Muốn thực sự làm đại biểu thì phải đánh đổi, chịu thiệt thòi; nhiều khi được lòng dân, mất lòng “quan”; chiều “quan” thì dễ thôi, nhưng được lòng dân thì khó lắm.

LTS: Ngày 20/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV khai mạc với những gương mặt đại biểu QH mới do nhân dân bầu ra trong kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND vừa qua. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Đức Lam, người có công tác liên quan đến bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Kỳ 1: Cái khó của người mới

Học ở đâu?

Ở nhiều nước, để đáp ứng nhu cầu “học làm nghị sỹ”, người ta đã thành lập các cơ sở chuyên về tập huấn cho các nghị sỹ. Ví dụ, ở Canada có Trung tâm nghị viện, một tổ chức phi chính phủ phối hợp chặt chẽ với Nghị viện Canada và các nước khác trong hoạt động tập huấn nghị sỹ. Chương trình châu Phi của Trung tâm này đã dựa trên việc đánh giá nhu cầu và theo đề nghị của các nghị viện đối tác để tiến hành các chương trình song phương ở Ghana, Kenya, Ethiopia, Sudan, Haiti, Cambodia… nhằm nghiên cứu, tập huấn, xây dựng năng lực cho nghị viện các nước này.

Thượng viện Úc đã tổ chức khoá tập huấn cho các thượng nghị sỹ mới trúng cử. Viện Hoàng gia KPI của Thái Lan cũng là nơi tổ chức các khóa tập huấn cho nghị sỹ Thái. Nghị viện Phần Lan thiết kế các trò chơi lập pháp, qua đó các nghị sỹ vừa chơi vừa học được những quy tắc căn bản nhất trong hoạt động nghị trường.

Còn ở Việt Nam, trong những năm gần đây, việc bồi dưỡng ĐBQH đã được tập trung về một đầu mối. Các hoạt động bồi dưỡng sẽ trang bị cho đại biểu những kiến thức, kỹ năng cần thiết; góp phần hỗ trợ các đại biểu thông thạo hoạt động nghị trường, biết cách tác động có hiệu quả lên chính sách và pháp luật, là cơ sở để trở thành người đại biểu chuyên nghiệp.

Hơn nữa, hoạt động bồi dưỡng không chỉ góp phần tăng cường năng lực của cá nhân đại biểu, mà nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung, làm cho Quốc hội và HĐND trở nên chuyên nghiệp hơn.

{keywords}
Người dân gửi gắm rất nhiều nguyện vọng khi bầu người đại biểu đại diện cho mình. Ảnh minh họa: P.Trần/ VietnamNet

Quan trọng hơn, như nhiều đại biểu cho biết, họ tự tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi qua thực tiễn hoạt động ở nghị trường, qua đồng nghiệp, từ những người đi trước. Chẳng hạn như từ các bài viết, bài phỏng vấn, hội nghị, hội thảo, các ĐBQH mới có thể thu nhận được từ các cựu ĐBQH kinh nghiệm, kỹ năng, và nhất là ngọn lửa tâm huyết với nghiệp đại diện cho dân.

Chỉ cần quan sát, lắng nghe, ghi nhận, nghiền ngẫm những lần phát biểu, những hoạt động của các đồng nghiệp như vậy, nhiều bài học được đúc rút mà không trường lớp nào dạy được.

Đó là ông Lê Văn Cuông lúc nào cũng sang sảng thẳng thắn, bộc trực, dù ở hội nghị, hội thảo, hội trường. Đã về hưu, một hôm giữa trưa nắng, có bác nông dân lọc cọc đạp xe đến biếu ông Cuông đôi vịt, vì đại biểu đã làm nhiều việc cho dân. Cách đây mấy tuần, một đoàn khách du lịch từ Bắc Ninh vào tỉnh Thanh chơi cũng ghé thăm và tặng ông Cuông một bức tranh thêu thơ cùng với lý do như thế.

Đó là bà Phạm Phương Thảo, một phụ nữ nhỏ bé, nhẹ nhàng, giọng như phát thanh viên, kiên tâm theo đuổi, bảo vệ lợi ích của cử tri, với những cách làm mới, thu hút sự tham gia của người dân. Một nét nổi bật trong hoạt động đại biểu của bà là sự cởi mở với báo chí, những cuộc đối thoại hàng tháng với người dân, cả trực tiếp, cả trên truyền hình, phát thanh. Là một đại biểu được người dân biết đến nhiều, có lần bà đạp xe đi chợ, dừng đèn đỏ, một khách đi xe buýt nhận ra, chụp ảnh gửi báo Tuổi Trẻ.

Đó là ông Nguyễn Anh Sơn, người trong top 5 đại biểu phát biểu nhiều nhất trong nhiệm kỳ 13 với 67 lần phát biểu; dự tất cả các cuộc họp, phiên họp của Ủy ban, các phiên họp tổ. Ông có cuốn sổ tam tào, ghi chép hết diễn biến các phiên họp, ai phát biểu nhiều, hay, ai ít, không phát biểu. Phát biểu nhiều, nhưng quan trọng hơn, đó đều là những phát biểu nặng ký, nhất là về biển Đông được ông xác định là một trong những vấn đề đeo bám từ đầu. Ông Sơn kể, để được nói ở phiên toàn thể không dễ, vì người đăng ký đông, mà thời gian có hạn. Có hôm ông giữ nút bấm không rời tay, nhưng vẫn không chen được vào danh sách phát biểu.

Đó là ông Lê Quốc Dung, phân tích sắc sảo những trường hợp điển hình trong thảo luận về kinh tế - ngân sách, chỉ đích danh những lợi ích riêng tư nào ẩn đàng sau câu chữ của luật. Thường ngày điềm đạm, thế mà trên bục giảng tập huấn ông nói mạnh mẽ đến vậy, như rút ruột mình ra, rát rạt, làm người nghe giật mình thon thót.

Hoặc là ĐBQH Trương Văn Vở được các đồng nghiệp gọi đùa là "ông 6A", vì ông theo đuổi từ đầu đến cuối cho đến lúc thành công trong việc xử lý đối với xây các đập thủy điện trên sông Đồng Nai.

Bầu máu nóng đại biểu

Kể ra vài dòng như vậy về những người đi trước. Chuyện bây giờ là những người đi sau của khóa XIV thu nhận được gì từ những câu chuyện, vụ việc, trải nghiệm, bài học, và nhất là lửa nghề, lửa nghiệp dân biểu. Các cựu ĐBQH chia sẻ, máu nghị sỹ vẫn nóng chảy trong huyết mạch, mong muốn truyền cho các ĐBQH mới làm tốt công việc của mình, xứng đáng với cử tri.

Rằng, muốn thực sự làm đại biểu thì phải đánh đổi, chịu thiệt thòi; nhiều khi được lòng dân, mất lòng “quan”; chiều “quan” thì dễ thôi, nhưng được lòng dân thì khó lắm. Nhiều khi “Nợ công đã trả xong rồi/Nợ dân vẫn trả cả đời chưa xong”. Bước vào một nhiệm kỳ Quốc hội mới, mượn câu thơ của ông Lê Văn Cuông, “chúc tân đại biểu vì dân hết mình”.

Nguyễn Đức Lam - Thùy Vân