Nếu chỉ xét về mặt chấn hưng văn hóa thì làm sao có thể lấy một con vật biểu trưng cho sự phá hoại, lũ lụt, phải lên chùa đội bia để chuộc lấy tội lỗi và về mặt truyền thuyết chỉ là hư cấu để tôn vinh lên tầm quốc bảo?

LTS: Ngày 7/4, Tuần Việt Nam có bài viết "Từ cụ rùa Hồ Gươm tới ý thức yêu nước" của GS Vũ Đức Vượng. Mới đây, chúng tôi nhận được bài viết phản biện lại vấn đề với nhiều góc nhìn khác. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây. Và rất mong nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gần xa bàn về chủ đề này.

Đọc bài viết "Từ cụ Rùa Hồ Gươm đến ý thức yêu nước" (Tuần Việt Nam, 07/04) người viết có một số điểm không đồng tình với tác giả Vũ Đức Vượng. Nhất là khi tác giả cho rằng: "Trong kho tàng quí báu là các huyền thoại Việt, mà tổ tiên ta đã gìn giữ được qua mọi thăng trầm của lịch sử, con Rùa là con vật vừa linh thiêng, vừa nhiều phen đã giúp đỡ người Việt chúng ta", để làm "giá đỡ" tôn vinh Rùa Hồ Gươm lên làm bảo vật Quốc gia.

Nhìn nhận thế nào cho hợp lý?

Đầu tiên, tác giả Vũ Đức Vượng viết rằng: "An Dương Vương xây được thành Cổ Loa và bảo vệ được bờ cõi cũng nhờ Rùa thiêng mách kế và cho một móng thần để có thể bắn nhiều mũi tên cùng một lúc".

Nhưng việc Rùa thiêng giúp An Dương Vương xây thành, chế "nỏ thần" nên nhìn nhận như thế nào cho hợp lý?

"Sự tích thành Cổ Loa" cho rằng, do linh hồn của các nhạc công của vua trước (tức vua Hùng) và "gà trắng tinh" quấy nhiễu. Rõ ràng các sự việc trên là không có thật. Sự thật chỉ có thể là do những nguyên nhân thực tế hơn, đó là do người dân Văn Lang cũ bất phục tùng lẫn phá hoại trong việc phải phục dịch để xây dựng cung điện cho một bộ tộc khác.

Lịch sử ít nhắc đến sự phản kháng của người Văn Lang đối với nhà Thục. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của cá nhân người viết, chính sách cai trị của An Dương Vương khá "chuyên chế" và nhiều cuộc phản kháng đã diễn ra. Việc thành Cổ Loa "xây rồi lại sập" nhiều lần không phải là do nhà Thục không đủ kĩ thuật.

Thực tế là kĩ thuật xây thành của nhà Thục rất điêu luyện và công phu. Kiến trúc kiên cố của Loa Thành sau này với thành cao, hào sâu, rộng, nhiều ụ, lũy và hàng vạn mũi tên đồng tìm được là những minh chứng điển hình.

Trong "Sự tích thành Cổ Loa" An Dương Vương cho rằng thành Cổ Loa là một tòa thành có thể đứng vững muôn đời, sấm sét không lay chuyển, mưa bão không làm sạt được, và quân giặc cũng không thể phá nổ. Nhưng khi thành sập thì An Dương Vương đã mấy lần sai nhân dân đắp lại thành đổ chỉ trong vòng một vài ngày.

Dĩ nhiên, sự phu phen, lao dịch nặng nề khiến cho người dân Văn Lang, nhân lực chủ yếu trong xây thành vốn không quen với công việc này cảm thấy mình đang bị áp bức và họ nổi dậy đấu tranh. Về sự việc này, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết rằng: "An Dương Vương hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như thế ư?".

Bên cạnh đó, dù Thục Phán là "anh hùng đánh bại quân Tần" thì vẫn không thể xua tan tâm lý "bài ngoại" của cư dân Văn Lang vốn còn lưu giữ chế độ thị tộc rất sâu sắc. Bởi Thục Phán là thủ lĩnh ngoại tộc bị nhà Tần dồn đuổi mới chạy xuống vùng đất Văn Lang và đã cướp ngôi vua của Hùng Vương thứ mười tám.

Những cuộc chiến đã diễn ra giữa hai bên Hùng - Thục được miêu tả rất nóng bỏng và sinh mạng của người Văn Lang đã bị tàn hại rất nhiều. Làm sao mối hận xâm lược có thể nguôi ngoai trong lòng cư dân Văn Lang?

Đối với cư dân vừa thoát thai khỏi chế độ thị tộc và xuất hiện sự hình thành dân tộc, thì yếu tố ngoại lai thường gây ra sự khó chịu. Việc "bài ngoại" và "đào thải" của cư dân Văn Lang cũ dưới thời Thục Phán không phải là ngoại lệ. Thời Hai Bà Trưng, năm 40 - 43 sau Công nguyên, Hai Bà vẫn nhắc đến "nghiệp xưa họ Hùng" chứ không phải nghiệp xưa nhà Thục và tên nước cũng là Lĩnh Nam (tên nước cũ thời Lạc Long Quân, vị Hùng vương thứ hai). Điều đó chứng tỏ dấu ấn Thục Phán là rất ít ỏi trong lòng người Việt.

{keywords}

Cụ Rùa Hồ Gươm. Ảnh: VNE

Chính vì vậy nên mới có chuyện Thục Phán phải đăng đàn với trời đất để cầu thánh thần phù trợ. Việc nhà Thục tung tin rằng có Rùa thiêng đến giúp sức xây thành, cho lẫy làm "nỏ thần" chính là một thủ thuật gây "nhiễu" tâm lý của lao dịch người Văn Lang trước khi sử dụng bạo lực áp chế họ xây thành và cai trị họ.

Chúng ta có từng suy nghĩ là chiếc "nỏ thần" vào thuở ban đầu do tướng Cao Lỗ làm ra, chính là thứ vũ khí để áp chế dân chúng trước khi chống Triệu Đà không? Và việc hai cha con chủ quán và đám yêu tinh bị quân của An Dương Vương giết chết trong truyền thuyết có thể là nghĩa quân của người Văn Lang bất phục tùng vì lao dịch và sự cai trị của nhà Thục?

Chính vì nền tảng quyền lực như vậy nên Thục Phán mới "đa nghi" với nhân dân nhưng lại hòa hiếu với Triệu Đà để đến nỗi mất nước. Thậm chí đến con gái mình cũng xem là "giặc". Một sự bao biện đến kinh hoàng. Rõ ràng, Mỵ Châu rõ ràng không phải là giặc. Nhưng Rùa thiêng nổi lên từ biển lại bảo là giặc và An Dương Vương tin theo.

Điều đó có nghĩa mọi việc đều do An Dương Vương và hậu nhân sau này bày vẽ ra để bao biện cho sự thất bại, nhưng suốt hai ngàn năm chẳng ai chú ý đến chi tiết này. Bởi không có chuyện là thánh thần mà không biết rõ sự tình và không trừng trị An Dương Vương vì những gì nhân vật này đã gây ra. Ngược lại Mỵ Châu vừa mang tiếng là giặc vừa phải chịu cái chết thương tâm. Như thế là sự công bằng chăng?

Và liệu chúng ta có tôn vinh "cụ" Rùa thiêng này không khi "cụ" là "thánh thần" mà không biết đúng, sai, phải, trái?

Thứ hai, tác giả Vũ Đức Vượng viết tiếp: "Sang thế kỷ thứ 15, nhà Minh bên Trung Quốc lợi dụng lúc nước ta đang bối rối khi Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, lại tái chiếm đất Việt, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Từ đó mới có truyền thuyết Rùa thiêng trở lại giúp dân Việt và ngày nay hòn ngọc của Thủ đô Hà Nội được vinh dự mang tên sự tích này".

Việc Đức Long Quân "trao" kiếm Thuận Thiên cho Lê Lợi và sai Thần Kim Quy đòi lại kiếm, như tác giả Vũ Đức Vượng đã chỉ ra như trên, cũng có nhiều điều khiến chúng ta băn khoăn suy nghĩ không kém.

Vào thời gian nhà Minh chiếm đóng Đại Việt, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa để chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Buổi đầu thế lực còn non yếu nên trước thế mạnh và khả năng tổ chức tốt của quân đội nhà Minh, nghĩa quân của Lê Lợi nhiều lần thất bại. Do vậy, để tập hợp lực lượng và thu phục lòng dân, Lê Lợi buộc phải sử dụng đến sức mạnh thánh thần. Và sự thông minh của Lê Lợi là đã chọn Đức Long Quân làm "giá đỡ" cho tinh thần nghĩa quân đang rệu rã.

Cùng với sự "tự trị" của làng xã, sự chiến đấu bền bỉ và sự xuất hiện của các anh hùng cái thế, thì dòng máu Lạc Hồng cũng là một yếu tố tạo nên sức mạnh phản kháng như bão táp của dân tộc Việt Nam trước mọi sự xâm lược đến từ bên ngoài.

Đọc truyền thuyết Hồ Gươm ta càng thấy rõ về điều này. Việc thanh kiếm Thuận Thiên không đến thẳng với Lê Lợi mà được chia làm hai phần: Một lưỡi kiếm và một chuôi kiếm, rồi việc khi có thanh gươm thần, Lê Lợi đánh thắng liên tiếp quân Minh và việc "hoàn kiếm" cũng chứng tỏ sự tính toán đầy khôn ngoan của Lê Lợi trong việc tung các tin đồn để khích động sự quan tâm của xã hội vào vấn đề chung của đất nước.

Việc bộ hạ Lê Thận kéo lưới "vô tình" được lưỡi gươm, Lê Lợi chạy giặc "vô tình" được chuôi kiếm đã khiến người dân và nghĩa quân tin chắc chắn rằng quân Lam Sơn đang được thần linh phù trợ. Lịch sử có nhiều ví dụ tương tự để chứng minh. Như cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng ở Trung Quốc thời Đông Hán đã phát triển đến cả trăm vạn binh sĩ khi anh em họ Trương tung tin đồn "Trời xanh đã chết, trời vàng lên thay".

Hay như "bài thơ thần" Nam Quốc Sơn Hà tương truyền của Lý Thường Kiệt đã giúp nhà Lý đánh bại được quân xâm lược nhà Tống trong trận quyết chiến chiến lược.

Từ việc tung tinh đồn có Long Quân phù trợ, Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã cố gắng đánh ăn chắc một số trận. Từ đó sẽ tạo ra tâm lý "bách chiến bách thắng" của nghĩa quân Lam Sơn khi sở hữu Thuận Thiên Kiếm. Điều này rất có lợi cho việc chiến đấu và quy tụ lực lượng của nghĩa quân.

Sự thật về vai trò con rùa trong văn hóa Việt

Nói chung, đối với Lê Lợi thì việc sử dụng biểu tượng Đức Long Quân để nâng cao vị thế của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính là đã áp dụng thủ thuật "binh bất yếm trá". Nghĩa là dùng mọi thủ đoạn để khôi phục quốc gia dân tộc.

Việc "hoàn kiếm" cũng là một thủ thuật chính trị khôn khéo của Lê Lợi. Là người đứng đầu một quốc gia dân tộc nên Lê Lợi phải tính toán để kết thúc hợp lý truyền thuyết do mình tạo ra. Nghĩa là, việc Long Quân cho thần Kim Quy nổi lên ở hồ Tả Vọng để đòi lại kiếm trước thuyền Rồng của vua thực chất chỉ là sự "hợp lý hóa" truyền thuyết Thuận Thiên Kiếm do Lê Lợi tạo ra.

Sự có trước có sau, đầu đuôi đều khớp như thế không những không làm lộ "sự thật" về Thuận Thiên Kiếm mà còn tăng thêm tính thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và uy tín của vương triều họ Lê. Trong buổi đầu xây dựng chế độ, việc làm đó của Lê Thái Tổ đã tạo ra sự vững tin tuyệt đối của nhân dân vào vương triều. Điều này rất có lợi cho công cuộc ổn định và dựng xây lại đất nước.

Cuối cùng, qua tìm hiểu của người viết, thanh kiếm Thuận Thiên của Lê Lợi và thanh Excalibur của vua Arthur nước Anh có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Nó cùng tượng trưng cho quyền và tính hợp pháp của nhà vua tương lai, cùng được một sinh vật sống dưới nước trao tặng, cùng quay trở về nơi nó xuất phát sau khi đã giúp người được trao tặng hoàn thành mục đích của mình.

Như vậy, không chỉ Lê Lợi mà nhiều vị vua cũng rất "thích" một truyền thuyết có lợi cho mình như thế. Đó chính là mẫu số chung của các nhà lãnh đạo mong muốn có sự chuyên chế và phục tùng để ổn định dân tâm, dân tình cho một đất nước còn đang có nhiều sự nhiễu nhương, bất ổn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng nhận định: "Tôi đồng ý rùa Hồ Gươm mang giá trị đặc biệt về văn hóa, tâm linh, khoa học. Nhưng nếu đưa nó trở thành bảo vật quốc gia thì chắc là chưa cần thiết. Bởi yếu tố sau: Trong luật có ghi phải là hiện vật độc bản hoặc tiêu bản quý hiếm, không có tiêu bản thứ hai nhưng cụ rùa ở đây lại là một thực thể sống. Chúng ta không nên đánh đồng chuyện bảo vệ rùa Hồ Gươm trước sự xâm hại của những tác động xấu với việc đưa nó lên thành một bảo vật quốc gia. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau".

Bởi thế, nhận định: Nếu chúng ta nhìn đất nước ta dưới một lăng kính khác, nhân bản hơn, tự tin và ái quốc hơn, biết đâu "cụ Rùa", dưới một hình thức của thời nay, lại trở về giúp dân tộc Việt sáu thế kỷ sau lần cuối giúp vua Lê Lợi, như tác giả Vũ Đức Vượng đã chỉ ra để tôn vinh "cụ" Rùa Hồ Gươm lên hàng "bảo vật Quốc gia" là không đủ "sức nặng" để thuyết phục dư luận.

Và do đó, cũng thật không nên xem Cụ Rùa trong Hồ Hoàn Kiếm là một biểu tượng của dân tộc với khả năng giúp chúng ta giành lại phần nào lòng yêu văn Việt, yêu sử Việt, và từ đó yêu đất nước Việt trong bối cảnh xã hội đang có nhiều biểu hiện suy thoái nhiều mặt, từ giáo dục, kinh tế đến văn hóa, du lịch...

Bởi nếu chỉ xét về mặt chấn hưng văn hóa thì làm sao có thể lấy một con vật biểu trưng cho sự phá hoại, lũ lụt, phải lên chùa đội bia để chuộc lấy tội lỗi và về mặt truyền thuyết chỉ là hư cấu để tôn vinh lên tầm quốc bảo?

Toàn Nguyễn