Ngay từ khi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc trồng cây. Chính Bác là người đã phát động Tết trồng cây để toàn dân hàng năm vào mùa Xuân đều đi trồng cây. Nhưng mùa Xuân năm nay Thủ đô của cả nước đã làm một điều ngược lại.

LTS: Hà Nội đã quyết định tạm dừng kế hoạch chặt hạ 6.700 cây xanh trên các tuyến phố, để rút kinh nghiệm, rà soát, điều chỉnh, với phương châm "làm từng bước". Người dân đang quan tâm, liệu việc thay thế cây xanh ở thủ đô tới đây cần tiếp tục được làm ra sao để nhận được sự đồng thuận? Xin trân trọng giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Hoàng Ánh, một công dân thủ đô.

Hồi những năm 70, tôi được đọc một cuốn sách Khoa học viễn tưởng của Việt Nam, kể chuyện một bạn học sinh được theo các nhà du hành vũ trụ Liên Xô bay vào không gian. Từ trên tàu vũ trụ, các bạn kể lại được nhìn  thấy Thủ đô các nước, kiểu như Paris hoa lệ, London cổ kính, Moscow hoành tráng…

Khi nói đến Hà Nội, chắc khó tìm ra điểm riêng nào để ca ngợi nên tác giả đành mô tả là “Hà Nội xanh tươi”.

Vậy là tôi lớn lên trong niềm tin rằng Hà Nội xanh tươi thật, dù tuyến phố tôi ở hồi đó là Nguyễn Thái Học chả có mấy cây xanh. Mùa hè nóng nực, những hôm mất điện trẻ con chạy ra đường Trần Phú, Hoàng Diệu để hưởng chút bóng mát. Những trưa hè nắng như đổ lửa, đi học về ai nấy tranh nhau nép dưới tán lá bên đường. Ngay trên những con đường nhiều cây như Phan Đình Phùng, khoảng cách các cây cũng khá thưa.

Lớn hơn một chút, chúng tôi có trò mới là đi đếm các đôi đứng dưới gốc cây. Còn quá nhỏ, tôi không hiểu nỗi khổ của nam nữ thanh niên thời ấy không có chỗ tâm sự, phải nương nhờ tán lá tế nhị của cây cối ven đường.

Tôi từng ước ao phố nhà mình cũng có được hàng cây như vậy nhưng mẹ bảo: “Cây muốn lớn như vậy phải mất hàng chục năm”. Và tôi chỉ biết ước sao cây phố mình nhanh lớn nhưng thật khó quá vì không ai chăm sóc và nạn chặt trộm cây, bẻ cành chỉ vì nghịch dại hay ác tâm của một số người làm cây không kịp lớn.

Đến khi ra nước ngoài tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, “Hà Nội xanh tươi” chỉ là...  huyền thoại. Bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, thậm chí một quốc gia bé xíu như Singapore, mật độ cây trong thành phố cũng đều vượt xa Hà Nội. Hơn nữa công tác trồng cây, bảo vệ cây của họ cũng rất quy củ.

{keywords}
Hàng cây được thay mới. Ảnh:Phạm Hải

Nhà văn Tâm Phan có gia đình sống ở Australia kể lại: “Đúng hôm nay nhận được thư của hàng xóm ở Úc phàn nàn về cây gumtree trong vườn nhà mình vươn cành lá sang nhà họ. Lá rụng phủ hết cả lối đi và bàn ghế sân vườn nhà họ. Mỗi ngày họ phải dọn lá 2 lần để vệ sinh và lấy chỗ cho xe ra vào. Nhưng quản lý nhà mình bảo: “Không thể tự ý chặt cây hay bất kỳ một cành lá nào của cây vì đây là Australian native eucalyptus gum tree, cây thổ địa của Úc mà các bạn gấu Koala rất thích. Muốn làm gì cũng phải xin phép Hội đồng thành phố, kể cả cây trồng trong vườn nhà mình. Chi phí để cho người Hội đồng TP đến xem cây (thẩm định) là $70. Đây mới là xem thôi chứ họ quyết định thế nào, cho chặt bao nhiêu cành thì cũng chưa biết”.

Quyền của cây cối được tôn trọng vì theo các nhà chuyên môn về quy hoạch đô thị, cây xanh đô thị có rất nhiều tác dụng: cải thiện môi trường sống, giúp ích cho việc thoát nước, cân bằng sinh thái...

Cây xanh luôn được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh thành phố. Nó có vai trò to lớn trong việc hạn chế bớt những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, làm đẹp cho cảnh quan và cải thiện môi trường sống của con người.

Ngay từ khi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc trồng cây. Chính Bác là người đã phát động Tết trồng cây để toàn dân hàng năm vào mùa xuân đều đi trồng cây. Nhưng mùa xuân năm nay Thành phố Hà nội đã làm bất an dư luận về chuyện chặt/trồng cây.

Hàng ngày tôi đi làm trên phố Nguyễn Chí Thanh, con phố mới và từng được giải Con đường đẹp nhất Việt Nam. Cây ở đây có tuổi thọ dưới 10 năm nên mới bắt đầu cho bóng mát và là nguồn an ủi cho những người đi đường trên con phố thường xuyên đông nghẹt người này.

Nhưng một sáng vừa qua, khi ra đường tôi chứng kiến những cây hoàn toàn lành lặn đang tuổi lớn và bắt đầu cho bóng mát đã bị chặt rễ, cắt cành rồi cưa đổ ngổn ngang. Đọc báo mới biết lãnh đạo thành phố thay cây vì có quá nhiều cây hoa sữa, không phù hợp cho đô thị. Tôi là người đi lại hàng ngày trên phố này từ sáng đến 9h tối, chưa từng thấy có mùi hoa sữa.

Tham khảo bỏ túi với khoảng hơn 30 phụ nữ nước ngoài làm việc ở các cơ quan ngoại giao ở Hà Nội, họ nói chưa từng nghe ở quốc gia nào trên thế giới có chuyện “thay cây” vì chỉ có thay đồ dùng chứ sao thay được sinh vật sống? Ở nước họ, mọi cây cối đô thị đều được đánh số và quản lý, không ai được tuỳ tiện cắt cành chứ đừng nói đến chặt cây.

Hà Nội vốn mang danh “Hà Nội không vội được đâu”, vì sao lại trở nên quá khẩn trương như vậy?  Và như tôi đi khảo sát, vì sao không một người dân nào dọc con đường này được thông báo hay hỏi ý kiến trước? Có quá nhiều điều không được rõ ràng trong chủ trương này.

Và phải sau hơn một tuần "ra tay" rầm rộ, do có quá nhiều luồng dư luận phản ứng trái chiều, thì lãnh đạo thành phố mới tiến hành họp với cơ quan chức năng, để đi đến phương án tạm dừng,  rà soát, xem xét lại việc chặt hạ cây.

Giữa thời bình, tôi đứng một mình trên vỉa hè và khóc, khóc cho những cây xanh vô tội. Liệu sau đợt rà soát này, Hà Nội rút ra được kinh nghiệm gì, và bao nhiêu cây được thay đúng quy hoạch, thuận lòng dân, thay vì ồ ạt chặt hạ như tuần qua.

Nguyễn Hoàng Ánh