Chánh Tín vay chưa đầy 8 tỷ, phim thất bại thì bị ngân hàng tịch thu nhà cửa, nay số tiền làm bộ phim Sống cùng lịch sử này gần gấp 3 lần số tiền Chánh Tín đã mất!

>> Không sống hèn, sống nhục và sự thật lịch sử

>> Lịch sử buộc người Việt phải quyết đoán hơn

Phim triệu USD, không ai xem, đạo diễn vẫn... hài lòng

Gần 1 triệu USD (21 tỷ) là tiền đầu tư cho phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, biên kịch Đoàn Tuấn, hãng Phim truyện Việt Nam. Phim làm trong một năm ròng rã với 300 người tham gia. Rõ là tiền nhiều, đạo diễn giỏi và biên kịch nổi tiếng, diễn viên đông, hãng phim lớn nhất VN. Ấy vậy mà phim làm xong dù được ưu tiên hết mức như chiếu khung giờ đẹp, giá vé rẻ mà rạp vẫn phải hủy chiếu vì... chẳng ai đến xem.

Nhưng nói cho cùng, bộ phim triệu đô này chỉ được công chúng lẻ tẻ biết đến khi... nó ế. Còn lý do chính dẫn đến việc phim không ai xem này được người trong cuộc cho là vì không có ai quảng bá. Kinh phí 21 tỷ chỉ để dành cho làm phim. Mà thực làm theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng chỉ có 13 - 14 tỷ, số 7-8 tỷ bạc còn lại để chi phí cho Hãng phim. Kinh phí hậu kỳ chỉ vẻn vẹn 100 triệu và kinh phí quảng bá thì không thấy đâu.

Chính vì thế mà hiện nay người hài lòng với nội dung bộ phim này theo báo chí lại chính là... đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Còn phim hay dở thế nào thì là một bí ẩn, bởi vì ngay khi vài ba người xem đến rạp trong từng suất chiếu thì phim cũng đã bị hủy chiếu. Giới báo chí cũng chỉ biết vài ba dòng về nội dung phim, còn lại cũng chưa được xem.

{keywords}
Một cảnh trong bộ phim triệu đô

Phim phải ra thị trường, nhưng nhà quản lý ru rú bàn giấy...

Mặc dù tiền thuế của dân bỏ ra là hàng 21 tỷ bạc, nhưng cách quản lý quá trình từ khi làm bộ phim này cho đến khi ra rạp này hình như chưa bám vào hiệu quả đem đến lợi ích cho người dân để hiểu biết và tự hào hơn về lịch sử dân tộc .

Mặc dù cách quản lý chi phí của phim xem ra rất là "chặt chẽ". Theo đó, Bộ VHTT DL là chủ đầu tư của các dự án phim, và Bộ này lại giao trách nhiệm cụ thể cho Cục Điện ảnh. Phim trước khi sản xuất phải do Liên bộ Văn hóa - Tài chính - Cục Điện ảnh - Cục quản lý giá duyệt kinh phí đầu tư. Tức là cả một  bộ máy công quyền hùng hậu cho việc quản lý 21 tỷ, chưa tính thêm tiền chi phí để nuôi bộ máy quản lý.

Nhưng giờ do làm hỏng, làm sai khiến 21 tỷ bạc này "bay theo gió" thì  chưa rõ  ai trong số đó sẽ đứng ra chịu trách nhiệm, nhận kỷ luật, bồi hoàn?

Xem ra, làm phim bằng tiền dân thực dễ dàng biết bao. Cứ xem tình cảnh của một hãng phim được đầu tư tiền túi bởi nghệ sỹ gạo cội như Chánh Tín thì biết. Ông mới vay chưa đầy 8 tỷ bạc để làm phim, phim thất bại thì bị ngân hàng tịch thu hết nhà cửa. Nay số tiền làm bộ phim Sống cùng lịch sử này gần gấp 3 lần số tiền Chánh Tín đã mất!

Nhìn rộng ra cách làm phim này, có thể thấy khó mà có hiệu quả. Bởi Sống cùng lịch sử không phải là bộ phim "đắp chiếu" đầu tiên. Từ trước đến nay, làm phim sao cho hay, thu hút người xem là việc của các đạo diễn, còn làm sao để phim không lỗ là trách nhiệm của nhà sản xuất.

Nếu vậy, sao các quan chức hùng hậu của cả một Liên bộ kia không giao béng việc này cho nhà sản xuất và đạo diễn  nhận kinh phí Nhà nước thì phải chịu mọi trách nhiệm từ A đến Z, miễn đạt hiệu quả là thu hồi kinh phí hay có lãi? Bởi thiết tưởng dù có giỏi cách mấy nhưng chỉ là quan chức mà không phải nhà chuyên môn cứng cựa, đang lăn lộn trong thị trường phim thì làm sao có thể thành công?

Ai bảo phim lịch sử không hấp dẫn dân ta?

Mặc dù phim thị trường đang chiếm ưu thế tại các rạp chiếu phim ở VN, tuy nhiên, chắc chắn người dân  cũng yêu thích cả các loại phim khác, trong đó có cả phim lịch sử. Nhất là khi lịch sử của VN có biết bao biến cố và sự kiện hào hùng và bi thương tác động đến số phận của từng con người. Cái người Việt cần là phim hay từ những đạo diễn tài ba, có tâm và có tầm nhìn vượt thời gian.

Ngay tại Hàn Quốc, nơi mà phim thị trường đang thắng thế thì phim lịch sử vẫn có vị trí quan trọng. Phim Đồng hồ cát của đạo diễn  Kim Jong Hak  làm năm 1995 khai thác vụ "Kwangju" - sự kiện có thật xảy ra vào ngày 18/5/1980, sau vụ ám sát Tổng thống Park Jung Hee. Khi đó, Kwangju dấy lên làn sóng biểu tình phản đối, thu hút hàng ngàn sinh viên và người dân. Cuộc biểu tình ấy trở thành cuộc thảm sát đẫm máu đầy bi thương.

Việc khắc hoạ sự thật một cách đậm nét trong tác phẩm qua chuyện tình yêu của ba thanh niên trẻ đã tác động mạnh đến người xem. Phim hay đến nỗi ở Hàn Quốc hồi đó, cứ vào giờ chiếu phim là vắng bóng xe cộ và người qua lại trên đường phố, bởi người dân không sao có thể rời mắt khỏi màn hình vô tuyến. Mức rating lý tưởng (trung bình hơn 50%) khiến Đồng hồ cát cực kỳ ăn khách.

Năm 2010, Phim Giant (tên tiếng Việt là Cuộc đời lớn) của đạo diễn Yoo In Sik- Lee Chang Min cũng là một phim lịch sử, với dàn diễn viên không mấy nổi danh nhưng vẫn trở thành phim cực kỳ ăn khách. Giant lấy bối cảnh của Hàn Quốc những năm 1960-70 gắn với sự phát triển của đô thị Kang Nam - Seoul  của giới nhà giàu. Bộ phim dựa vào cuộc đời của 3 anh em, nhưng phác họa cả xã hội Hàn Quốc trong thời kỳ xây dựng kinh tế với những cuộc đấu tranh sinh tồn chứa đựng cả máu và nước mắt.

Điều đáng nói là cả 2 bộ phim rất lịch sử này cũng cũng được người dân VN chào đón và hâm mộ, kể cả những người dân thường, học vấn khiêm tốn và chưa biết bao nhiêu về lịch sử Hàn Quốc. Bởi qua phim họ có thể hiểu về lịch sử, có thể chia sẻ và yêu thương... Hẳn trong số đó không ít người ước ao người VN các thế hệ cũng được xem những phim lịch sử hay như thế của VN để hiểu rõ về lịch sử nước nhà.

Hàn lưu là làn sóng văn hóa đã làm cho Hàn Quốc nổi danh và thúc đẩy đầu tư, kinh doanh cho nước này trên toàn thế giới. Và đó là một chiến lược ở tầm quốc gia. Hồi đầu năm nay, thậm chí Quốc hội Hàn Quốc đã mời các nghệ sĩ K Pop hàng đầu là Super Junior Shindong, Eunhyuk, và Sungmin đến thuyết giảng. Bài nói chuyện của các nghệ sĩ trước các nghị sĩ với tựa đề "Thế giới đầy màu sắc của K-Pop" dài 90 phút về những nỗ lực và các chiến lược trong quá khứ lẫn hiện tại để đưa Kpop trở nên đặc biệt trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đây không phải là một sự kiện khác thường. Các nhà lập pháp quốc gia này từ lâu đã nhận thấy cần  học hỏi gì để cho phim ảnh, âm nhạc, các nghệ sỹ xứ Kim Chi thống lĩnh thị trường trong nước cũng như toàn cầu.

Xem ra họ làm thật thì ăn thật. Giá các nhà quản lý và nghệ sỹ của ta học được tinh thần cũng như những cách làm này, thì có lẽ Việt Nam sẽ không còn cảnh làm phim tiền tấn chẳng ma nào xem.

Nguyễn Anh Thi

Bài cùng tác giả:

Huy chương Toán quốc tế: Đằng sau chuyện đi hay ở

Gần đây không chỉ từng người lẻ tẻ ra đi, mà còn có quốc gia thu hút được cả trăm nhà khoa học Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và làm việc.

Khi mẹ Nhật, Mỹ và mẹ Việt cho con học vỡ lòng

Cách đánh giá mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự thay đổi cần được diễn ra ở cấp độ sâu hơn, đó là thay đổi bản chất của việc dạy và học.

Nguyên nhân nào đằng sau chuyện Hào Anh?

Việc hỗ trợ tiền và nhà là rất đáng quý, cần thiết, nhưng không phải là tất cả những gì có thể mang lại cho Hào Anh một cuộc sống bình thường.

Bài văn kinh điển nhiều học sinh không viết nổi?

Vào năm học, có lẽ nhiều học sinh sẽ không tài nào viết nổi bài văn với đề bài cổ điển: Em hãy tả buổi lễ khai trường và nêu cảm nghĩ của em.