"Chúng ta quên mất rằng, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, tốc độ là thuộc tính cơ bản của phát triển" - PGS-TS Trần Đình Thiên.

LTS - Đã 22 năm trôi qua, kể từ khi Cương lĩnh chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 7 (1991) xác định Việt Nam sẽ phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Vì là khái niệm mới, và mang tính dò đường, nó gây ra khá nhiều tranh cãi trong giới học giả, chuyên gia kinh tế, và nhất là giới đầu tư, đặc biệt là giới đầu tư nước ngoài.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về những cảm nhận của ông sau 22 năm áp dụng khái niệm này.

Nhà nước phương Đông với những thay đổi

Theo ông, tại sao hầu như mọi sự thay đổi, hay đổi mới, của Việt Nam đều phải gắn với sự thay đổi từ bên trên, tức là nhà nước?

Theo tôi, có sự hỗ trợ về mặt nhà nước là quan trọng lắm. Cấu trúc lợi ích của hiện tồn tại gắn với bộ máy, nên sự ủng hộ của nhà nước là đúng thôi. Bởi ở phương Tây cách mạng phá vỡ hạ tầng xong thì đẩy tiếp lên thượng tầng, nhưng ở phương Đông chậm hơn rất nhiều.

Như ở Việt Nam chẳng hạn, tuy cùng mục tiêu, nhưng quá trình để bắt kịp nước đi trước nó dài hơn, và vì vậy đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn. Chính vì vậy vai trò nhà nước cực kỳ quan trọng. Nếu nhà nước còn đóng vai trò "bà đỡ" nữa thì tuyệt vời.

Chính vì vậy, tại sao trong xã hội phương Đông lại có Lý Quang Diệu, Pak Chung-hee, hay Đặng Tiểu Bình? Bởi vì, vai trò của các nhà nước theo thể chế toàn trị nó giúp cho quá trình giải thể cái thiết chế kiểu cũ nhanh hơn rất nhiều.

Nói tóm lại, trong những xã hội đó, sự ủng hộ của nhà nước được coi là một sức mạnh, một động lực, một người tổ chức, hay người dẫn dắt.

Đổi mới ở Việt Nam cũng như vậy. Đó có thể không phải phát minh của nhà nước, nhưng khi nhà nước can dự vào, và ủng hộ, đổi mới diễn biến khác hẳn.

Như vậy, ý ông nói là vai trò của thể chế toàn trị, tất nhiên phải với tầm nhìn và mục đích phù hợp ở một giai đoạn nhất định, sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi xã hội được nhanh hơn. Hay nói cách khác, thể chế toàn trị có vai trò quan trọng trong câu chuyện chuyển đổi từ cái cũ, cái lạc hậu, sang cái mới, cái tiến bộ, với thời gian nhanh nhất? Tất nhiên, cái giá về mặt xã hội và dân sinh cũng vì thế mà lớn hơn nhiều.

Tôi nghĩ vậy, ở cả hai nghĩa. Thế nhưng, khi xã hội mới đã phát triển bình thường, hoặc có đà phát triển tốt, thì thể chế dân chủ nhất thiết phải thay thế.

Ở Hàn Quốc điều đó đã rõ ràng, còn ở Trung Quốc, hay thậm chí Singapore, người ta cũng thấy được sự hạn chế của thể chế cũ trong sự thiếu tương thích với trình độ phát triển hiện nay.

Kiểu đó người ta gọi là toàn trị ủng hộ dân chủ, mở đường cho dân chủ, hay, thậm chí, tổ chức dân chủ.

{keywords}
PGS-TS Trần Đình Thiên

Kiểu như Pi-e Đại Đế khi muốn cải cách một nước Nga nông nô, trì trệ lạc hậu, đã phải buộc đám quý tộc cắt râu, cắt vạt áo đuôi tôm đi, đúng không ông?

Đúng vậy. Như Trung Quốc chẳng hạn, nếu không có Đặng Tiểu Bình mạnh tay dọn dẹp đi thì làm sao có được Trung Quốc như ngày nay.

Tất nhiên trong cuộc dọn dẹp mang tính cưỡng bức này, có thể có nhiều cái sai lắm. Nhưng tổng thể, về phương pháp luận, để xử lý vấn đề phát triển là rất đáng nghiên cứu kỹ, để có những kết luận tích cực.

Sự ra đời của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN

Ông giải thích thế nào về hơn 25 năm đổi mới ở Việt Nam? Lúc đầu, mọi chuyện rất ổn, nhưng dường như sau đó có sự chựng lại, thậm chí bị níu kéo lại. Có phải là do thị trường phát triển nhanh quá, và khiến cái nhà nước đang dẫn dắt đổi mới thấy lo ngại vì không đủ khả năng hiểu và kiểm soát nó nữa, chưa nói tới dẫn dắt?

Trên bình diện triết học hoàn toàn có thể giải thích được. Khi xảy ra khủng hoảng, nhà nước đã có vai trò trong cuộc đổi mới để vượt qua khủng hoảng. Nhưng khi đổi mới nó vượt quá cái cấu trúc của nhà nước ấy, tức là nhà nước đó không theo kịp, và phải níu kéo đổi mới lại, và xảy ra xung đột.

Triết học là như vậy, khi xảy ra khủng hoảng nhà nước phải ủng hộ đổi mới để nó xử lý khủng hoảng giúp cho nhà nước, chính vì lợi ích của nhà nước, để nhà nước tồn tại được. Thế nhưng khi đổi mới đã vượt quá cấu trúc của nhà nước, mà nhà nước theo cấu trúc đó vẫn muốn tồn tại, vì vậy đổi mới đã bị níu lại cho tương thích với trình độ quản lý của nhà nước.

Điều người ta mong đợi là nhà nước tiếp tục tự thay đổi để tương thích với chiều hướng đổi mới. Nguyên lý chung là như vậy.

Còn ở Việt Nam, chúng ta chấp nhận thị trường để nó giúp chúng ta xử lý cái bất cập của phát triển, tức là có nguồn lực mà không làm sao phát triển được, do bị trói chặt hết. Khi được cởi trói một cái là các nguồn lực được phát huy, và thấy rõ ngay kết quả.

Tuy nhiên, sở dĩ đổi mới bị chựng lại là do chúng ta không giải quyết được căn bản mối quan hệ của hai khái niệm thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trước năm 1991, khi cương lĩnh mới ra đời, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước. Khi khái niệm "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN" xuất hiện, thì vấn đề "xung đột" của hai khái niệm, của hai cấu trúc phát triển thị trường và "định hướng XHCN" - với tư cách là một định đề của lý luận mác xít hay CNXH hiện thực - được đặt ra và đòi hỏi phải được giải quyết một cách triệt để. Tức là giải quyết bằng lý luận, chứ không thể chỉ bằng cách nói "đấy là một cách tiếp cận mới, là sáng tạo, là chưa từng có...", như một lối thoát.

Lý do vì sao lại có sự "ghép duyên" này?

Lúc đó chúng ta dùng cái khái niệm chủ nghĩa xã hội đã hoàn hảo, theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, tức là đã vượt qua chủ nghĩa tư bản phát triển đến đỉnh cao, để đối lập với cái thị trường, tất nhiên theo hướng phủ định nó. Từ đó, tạo ra sự đối lập.

Nhưng chúng ta chưa hiểu rằng, chúng ta chưa qua mức đó tí nào, thậm chí còn ở mức phát triển thấp hơn rất nhiều. Kinh tế thị trường, như một khái niệm phát triển, đã giải quyết hộ vấn đề phát triển. Tức là loài người ở giai đoạn đó, nếu không có kinh tế thị trường, thì không thể phát triển được.

Chúng ta đã học Marx, nhưng đã hiểu theo cách rất giáo điều. Đúng theo logic phát triển tất yếu của loài người, theo phát hiện của Marx, đã qua kinh tế nông dân gia trưởng thì tiếp tục phải qua kinh tế thị trường. Không thể khác được.

Và từ năm 1991, chúng ta trở lại đúng với cái logic phát triển là phải qua kinh tế thị trường. Thế còn định hướng XHCN là hàm ý chính trị, bởi nó đã ăn sâu vào niềm tin của chính thể, của dân tộc, và hoàn toàn phù hợp với tiến trình lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ở đây chúng ta nên hiểu định hướng XHCN như là một lý tưởng, tức là nó là một khái niệm động, chứ không phải tĩnh nữa. Đó là định hướng để xã hội chúng ta đi đến chỗ đó.

Cái hạn chế, cái lúng túng, của chúng ta là không thiết kế được cái qui trình thực hiện để đạt được cái định hướng, cái đích đó. Lẽ ra chúng ta phải tập trung phát triển thị trường, bởi đây là con đường thành công chung của cả loài người, và đã được chứng thực rộng rãi, trên toàn thế giới, thì chúng ta lại quá thiên về định hướng một cách mơ hồ.

Kết quả là cái thị trường mà chúng ta tưởng như làm được lại không dễ dàng như hình dung ban đầu của chúng ta. Để rồi khái niệm định hướng XHCN có nguy cơ trở lại thành một khái niệm "tĩnh", theo phép biện chứng. Tức là dùng những công cụ, thiết chế của giai đoạn phát triển cao để áp đặt cho cái giai đoạn phát triển mới sơ khai, thì làm sao thị trường phát triển được?

Tức là dùng hình ảnh là lúc cơ thể một đứa trẻ 13-14 tuổi, đang ở giai đoạn "nhổ giò", mà cứ bắt tập tạ thật nặng, thì làm sao mà cao được đúng không ạ?

Đại loại là vậy.

Những tranh luận từ Đại hội Đảng XI

Chính vì vậy, Đại hội Đảng XI có cái hay là không dùng khái niệm cứng là "sở hữu toàn dân". Hay người ta bắt đầu bàn lại về kinh tế chủ đạo. Hoặc người ta nói là quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Tôi không biết là quan hệ sản xuất ấy nó được xác định như thế nào, nhưng, dứt khoát, nó phải phù hợp với sự đi lên của lực lượng sản xuất, và, vì vậy, quanm hệ sản xuất không còn là khái niệm "tĩnh" nữa. Tức là mỗi giai đoạn phát triển quan hệ sản xuất đó phải được cụ thể hoá cho phù hợp.

Tuy mọi người vẫn chưa được làm rõ, nhưng rõ ràng tinh thần biện chứng đã quay trở lại. Và những khái niệm "cứng" và "tĩnh" đã được thay thế bằng những khái niệm mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Chỉ hơi tiếc một điều là lẽ ra tinh thần biện chứng phải được thấm đẫm trong suốt quá trình hoạch định chiến lược phát triển, chứ không phải cứ mươi mười lăm năm, sau khi phải trả giá rất đắt, chúng ta mới nhớ ra rằng đã có bài học như vậy. Bởi chi phí nguồn lực, và nhất là thời gian, đã mất quá nhiều, còn thế giới thì cứ tiến lên.

Chúng ta quên mất rằng, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, tốc độ là thuộc tính cơ bản của phát triển.

Vậy, xin ông giải thích ngắn gọn khái niệm "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN".

Thị trường là cơ chế vận hành, là hệ thống phát triển để đạt tới cái đích, cái mục tiêu là CNXH. Cái hệ thống đó càng hiệu quả, năng động, thì càng nhanh chóng đạt được cái định hướng kia một cách đầy đủ. Đi theo con đường phát triển chung của loài người là chuyện bình thường, chúng ta không nên đặt ra một con đường, và mục tiêu quá khác biệt, với phần còn lại của loài người.

Chúng ta phải hình dung rằng quá trình phát triển của xã hội loài người là đều hướng tới cái tốt hơn, ở trình độ cao hơn. Trong quá trình đó, luôn luôn gặp phải cái zích zắc là phương thức sản xuất, hay zích zắc về mặt đạo đức, nhưng cái trục là đều hướng tới cái tốt.

Tức là chúng ta phải khẳng định rằng kinh tế thị trường là một sản phẩm của tiến bộ của loài người.

(Còn tiếp)

Huỳnh Phan