Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney đã tranh cãi gay gắt về chương trình kinh tế tại màn tranh luận trực tiếp đầu tiên trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Trong cuộc tranh luận kéo dài một tiếng rưỡi được trực tiếp truyền hình đến người dân Mỹ, hai ứng viên đã đấu nhau trên các lập trường về thuế khóa, cải cách y tế và vai trò chính phủ.

Theo một cuộc thăm dò dư luận chớp nhoáng của đài truyền hình CNN ngay sau khi cuộc tranh luận đầu tiên vừa kết thúc, có đến 67% người được hỏi đánh giá là ông Mitt Romney đã thắng lợi trong hiệp đấu đầu tiên này. Tỷ lệ số người cho là ông Obama đã giành ưu thế chỉ vỏn vẹn là 25%. Một cuộc thăm dò dư luận khác do hãng CBS thực hiện cũng xác nhận ưu thế của ông Mitt Romney.

Theo các nhà quan sát, thành công trong cuộc tranh luận vừa qua cho phép ông Romney tiếp tục nuôi hy vọng, vì những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy là ông bị thua điểm ứng cử viên đảng Dân chủ, đặc biệt là tại các tiểu bang then chốt. Thăm dò dư luận do Viện Gallup thực hiện trước đó cho thấy, ông Obama được 50% ý định bầu, so với 44% cho đối thủ Mitt Romney. Lần tranh luận đầu tiên này chính là khoảnh khắc quan trọng để ông Romney giành ưu thế sau nhiều tuần tranh cử khó nhọc. Và trên thực tế ông Romney đã giành được.

Về phần mình, ứng cử viên Obama cần phải lấy lại ngay tinh thần, vì từ nay đến ngày bỏ phiếu ngày 6/11, hai ông Obama và Romney còn phải tranh luận thêm 2 hiệp nữa. Lần tranh luận thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 16/10, lần tới họ sẽ trả lời các câu hỏi về chính sách đối ngoại của Mỹ, từ những người tham dự, chứ không chỉ của một mình điều phối viên.

Đêm thứ tư vừa rồi là cơ hội đầu tiên để cả nước Mỹ nhìn thẳng vào mắt hai ứng viên, một người sẽ là tổng thống nhiệm kỳ tới và được nghe những gì hai ứng viên trực diện tranh luận với nhau. Mặc dù đã trải qua quá trình tranh cử tương đối dài, cả hai ứng viên này đều lạ lẫm với nhau. Họ chỉ mới gặp nhau tất cả cả ba hay bốn lần cho đến nay.

Kinh tế, y tế và vai trò chính phủ

Tại phiên tranh luận đêm 3/10 tại đại học Denver, lần đầu tiên cử tri trên khắp nước Mỹ được chứng kiến Obama và Romney cùng xuất hiện trên cùng sân khấu. Romney cáo buộc Obama theo đường lối "chính phủ chi tiêu" trong khi tổng thống cáo buộc đối thủ sẽ "nhân rộng" các sai lầm trong chính sách kinh tế dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Ông Romney công kích ông Obama: "Ngài tổng thống có quan điểm giống hệt như hồi ông ra tranh cử bốn năm về trước. Đó là chi tiêu nhiều, đánh thuế nhiều và điều tiết nhiều sẽ có tác dụng. Đó không phải là câu trả lời mà nước Mỹ cần". Ông Romney cam kết không giảm thuế cho tầng lớp giàu có và cáo buộc Obama đã diễn dịch sai chương trình thuế khóa của ông.

Ông Mitt Romney và ông Barack Obama trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên.  Ảnh: Reuters

Romney cũng tấn công Obama vì đã không thể cắt giảm một nửa thâm hụt ngân sách như ông đã hứa hồi bốn năm trước và nhấn mạnh rằng nước Mỹ không thể cho phép mình đi theo vết xe đổ của Hy Lạp và Tây Ban Nha. Romney cho biết cách giảm thâm hụt ngân sách của ông là ông sẽ rút lại luật cải cách y tế mà Obama thông qua hồi năm 2010 và cắt giảm trợ cấp cho các kênh truyền hình công cùng với một số chương trình khác mà ông không nói rõ.

Ông Romney đánh vào kế hoạch của Obama bãi bỏ chương trình miễn thuế hải ngoại. Ông nói thẳng với Obama rằng tổng thống đã chọn sai người khi bơm tiền vào những công ty làm ăn thua lỗ. Về phần mình, Obama đánh chệch hướng các chỉ trích của Romney bằng cách liệt kê các thành tích điều hành kinh tế của bản thân trong bốn năm qua.

Về y tế, hai ứng viên cuối cùng vẫn tiếp tục bất đồng về tương lai của chương trình chăm sóc sức khoẻ cho những công dân trên 65 tuổi. Romney chỉ trích đạo luật cải cách y tế mang dấu ấn của Obama là đã tăng chi phí y tế và làm cho các doanh nghiệp nhỏ không tuyển dụng thêm. Ông chất vấn tại sao tổng thống lại dành quá nhiều thời gian và công sức chính trị thúc đẩy đạo luật này vào đầu nhiệm kỳ thay vì khắc phục các vấn đề kinh tế của đất nước và tạo công ăn việc làm.

Romney nhắc lại những tuyên bố gây tranh cãi rằng đạo luật cải cách y tế của Obama đã giúp cắt giảm 716 tỷ đô la. Tuy nhiên, Romney lại ca ngợi và biện hộ một chương trình mà chính ông đã ký thông qua khi ở cương vị thống đốc bang Massachusetts. Trong khi đó, Obama phản bác lại rằng ông thúc đẩy đạo luật này vì ông xúc động trước những câu chuyện về nỗi thống khổ của người dân và rằng chương trình này đã giúp ngăn chặn các công ty bảo hiểm cắt bớt chi tiêu cho người bệnh.

"Đây là một ý tưởng của lưỡng đảng, thật ra đây là ý tưởng của đảng Cộng hòa," Obama nói như vậy và cho biết giờ đây ông cảm thấy tự hào với danh từ "Obamacare", biệt danh mang hàm ý mỉa mai dành cho chương trình cải cách y tế của ông.

Được hỏi về vai trò của chính phủ liên bang, ông Obama nói rằng vai trò đầu tiên của chính phủ là giữ cho dân chúng được an toàn. Nhưng ông nói rằng chính phủ cũng nên tạo những cơ cấu qua đó giúp người dân có thể thành công. Và ông nêu lên thí dụ là trong quá khứ chính phủ đã giúp xây các đường xe lửa, các viện nghiên cứu và các định chế giáo dục.

Ông Romney đáp rằng vai trò của chính phủ là phát huy và bảo vệ các nguyên tắc của Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập. Ông nói rằng điều đó có nghĩa là duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ. Ông nói rằng nước Mỹ cũng phải duy trì cam kết về sự dung chấp và tự do tôn giáo. Nước Mỹ phải chăm sóc người cao tuổi và tật nguyền, trong khi bảo tồn quyền tự do cho các cá nhân theo đuổi các ước mơ của họ.

Bình luận về cuộc tranh luận

Sơ khởi sau cuộc khẩu chiến đầu tiên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, ông Romney đã thắng cuộc tranh luận. Ông Romney chứng tỏ mình nắm vững mọi lĩnh vực, từ các vấn đề kinh tế đến cách thức làm sao ổn định cuộc sống người dân, tạo được công ăn việc làm cho họ. Ông Romney tỏ ra tự tin, đứng cạnh một đương kim tổng thống chỉ biết bảo vệ thành tích trong bốn năm qua mà không có được những cuộc tấn công đáp trả cần thiết.

Theo nhận xét từ biên tập viên Bắc Mỹ của BBC Mark Mardell, ông Romney có vẻ sôi nổi, chủ động lý lẽ, có lúc nói át cả người điều phối và ngắt cả lời ông Obama. Trong khi đó, ông Obama ban đầu có vẻ căng thẳng, dù sau màn khởi động ông đã tìm lại được phong độ, tuy nhiên ông vẫn trình bày vấn đề theo kiểu diễn văn dài dòng thay vì tranh cãi tay đôi.

Trong 90 phút tranh luận, phần lớn những câu hỏi do điều hợp viên Lehrer đưa ra đều xoay quanh các vấn đề quốc nội, từ thuế, việc làm, bảo hiểm y tế Medicare đến chính sách năng lượng. Ít nhất 2/3 nội dung đều đã có thể dự đoán trước và do đó điều chủ yếu trong cuộc tranh luận là khâu chuẩn bị và tập dượt kỹ lưỡng trước đó.

Được biết, thượng nghị sĩ John Kerry đã đóng vai đối thủ trong các cuộc tập dượt của tổng thống Obama. Phía Romney, thượng nghị sĩ Rob Portman giữ vai trò tương đương và đã rất nhiều lần thao dượt, lần cuối cùng là vào hôm thứ Bảy vừa qua tại một hội trường ở Boston được dàn dựng đúng như tại đại học Denver và hai "đối thủ giả" mặc y phục trang trọng y như thật.

Thông điệp tranh cử của ông Romney là: sự lãnh đạo kinh tế của ông Obama là một thất bại thảm hại. Romney nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao của Mỹ, hiện nay là 8,1%, mức tăng việc làm yếu ớt và khẳng định rằng kinh nghiệm trên thương trường của bản thân ông sẽ giúp xoay chuyển tình thế của kinh tế Mỹ.

Về phần mình, Obama nói rằng đối thủ của ông không đưa ra được gì nhiều ngoại trừ lặp lại các chính sách truyền thống của Đảng Cộng hòa đã thất bại vì đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008. Ông Obama đề xuất tăng thuế vào những người giàu có nhất để giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang và phê phán chương trình của Romney là sẽ gây tổn hại cho tầng lớp trung lưu.

Như vậy là suốt cuộc tranh luận, vấn đề thuế là xung đột dữ dội trong đó cả Obama và Romney đều cho rằng kế hoạch của mình là tốt nhất để phục hồi phát triển kinh tế và giúp cho giới trung lưu. Romney bác bỏ nhận định cho rằng ông ưu đãi giới người giầu, nói rằng kế hoạch thuế của ông không làm gia tăng thâm hụt. Phản công lại, Obama cho là kế hoạch thuế của đối thủ chắc chắn làm gia tăng thâm hụt nếu không phải là cắt giảm lớn các chương trình xã hội và đó không thể là phương thuốc để tạo ra công ăn việc làm.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng không ai trong hai ứng viên định hình đầy đủ chương trình kinh tế của mình và hiện vẫn có nghi ngờ liệu cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ giải quyết món nợ lên đến 15.000 tỷ đô la của Mỹ như thế nào.

Tầm ảnh hưởng của tranh luận

Về tầm ảnh hưởng của các cuộc tranh luận, theo nhận định của nhiều chuyên gia về bầu cử, chỉ có thể làm thay đổi mức ủng hộ khoảng dưới vài phần trăm, trừ khi một ứng cử viên phạm một sai lầm gì quá trầm trọng, nhưng điều này đã không xẩy ra trong cuộc tranh luận đầu tiên này.

Trong một thời gian ngắn sau khi tranh luận kết thúc, các nhà phân tích thời sự và chính trị sẽ tiếp tục đưa ra các đánh giá về mỗi ứng cử viên, nhìn vào những bình luận đáng ghi nhớ của họ và những tuyên bố sai lầm về các sự kiện và đưa ra những nhận định là cuộc tranh luận này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ngày 6/11 như thế nào.

Nhà khoa học chính trị John Sides từ trường đại học George Washington tại Washington và những nhà phân tích khác cũng nói, tương đối ít có cuộc bầu cử bị ảnh hưởng bởi những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cuộc tranh luận Obama-Romney không quan trọng. Nếu tin vào các cuộc thăm dò hiện nay, chúng ta chỉ thấy có khoảng từ 5% đến 6% các cử tri chưa quyết định. Do đó đối với đại đa số cử tri theo dõi cuộc tranh luận, thì họ nhìn vào số các cử tri nào hoan hô cho phía ứng viên của họ.

Ông John Sides kết luận: những người này đã có quyết định và họ sẵn sàng nói ứng cử viên của họ thắng cuộc tranh luận, bất kể chuyện gì đã xảy ra. Đối với số ít người còn lại, có thể những cuộc tranh luận có thể có ảnh hưởng nào đó. Và ở đây, không chỉ vai trò của cuộc tranh luận, mà còn có vai trò của truyền thông trong việc tường thuật cuộc tranh luận giúp giải thích cuộc tranh luận và quyết định người thắng, kẻ thua sắp tới./.

Hoàng An Bình

Obama và Romney tranh cãi chính sách Trung Đông
Các ứng viên cho ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo đã có trả lời phỏng vấn riêng biệt về các đối sách với khu vực Trung Đông.
 
Vận đen của Romney
Dư luận và báo chí Mỹ lại được một phen dậy sóng khi video ghi lén buổi gây quỹ hồi tháng 5 của Mitt Romney bị tung ra thanh thiên bạch nhật.
 
Chiến dịch phía trước của Romney và Obama
Mitt Romney và Barack Obama hiện đang ở giai đoạn chạy đua nước rút trước khi về đích. Trong vài tuần cuối cùng trước ngày bầu cử 6/11, cả hai sẽ phải đi lại như con thoi và dành hết sức lực vận động bầu cử.
 
Nhìn lại hai sứ mệnh của Romney
Liệu bài phát biểu của Romney và những sự kiện khác ở Tampa có đủ để khiến họ xúc động và cuối cùng là đi bỏ phiếu cho ông ta?