Quyết định tham gia hay vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN năm 2017 của ông Trump sẽ ảnh hưởng lớn đến kiến trúc an ninh của khu vực.

Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn đang là “dấu chấm hỏi” rất lớn đối với tương lai nước Mỹ, và rộng hơn là sự ổn định toàn cầu thông qua một trật tự thế giới mới. Các chỉ dấu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - “nước Mỹ trước tiên” - với hai cam kết trọng tâm: yêu cầu đồng minh gia tăng trách nhiệm và bài trừ thương mại tự do - giúp chúng ta phần nào hình dung ra khả năng thiết lập kiến trúc an ninh mới tại châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng. 

Kiến trúc an ninh “Trục và Nan hoa 2.0” thời Obama

“Xoay trục” hay “Tái cân bằng” được xem là chính sách trọng tâm của Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.  Thành quả phải kể đến của sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á, sau tổng cộng 11 chuyến công du châu Á và gặp mặt các lãnh đạo ASEAN của ông Obama, nằm ở lĩnh vực an ninh.

Không chỉ ở góc độ tổng thể, Tổng thống Obama còn chăm chút đến quan hệ song phương với từng quốc gia trong khối ASEAN. Các hoạt động hợp tác tập trận và tuần tra tại Biển Đông với nhiều nước ASEAN ngày càng nhộn nhịp trong nhiệm kỳ 2 của ông. Đó là chưa kể đến các chuyến thăm chính thức đến 9 trong 10 thành viên ASEAN, với những di sản an ninh quốc phòng ấn tượng.

Những tuyên bố “thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ” đầy tranh cãi của Tổng thống Philippines Duterte đến lúc này vẫn chưa thay đổi kiến trúc an ninh tại khu vực theo mô hình “Trục và Nan hoa” (Hub-and-spoke) phiên bản 2.0, với trọng tâm là mối quan hệ trực tiếp giữa Mỹ với các đồng minh; đồng thời là sự xuất hiện các mối quan hệ qua lại giữa các đồng minh, các đối tác an ninh quốc phòng của Mỹ với nhau như các nước ASEAN, Nhật Bản, Úc, hay gần hơn là Ấn Độ.

{keywords}

Lính Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan năm 2015 - Ảnh: Reuters/ Thanh niên

Kiến trúc an ninh mới “không có Chú Sam”?

Nếu tiếp tục theo đuổi cam kết “nước Mỹ trước tiên” một cách cực đoan và xem nhẹ vai trò của các đồng minh và đối tác an ninh, kiến trúc an ninh khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung thời Obama có khả năng sẽ bị vỡ vụn.  

Việc theo đuổi chính sách gia tăng đầu tư hạ tầng, cắt giảm thuế cho người giàu dự báo sẽ làm ngân sách Mỹ bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, vô tình gây ra gánh nặng cho các hoạt động chi tiêu quốc phòng (dù ông Trump có muốn tăng chi tiêu quân sự). Việc thiếu kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao, quân sự của ông Trump sẽ tạo ra những thách thức trong việc phân bổ lực lượng tại khu vực, tạo ra những rủi ro lãng phí và hiệu suất thấp.

Bên cạnh đó, việc chỉ trích các nước đồng minh hưởng lợi trên sức mạnh của Mỹ và thách thức họ bằng yêu cầu “chia sẻ trách nhiệm công bằng” như một cú sốc với hình ảnh lẫn uy tín lãnh đạo của Washington. Việc thúc đẩy một hệ thống kinh tế thế giới theo hướng bảo hộ, mà điển hình là bãi bỏ Hiệp định TPP, có thể sẽ đẩy các đồng minh như Nhật Bản, Philippines lẫn các đối tác khu vực xích lại gần Trung Quốc nhiều hơn.

Hệ quả là, việc kiềm chế Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt ở Biển Đông, càng khó khăn. Nhất là khi lãnh đạo Bắc Kinh luôn duy trì đường lối đối ngoại cứng rắn, đầy tham vọng thay đổi trật tự (do Mỹ đứng đầu) tại khu vực và trên thế giới.

Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump thời gian tới đây sẽ phải đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng với cục diện an ninh tại Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung. Đó là ông Trump có tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào năm tới tại Manila hay không.

Nhà nghiên cứu Kavi Chongkittavorn, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, nhận định trên East Asia Forum rằng, nếu ông Trump quyết định đến Philippines vào tháng 11 năm sau, đó sẽ là dấu hiệu khẳng định Mỹ vẫn trân trọng mối quan hệ đồng minh với Manila. Tất nhiên, đó cũng là chỉ dấu quan trọng cho quan hệ an ninh với khối ASEAN nói chung, đòi hỏi ông Trump phải tính toán đến các đối sách liên quan vấn đề an ninh và tự do hàng hải – một ngọn cờ chủ lực cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Còn nếu ngược lại, ông Trump sẽ bỏ qua chuyến đi này để tập trung vào các vấn đề đối nội, quan hệ Mỹ-ASEAN sẽ rơi vào trạng thái lung lay khi các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc, thừa cơ hội chen chân khỏa lấp các khoảng trống ảnh hưởng tại khu vực. Quan trọng nhất là ông Trump sẽ bỏ qua cơ hội gặp mặt các lãnh đạo cao cấp sẽ tham dự EAS.

Đã có những ý kiến quan ngại nếu người Mỹ vắng mặt thì một số quốc gia đang xây tham vọng sẽ nhanh chóng chớp cơ hội hòng tạo ảnh hưởng thiết lập các chương trình có lợi cho họ, nhất là các vấn đề thiết lập nên một kiến trúc an ninh mới tại các khu vực vắng bóng người Mỹ trong nhiều thập niên qua.

...

Darrell West, giám đốc Chương trình Quản trị Viện Brookings, chuyên gia về biến động chính trị, trong bài viết gần đây có đưa ra các kịch bản khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Đáng chú ý là khả năng ông Trump sẽ theo đuổi chính quyền cộng hòa truyền thống với sự tham gia của một đội ngũ giàu kinh nghiệm như Tướng James Mattis, vị chỉ huy tài ba của thủy quân lục chiến Mỹ - ứng cử viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời ông Trump. Ngoài ra, khi chính thức nhậm chức tổng thống, ông Trump sẽ có nhiều không gian hơn để thực hiện các chính sách của mình (mà không chịu áp lực lá phiếu như giai đoạn ứng cử).

Còn theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore, viết trên trang Project Syndicate, Tổng thống Trump sẽ được cố vấn kỹ lưỡng nên có thể nhận ra việc duy trì tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (từ thời ông Obama – NV), sẽ phù hợp với lợi ích của Mỹ hơn là việc đưa ra các các phương án thay thế khác. Hoặc nếu không, chí ít ông Trump cũng có thể chống lại khả năng Trung Quốc giành được vị thế chiến lược dẫn đầu tại khu vực.

Đỗ Thiện

Nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM


Save