{keywords}
Quyền con người không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển đất nước.

Với chủ trương "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển”, Việt Nam đã tăng cường đối thoại, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác về quyền con người, trên các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ quan hệ song phương, khẳng định cam kết, quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm thực thi quyền con người.

Thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế

Theo Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã nộp và trình bày một số Báo cáo quốc gia về thực hiện các Công ước: Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (ICERD) giai đoạn 2000-2009; Quyền của Trẻ em (CRC) giai đoạn 2008-2011; Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)…

Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR). Về cơ bản, Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên.

Trong lộ trình thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã tiến hành rà soát các quy định của luật pháp quốc gia về các quyền dân sự, chính trị. Kết quả rà soát được tiến hành ở khoảng 80% các cơ quan Trung ương và địa phương cho thấy: các quyền dân sự, chính trị được nêu trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã được thể hiện xuyên suốt, thống nhất trong Hiến pháp và được thể hiện tại nhiều văn bản luật quan trọng.

Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo tiền đề cho việc đảm bảo và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật quốc gia về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Gần đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, các cơ chế này nhằm giám sát các trường hợp liên quan đến nhân quyền trên khắp thế giới, bao gồm cả sự phù hợp của các Chính phủ với các hiệp ước cốt lõi về nhân quyền. 

Việt Nam đã được chấp nhận bởi 93 trong tổng số 123 khuyến nghị được thực hiện bởi các nước khác về việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Việt Nam đã không ngừng cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người; ngoài ra còn có một số diễn biến tích cực gần đây như chủ động tham khảo ý kiến về dự thảo luật với các bên liên quan...

Việt Nam cũng đã tích cực đối thoại, hợp tác với các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền, thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập. Thời gian qua, Việt Nam đã đón một số báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (về các vấn đề người thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền...) đến tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương. 

Qua khảo sát thực tế, các báo cáo viên đặc biệt đều đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam thực hiện, đồng thời chỉ ra các thách thức Việt Nam cần giải quyết nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người.

Vũ Chinh