Hòn đảo chết Hashima là lời cảnh báo về vai trò quan trọng của tầm nhìn xa.

Sau Thế chiến II

Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã dùng than từ Hashima như một công cụ phục hồi kinh tế. Thêm vào đó, chiến tranh Liên Triều (1950-1953) đã giúp đưa các mỏ than và các ngành công nghiệp Nhật Bản vào một thời kỳ hoàng kim thịnh vượng và tăng trưởng. Đến năm 1959 cư dân tại Hashima đạt đỉnh điểm 5.259 người. Mọi người, theo nghĩa đen, chui vào mọi ngóc ngách của các tòa chung cư. Đến 60% tổng diện tích 6,3 ha của hòn đảo phía bên sườn núi đá đã đầy các tòa chung cư, phần đất phẳng còn lại được tôn lấp từ biển chủ yếu dành cho các cơ sở công nghiệp và dịch vụ. Mật độ dân cư tại đảo lên đến 835 người/ha, được cho là mật độ dân số cao nhất từng được ghi nhận trên thế giới.

Trên đảo Hashima được trang bị đủ tiện nghi dịch vụ cần thiết cho sự tồn tại của cộng đồng cư dân đông đúc. Khuất dưới bóng các tòa nhà chung cư cao tầng là một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở, sân chơi, phòng thể dục, phòng bóng bàn, phòng chiếu phim, quán bar, nhà hàng, 25 cửa hàng bán lẻ, bệnh viện, phòng cắt tóc, ngôi chùa Phật giáo, đền thờ đạo Shinto, và thậm chí cả một nhà chứa. Phương tiện vận tải không tồn tại, bạn có thể đi bộ đến một điểm bất kỳ trên đảo trong khi chưa hút xong điếu thuốc. Ở đây cũng chẳng cần đến ô, dù, một mê cung gồm các hành lang và cầu thang nối các tòa nhà tạo ra hệ thống “đường cao tốc” của hòn đảo.

{keywords}
Toàn cảnh Hashima. Ảnh do tác giả cung cấp

Việc phân phối căn hộ trên đảo phản ánh hệ thống phân tầng khá cứng nhắc của xã hội Nhật bản thời kỳ đó. Thợ mỏ đơn thân và nhân viên nhà thầu phụ được phân ở trong các căn hộ một phòng kiểu cũ; công nhân của Mitsubishi có gia đình được ở căn hộ hai phòng loại sáu chiếu (khoảng 10m2) chung nhà vệ sinh, bếp và phòng tắm; Nhân viên văn phòng cấp cao và giáo viên được hưởng các căn hộ hai phòng ngủ sang trọng có bếp riêng và nhà vệ sinh xả nước.

Người quản lý mỏ than Hashima của Mitsubishi thì sống ở căn nhà gỗ tách riêng duy nhất trên đảo, nằm ở vị trí tượng trưng tại đỉnh mỏm đá gốc của đảo Hashima. Do Mitsubishi có sở hữu cả hòn đảo và mọi thứ trên đảo, họ duy trì một loại “chế độ độc tài nhân từ”, đảm bảo việc làm và cấp nhà ở, điện nước miễn phí, và cư dân phải luân phiên làm vệ sinh và bảo trì các tiện ích công cộng.

Nhưng than không ăn được. Cả cộng đồng phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới bên ngoài về thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác. Nước ngọt được chuyển đến đảo bằng đường thủy đến tận năm 1957, sau đó qua đường ống cấp từ đất liền. Bất kỳ cơn bão nào ngăn tầu vận tải cập bến trong hơn một ngày cũng tạo ra lo lắng khiến hòn đảo phải thắt lưng buộc bụng.

Đặc điểm đáng chú ý nhất của đảo Hashima là sự hoàn toàn vắng mặt của đất và thực vật bản địa. Hòn đảo không còn gì hơn là một vành đai đá xỉ mỏ bao quanh một phiến đá trọc. Cây bắt đầu được trồng từ năm 1963, kết quả từ nỗ lực cải thiện điều kiện sống của cư dân trên hòn đảo khô cằn này. Dùng đất mang từ ​​đất liền ra, họ làm vườn trên mái nhà và tận hưởng niềm vui lớn lao với các loại rau và hoa cây nhà lá vườn. Đến lúc này nồi cơm điện, tủ lạnh và tivi đã trở thành thiết bị tiêu chuẩn trong các căn hộ trên đảo.

Nhưng vận may không ở lại mãi với Hashima, khi từ cuối những năm 1960 nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhẩy vọt và dầu mỏ đã chiếm vị thế của than đá, trở thành trụ cột năng lượng quốc gia. Các mỏ than bắt đầu bị đóng cửa. Mitsubishi từng bước cắt giảm lao động ở Hashima, đào tạo lại và gửi họ đến các chi nhánh khác trong mạng lưới công nghiệp đang bùng nổ của tập đoàn. Cuối cùng, vào ngày 15/1/1974, trong buổi lễ ở phòng tập thể dục của đảo, Mitsubishi đã chính thức công bố việc đóng cửa mỏ than Hashima. Việc di dân được thực hiện nhanh chóng, và đến ngày 20/4/1974, cư dân cuối cùng của hòn đảo đã lên tàu về Nagasaki, để lại phía sau những khối nhà trống rỗng.

Hồi kết của một “Công cuộc Phát triển”

Bây giờ là hoang vắng và bị lãng quên, đảo Hashima canh giữ lối vào cảng Nagasaki như một ngọn hải đăng kỳ lạ đã chết. Đảo hút thêm vài chú hải âu mệt mỏi, cùng những ánh mắt tò mò từ những con tàu đi ngang qua. Nhưng tính biểu tượng của hòn đảo là không thể phủ nhận. Cộng đồng dân cư nhỏ hẹp trên đảo Hashima ngày đó như một phiên bản thu nhỏ của xã hội Nhật Bản, hiên ngang trị vì hòn đảo nhỏ đó tương tự như những hòn đảo khác, chỉ thiếu nước và cây xanh.

Trạng thái tuyệt vọng hiện tại của hòn đảo là một bài học cảnh tỉnh Nhật Bản đương đại về những gì xảy ra khi một đất nước bị cạn kiệt nguồn lực và phụ thuộc vào giao thương với nước ngoài. Về sau thậm chí chính phủ Nhật Bản đã dùng hình ảnh đảo Hashima đăng nguyên trang quảng cáo trên báo quốc gia để kêu gọi tiết kiệm năng lượng.

Trong suốt 84 năm hoạt động dưới quyền Mitsubishi, hòn đảo này đã sản xuất 16,5 triệu tấn than. Ít ai mường tượng được về việc mỏ này sẽ đóng cửa vào một ngày nào đó.

Trong ý nghĩa này, hòn đảo chết Hashima là lời cảnh báo về vai trò quan trọng của tầm nhìn xa. Hòn đảo chính là hình ảnh ám ảnh về hồi kết của một “Công cuộc phát triển”, về số phận của một cộng đồng sống xa Đất Mẹ, theo mô hình xã hội tách biệt khỏi nguồn thức ăn. Ngắn gọn, Hashima có thể chính là hình ảnh của thế giới sau khi đô thị hóa và bị khai thác, một hành tinh ma im lặng, trần trụi và vô dụng giữa không gian vĩnh hằng.

Hôm nay và tương lai

Năm 2001, Mitsubishi đã hiến tặng đảo Hashima cho thị trấn Takashima.Từ năm 2005, sau khi thị trấn Takashima nhập vào Nagasaki, thành phố thực hiện quyền tài phán đối với hòn đảo này. Từ tháng 8 năm 2005, Hội đồng Thành phố bắt đầu cho các nhà báo được phép lên đảo. Khi đó, Nagasaki bắt đầu khôi phục một cầu tàu phục vụ du lịch và xây một hành lang bê tông dài 220m cho khách du lịch, và cấm vào khu vực tòa nhà cũ không an toàn.

Theo tính toán, số ngày thăm viếng đảo của du khách sẽ dưới 160 ngày mỗi năm do thời tiết khắc nghiệt, và để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thành phố đã hủy bỏ kế hoạch mở thêm các hành lang du lịch đến phía đông và phía tây hòn đảo.Từ 22 tháng 4 năm 2009, một phần nhỏ của đảo Hashima đã được mở cửa cho du lịch, nhưng phần còn lại đến hơn 95% diện tích đảo là hoàn toàn cấm đối với du khách, do thiếu an toàn và để tránh suy thoái tình trạng lịch sử của các tòa nhà cũ đã cao tuổi ở đây. Kể từ khi bắt đầu đón du khách, đã có thêm một số đoạn tường bao ven đảo bị đổ sập.

Sự gia tăng mối quan tâm đến hòn đảo Hashima đã làm nảy sinh một sáng kiến tuyệt vời, là bảo vệ nó như là một địa điểm di sản công nghiệp.

Sau khi hoàn tất các thủ tục chuẩn bị và tham vấn y kiến của các quốc gia liên quan (kể cả Việt nam), đầu tháng 6 năm 2015, đảo Hashima đã được UNESCO chính thức phê chuẩn thành một Di sản Thế giới, một trong cụm di sản cách mạng công nghiệp thời Minh Trị (sắt thép, đóng tàu và mỏ than) của Nhật bản.

Hiện nay, các cán bộ bảo tồn được thành phố Nagasaki ủy quyền vẫn hàng ngày lên đảo để nghiên cứu và xây dựng giải pháp bảo tồn các công trình trên đảo chống lại những tác động thiên nhiên. Công việc phức tạp đang còn tiếp diễn, trong khi các công trình trên đảo vẫn đang từng ngàybị xuống cấp và hư hỏng thêm do tác động mạnh mẽ, bởi diễn biến thời tiết khốc liệt nơi đây.

Chuyến đi

Do cơ sở hạ tầng ít, dịch vụ du lịch đến đảo cũng hạn chế, nên lượng du khách được đến thăm đảo chưa nhiều. Thêm vào đó, thời tiết là yếu tố quan trọng làm cho các chuyến tham quan Hashima trở nên thưa thớt hơn. Thống kê thực tế cho thấy mỗi năm chỉ có khoảng trên 100 ngày có thời tiết thích hợp cho phép các tầu du lịch cập đảo.

Hiện chỉ có tầu du lịch của 4 công ty (Gunkanjima Concierge, Gunkanjima Cruise,Seaman Shokai và Yamasa Shipping) được cập đảo Hashima hai chuyến mỗi ngày khi thời tiết cho phép. Do công suất dịch vụ nhỏ, các trang web đặt chỗ thăm đảo Hashima thường hết chỗ sớm trước 1~2 tháng.

Đã nghe giới thiệu về Hashima từ trước, từ lâu tôi đã có ý định đến thăm địa điểm hấp dẫn này. Do không có được sớm lịch trình chuyến đi, hầu như chúng tôi không hy vọng được đến thăm Hashima. Nhưng ngay trước ngày đến Nagasaki, tôi đã may mắn đặt được vé lên đảo nhờ sự kỳ diệu của thời tiết – cơn bão dự định đổ bộ vào thành phố cuối hè 2016 đã đột ngột chuyển hướng, và hãng du lịch đã khôi phục một chuyến đi đã bị hủy từ hôm trước.

Khởi hành đầu giờ chiều, con tầu đã xuyên qua cảng Nagasaki,cho du khách chứng kiến những xưởng đóng tầu khổng lồ của Mitsubishi, và đi qua gầm cây cầu treo Ohashi có bước nhịp ước dài đến gần 500m, như sợi dây mảnh mai bắc ngang vịnh Nagasaki. Tàu cặp bến đảo Takashima cho du khách thăm Bảo tàng mỏ than Takashima và đi vệ sinh, du khách đã được thông báo không có nhà vệ sinh trên đảo Hashima – điều chưa bao giờ gặp phải khi đi du lịch Nhật bản!

Bức tượng ông Glover được đặt trong vườn hoa nhỏ trang trọng trước cửa Bảo tàng mỏ than Takashima, để tưởng nhớ ông như một công thần sáng lập nhiều ngành công nghiệp Nhật bản, gồm cả đóng tầu và khai mỏ. Khu dinh thự của gia đình ông – “Glover Residence”, dinh thự phong cách Anh cổ nhất Nhật bản, nằm trên triền đồi Minamiyamate nhìn ra vịnh Nagasaki, sau đã phát triển thành một “làng tây” trong thành phố, nay là “Glover Garden” – một di sản văn hóa được bảo tồn của Nhật bản.

Sau đó con tầu đưa chúng tôi đi vòng quanh đảo rồi cập bến lên đảo Hashima, cái đích của chuyến đi.

Đi vòng quanh đảo, tôi cảm nhận một luồng hơi lạnh lẽo chết chóc dần bóp nghẹt cơ thể. Làn gió biển trong lành luồn lách giữa những khung nhà bê tông với những ô cửa hoang phế không ngừng rên rỉ vũ điệu bãi tha ma. Một thành phố chết, khiến tôi liên tưởng đến những gì mình đã đọc được về Che-no-bưl, hay những gì đó tương tự. Cảm xúc ùa đến thật mãnh liệt mẽ, và còn tiếp tục đeo bám tôi nhiều ngày sau đó, và còn nguyên vẹn đến tận hôm nay, gần hai tháng sau chuyến đi khi tôi ngồi hoàn tất ghi chép này. Xin phép dùng chùm ảnh không chuyên dưới đây để các bạn hình dung thêm về hòn đảo.

Doãn Phương