Trong thực tế, về mặt bảo vệ môi trường, Hà Nội, hay các đô thị lớn rất cần thiết phải có hệ thống và biện pháp đồng bộ chống tích nhiệt và tích cực giải nhiệt- mà sinh thái, thân thiện nhất vẫn phải bằng hệ thực vật.

Nghe Hà Nội đau bởi cơn giông gió bất ngờ, tôi nhớ và xót lắm. Ở đó tôi có những người thầy đáng kính, có nhiều anh chị em, bè bạn thân thương suốt quãng đời dài. Hình ảnh Hà Nội trong tôi có cả Ba Vì xanh thẫm, cả Hà Tây nhấp nhô, với cả vùng đồng nghiêng đất hẹp…

Nhớ năm đầu thế kỷ này, cùng đi thăm Côn Sơn- Kiếp Bạc với các bạn, có Nguyễn Quốc Tuấn, anh Ngô Thế Phong, thầy Trần Quốc Vượng... Về gần tới Hà Nội trời bỗng nổi cơn giông. Người người nói sắp mưa to, thầy Vượng bảo không mưa đâu. Tới sân Bảo tàng Quốc gia, mấy thầy trò nấp bóng đa nghỉ ngơi và gọi bia giải khát, thầy Vượng ôn tồn giải thích: "Nóng bức thì khí dương thăng cao, lúc ấy ông giời kéo gió lạnh vào bù lấp, phong là thế. Ngày nay chưa nóng đến độ nên chỉ làm cơn, vần vũ thế đấy nhưng chỉ gió bụi chứ không mưa được".

Chỉ suy nghiệm từ nguyên lý ấy, tôi thấy rằng Thủ đô ta bấy lâu nay đang vận hành theo quy trình tích nhiệt: Nào là xe cộ, máy móc, con người tụ về đông đúc, tự sinh nhiệt đã đành, các công trình xây dựng, cầu đường, nhà cửa thực chất là đúc khối silicat từ sỏi cát, đất đá với xi măng sắt thép, đều là những thứ vật liệu thu nhiệt, tích nhiệt, ắt đã khiến phông nhiệt chung nóng lên rất nhiều.

Từ đó đến nay, là hành trình phát triển của cả một đô thị lớn. Biết bao nhiêu con lộ từ đường thôn xã đến các cao tốc, cầu vượt không được che mát kịp thời, các mái nhà xưởng của các khu công nghiệp ngoại vi.

{keywords}

Cây xanh mới trồng bị bật gốc trên phố Lê Duẩn. Ảnh: Phạm Hải

Nhìn các nước quanh ta, họ trồng cả vườn cây lớn trên cao, như những vườn treo là có ý nghĩa giải nhiệt và chống tích nhiệt. Còn các cây cầu mới ở Sài Gòn, như cầu Thị Nghè đều có hành lang cây xanh và dây leo, đó cũng là một cách giảm nhẹ việc tích nhiệt vào thân cầu.

Trong lúc đó, do yêu cầu của thiết kế dự án, việc cắt đi hàng ngàn cây cao bóng cả ở một số công trình xây dựng cầu đường gần đây cho thấy, diện tích được che mát, giải nhiệt trên mặt đất bị mất đi khá lớn. Hay việc thay thế gạch thoát nước giải nhiệt quanh Hồ Gươm bằng đá lát cũng sẽ gây tích nhiệt. Như vậy, trong thực tế, về mặt bảo vệ môi trường, Hà Nội, hay các đô thị lớn rất cần thiết phải có hệ thống và biện pháp đồng bộ chống tích nhiệt và tích cực giải nhiệt- mà sinh thái, thân thiện nhất vẫn phải bằng hệ thực vật.

Hơn nữa, Hà Nội có vốn tên là Long Đỗ- Rốn Rồng, nói thế e khó thấy cái lợi và hại của việc xây dựng vượt quá sức chịu của cảnh quan và môi trường tự nhiên. Nói đến Rốn thì quả là toàn vùng đô thị này như ở trong một lòng chảo. Với sự phát sinh và tích lũy tự nhiệt như đã nêu trên, hiện tượng một bầu khí đầy khói nóng phủ lên không gian Thủ đô như cái vòm kính, lại sinh ra hiệu ứng khí nhà kính, tích nhiệt mà không thoát được.

Thực ra Thủ đô hay các đô thị đông dân ở nhiều quốc gia khác đều có chung những vấn đề này, về môi trường, cây xanh, về hiệu ứng nhà kính… Chỉ có điều khác nhau là chọn lựa giải pháp, nhưng thực tế ở nhiều đô thị trên thế giới, đến nay cho thấy, chưa giải pháp nào tích cực, rẻ và bền hơn thảm cây xanh vì nó có khả năng hấp thụ khí nhà kính.

Một khi có một khối nhiệt tích lũy suốt trong những ngày nắng nóng vừa qua, vòm kính giãn nở đến một giới hạn là… có chuyện. Lúc này khối khí nóng dâng lên cao, khí lạnh ắt phải tràn tới từ mọi hướng. Sự đối ngẫu của dòng khí lưu sẽ tạo lốc xoáy dữ dội và tai họa chắc chắn xảy ra.

Thực trạng xây dựng và kiến trúc của Hà Nội có nhiều vấn nạn, nhưng tác hại lớn nhất vẫn là mật độ công trình rất cao, khoảng lưu không quá thấp khiến dòng khí lưu có cơ hội tăng tốc ngay từ tầng không hàng trăm mét (do dòng chảy vồng lên khi gặp các cao ốc) rồi đảo xuống va vào dòng chảy len khe, tạo đám rối với tốc độ lớn hủy hoại mạnh.

Hơn nữa, cơn giông lịch sử vừa rồi còn có mưa. Mưa ngắn nhưng vừa đủ ướt đất và nhổ bật cây cối, trụ đèn. Rõ ràng việc trồng cây rất không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, như việc đúc trụ điện vậy. Và chủng loại cây, cách điều tiết cây,… còn lắm vấn đề. (Về cây xanh chúng tôi sẽ có bài viết cụ thể sau).

Tóm lại, thiên tai giông bão, tố lốc tuy vẫn xảy ra, nhưng vùng bị giông lốc dữ dội nhất vẫn là sa mạc hay những vùng lân cận. Sự kiện đó cũng đã từng xảy ra nhiều nơi do việc tàn phá rừng và sa mạc hóa. Ví dụ như Sahara hay vùng Trung tây nước Mỹ. Thủ đô Hà Nội mà tích lũy silicat tiếp tục rồi không chăm sóc tốt thảm cây xanh thì sẽ chẳng khác gì việc tự sát trên chính ngôi nhà của mình.

Các nhà quản lý XH cũng chớ nên phân bua rằng cơn giông lịch sử 13/06 chỉ là thiên tai chứ không phải nhân họa.

Đoàn Nam Sinh (Giảng viên Công nghệ sinh học ĐH Nông Lâm TP. HCM, Chuyên ngành Sinh học Thực vật)