Sau khi các cầu vượt nhẹ phát huy hết tác dụng, nhu cầu đi lại tiếp tục gia tăng, đặc biệt là việc người dân chuyển từ xe máy sang ô tô ngày càng nhiều. 

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS.Trần Hữu Minh, chuyên gia trong lĩnh vực GTVT, phân tích cụ thể và đưa ra những giải pháp cho vấn đề ùn tắc giao thông tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TPHCM.

Thời gian gần đây, báo chí thường xuyên phản ánh những cảnh tượng như “Hà Nội ùn tắc kinh hoàng, người dân chôn chân trong mưa rét, kẹt cứng giữa xe cộ”, hay “Hàng triệu xe chôn chân từ chiều đến tối dưới mưa ở trung tâm Sài Gòn, giao thông rối loạn”. Ùn tắc đang là thách thức rất lớn cho Hà Nội và TP HCM.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, chẳng hạn gần đây là đề xuất của người đứng đầu chính quyền Thủ đô về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Tuy nhiên, nếu xác định một nút thắt để tháo gỡ, thì việc phát triển phương tiện công cộng là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu.

Không gian công cộng hẹp, quá tải là tất yếu

Đánh giá khách quan, ùn tắc giao thông sau nhiều năm giảm, thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng trở lại. Sau khi các cầu vượt nhẹ phát huy hết tác dụng, nhu cầu đi lại tiếp tục gia tăng, đặc biệt là việc người dân chuyển từ xe máy sang ô tô ngày càng nhiều.

Giải pháp chống ùn tắc khái quát chung chỉ có ba hướng chính: tăng không gian hạ tầng, giảm phương tiện vận tải và tối ưu hóa tổ chức quản lý hạ tầng - phương tiện - con người.

Tại các đô thị Bắc Mỹ, diện tích quỹ đất cho đường phố, vỉa hè và đỗ xe chiếm từ 35-40% (Toronto, Phoenix), thậm chí lên tới 45% (Chicago, Boston, Washington DC... ) diện tích đô thị, tại các đô thị Châu Âu và một số đô thị hiện đại của Châu Á, tỷ lệ này khoảng 20-25% (Tokyo, Vienna, Paris, Barcelona..), trong khi các đô thị này có hệ thống vận tải công cộng rất tốt mà vẫn có ách tắc giao thông.

Tại Hà Nội và TP HCM, quy hoạch sử dụng đất hiện nay còn nhiều điểm bất cập, trong đó mật độ xây dựng cao nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông, bãi đỗ xe, không gian đi bộ và giao thông phi cơ giới thấp. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông.

{keywords}

Cảnh ùn tắc thường xuyên ở Hà Nội. Ảnh: Minh Trí

Hiện nay diện tích đất đô thị của Hà Nội, TP HCM còn nhỏ so với quy mô dân số, mật độ dân số còn rất cao. Tại Hà Nội, tỷ lệ quỹ đất cho giao thông chỉ khoảng 7-8% diện tích đất đô thị (TP HCM tương tự), trong khi tỷ lệ phương tiện cơ giới hóa chưa tính vãng lai đã ở mức xấp xỉ 750 xe/1.000 dân (trong đó có khoảng 75 xe ô tô/1.000 dân + 675 xe máy/1.000 dân), vận tải công cộng mới chỉ có xe buýt với thị phần còn hạn chế, nên ách tắc, quá tải là điều tất yếu.

Đánh giá lại quy hoạch

Tại Hà Nội và TP HCM nhiều khu vực được quy hoạch nhưng không hỗ trợ vận tải công cộng, khi mà đường phố chỉ có thể đi bằng xe máy và không có không gian cho người đi bộ. Việc thực hiện này chưa đúng quy hoạch, góp phần dẫn tới mật độ xây dựng cao, quỹ đất giao thông thấp.

Do vậy, trước hết cần đánh giá chi tiết xem quy hoạch hiện nay có tính khả thi, hợp lý để triển khai không. Trong vòng 6 thập kỷ gần đây Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch tới 7 lần và việc này có vẻ chưa dừng lại.

Các phân tích về quỹ đất ở trên cho thấy quy hoạch hiện nay cần điều chỉnh. Trong đó cần có lộ trình cụ thể để nhanh chóng mở rộng diện tích đất đô thị của Hà Nội và TP HCM, kết nối giao thông và vận tải hành khách công cộng (sau đây gọi tắt là phương tiện công cộng) một cách thuận lợi giữa các khu vực chính, đặc biệt cần bảo đảm tỷ lệ đường phố và bãi đỗ xe khoảng 25-30% diện tích đô thị.

Với những khu vực mới, cần giảm tỷ lệ xây dựng và tăng diện tích dành cho giao thông/đỗ xe cao hơn nữa để bù lại cho các khu vực có diện tích đất dành cho giao thông thấp hơn trước đây; tiếp tục xây dựng mạng lưới đường giao thông hợp lý hơn, nâng cao mật độ đường giao thông với kết cấu hợp lý, trong đó bảo đảm khả năng tiếp cận tốt đến các dịch vụ phương tiện công cộng.

(Còn tiếp)

TS.Trần Hữu Minh

Sáng 29/12, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ trực tuyến với các địa phương, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phản hồi một số kiến nghị của các địa phương liên quan đến lĩnh vực GTVT. Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ đã xây dựng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở các TP lớn. Theo đó, “Đề án đã xây dựng tập trung đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, từng khu vực, từng giờ cao điểm, thấp điểm. Hà Nội và TP HCM cần xây dựng đề án để trình HĐND. Thời điểm hạn chế phương tiện cá nhân sẽ từ năm 2020”.