn quốc.

Điều bất hợp lý ở đây là hơn 2.500.000 ô tô (số liệu tính đến 15/9/2015) [1] trong đó phần lớn là ô tô dưới 9 chỗ ngồi - vốn không bị bắt buộc trang bị bình chữa cháy từ trước tới nay, không thể kịp trở tay để trang bị bình chữa cháy theo đúng quy định trong vòng 2 tháng.

Bài học về xử phạt xe không chính chủ từ ba năm trước vẫn còn đó. Khi một quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến số lượng lớn người dân, pháp luật không thể “đánh úp” mà cần có lộ trình hợp lý để người dân thấu hiểu quy định mới và nhà nước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính.

{keywords}

Kể từ 06/01/2015, ô tô sẽ bị phạt nếu không trang bị bình chữa cháy. Ảnh minh họa

Đã là luật, phải chính đáng

Trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật được thượng tôn nhưng pháp luật đó phải chính đáng và phù hợp với cuộc sống, đem lại lợi ích chung cho xã hội.

Với quy định về bình chữa cháy cho ô tô con, nhà làm luật cần đảm bảo tính chính đáng của quy phạm bằng cách chứng minh nhu cầu trang bị bình chữa cháy để phòng chống cháy nổ xe con là cấp thiết. Điều này cần thể hiện trên con số - một tỷ lệ đáng kể xe con cháy nổ để cho thấy đó là một vấn đề cấp bách.

Thực tế cho thấy rất ít khi thấy xe con cháy nổ mà chủ yếu là xe gắn máy. Nếu vấn đề cháy nổ không bị coi là cấp bách, sẽ khó có lý do chính đáng để bắt buộc mọi xe con phải trang bị bình chữa cháy. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, vốn rất chú trọng đến các tiêu chuẩn an toàn của phương tiện giao thông, cũng không có quy định này.

Đối với ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên thì khác, vì cần đảm bảo độ an toàn cao hơn, mà số lượng xe không nhiều như xe con. Trong trường hợp này, việc bắt buộc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy cần thiết là hoàn toàn chính đáng.

Cơ quan hữu trách có thể biện luận cho quy định trên dựa vào mục đích đảm bảo an toàn phòng ngừa cháy nổ. Tuy nhiên, không thể vì phòng ngừa một vài vụ cháy nổ xe một năm mà bắt tất cả các xe phải lắp bình chữa cháy. Biện pháp nhằm mục đích tốt đẹp cần phải khả thi, phù hợp với cuộc sống.

Bên cạnh đó, đánh giá về chi phí – lợi ích đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật. Chi phí thực thi một quy phạm pháp luật phải nhỏ hơn lợi ích mà nó mang lại.

Hãy tính một bài toán đơn giản. Giả dụ trong hơn 2 triệu rưỡi ô tô có 2 triệu ô tô con, mỗi xe trang bị một bình chữa cháy CO2 3kg với giá 300.000đ. Chưa tính các chi phí quản lý khác, xã hội sẽ tiêu tốn 600 tỉ đồng cho việc mua bình chữa cháy. Số tiền này tương đương với khoảng 2.000 ô tô con, giả sử trung bình giá trị mỗi xe (đang lưu hành) là 300 triệu đồng.

Liệu có bao giờ lượng xe con như vậy bị cháy trong điều kiện môi trường bình thường ở Việt Nam? Tỷ lệ cháy nổ thực tế có thể thấp hơn nhiều và khi đó chỉ cần các hãng bảo hiểm xử lý.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Đối với xe con, giả dụ rằng tỷ lệ cháy nổ rất đáng kể và trở nên vấn đề cấp bách, nhà làm luật cần tự hỏi liệu có giải pháp nào căn cơ hơn nhằm hạn chế cháy nổ mà không đòi hỏi xã hội phải mất thêm chi phí để trang bị bình chữa cháy. Với câu hỏi đó, không khó để giải quyết các vấn đề từ gốc rễ như: tiêu chuẩn an toàn ô tô, tình trạng đăng kiểm…

Sẽ là trái với các nguyên tắc của một nền quản trị tốt nếu nhà nước buông lỏng quản lý cái gốc về tiêu chuẩn an toàn phương tiện, đăng kiểm, hạ tầng giao thông mà lại chú trọng quản lý phần ngọn về chữa cháy và xử phạt người dân.

Bùi Tiến Đạt

(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)

 
[1] Số lượng ôtô đăng ký mới tăng đột biến, VnEconomy, 16/10/2015.