Theo ĐBQH, Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, kết quả quan trọng nhất và có ảnh hưởng lâu dài nhất của Cách mạng Tháng Tám chính là thiết lập được thể chế dân chủ. Sự vận hành các thiết chế này trong 7 thập kỷ qua là thước đo của sự phát triển, hay nói cách khác là phát huy những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Thực tiễn cho thấy, không ít lĩnh vực ở nước ta, đặc biệt là quá trình thực hành dân chủ trong QH đang trở về với những giá trị cốt lõi mà cuộc Cách mạng Tháng Tám đã xác lập từ 7 thập kỷ trước.

Nghệ thuật lãnh đạo của Đảng - đặc sắc của thực tiễn cách mạng

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra bước ngoặt căn bản, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ góc nhìn của nhà sử học, những bài học sâu sắc nào được rút ra từ thắng lợi vĩ đại này, thưa ông?

Thành quả của cuộc cách mạng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2002, tập 6, trang 160). Nói cách khác, giá trị to lớn nhất của thắng lợi này là đã đặt nước Việt Nam vào quỹ đạo của thời đại: Hội nhập vào nền dân chủ của nhân loại với tư cách của một quốc gia tự chủ.

Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ; về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về xác định và kết hợp đúng đắn nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc trong từng thời kỳ cách mạng... Đặc biệt là bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân bởi một tổ chức cách mạng tập hợp được những người ưu tú trong mọi tầng lớp nhân dân. Sức mạnh ấy được nhân lên nhờ người lãnh đạo cao nhất sáng suốt, đã chọn đúng thời cơ và “chớp” được thời cơ thành công.

Cách mạng Tháng Tám được nhận định là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, để xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng giá trị của nó chắc chắn còn lớn hơn, thưa ông?

Khi tổng kết lịch sử, sự kiện Cách mạng Tháng Tám thường được nhận định là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.

Nhưng có thể thấy, bên cạnh yếu tố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thì điều đặc sắc trong thực tiễn cách mạng diễn ra 7 thập kỷ trước chính là từ nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.

Vào thời điểm đó ít ai nhắc đến vai trò của Đảng mà nổi lên là vai trò của Mặt trận, khi đó là Mặt trận Việt Minh. Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh và những con người tiêu biểu của tổ chức này (Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng...) đã tạo sức hút to lớn, góp phần huy động quần chúng đoàn kết lại. Cương lĩnh của Việt Minh đặt vấn đề độc lập dân tộc, đoàn kết dân tộc, thống nhất quốc gia lên hàng đầu. Cương lĩnh này cũng xác định rõ thể chế đất nước khi giành chính quyền về tay nhân dân là thể chế dân chủ - cộng hòa, và mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc.

Thậm chí, khi cần thiết Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (tháng 11.1945). Nhiều bộ trưởng cộng sản, thậm chí Việt Minh rút lui nhường ghế cho những thành phần khác để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhưng vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của hạt nhân tổ chức là Đảng cộng sản.

Thiết lập thể chế dân chủ - kết quả quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài nhất

Những giá trị và bài học từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được kế thừa, phát huy như thế nào, nhất là trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay, thưa ông?

Đường lối cách mạng đúng đắn từ Cách mạng Tháng Tám đã trở thành sợi chỉ đỏ, dẫn dắt việc ban hành những chính sách nội trị và ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đường lối này cũng được phát huy một cách thăng hoa trong thời kỳ trước khi bị chiến tranh (từ tháng 12.1946) làm đảo lộn. Đặc biệt, nhờ đường lối này, kể từ sau Chiến thắng Biên giới mở được cửa ngõ biên giới phía Bắc (năm 1950), nguồn lực vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nước ta được tăng cường mạnh mẽ.

Song kết quả quan trọng nhất và có ảnh hưởng lâu dài nhất của Cách mạng Tháng Tám chính là thiết lập thể chế dân chủ. Kết quả này được hình thành từ việc tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, xác lập mục tiêu dân chủ cộng hòa, sớm bầu ra QH và thông qua Hiến pháp, cũng như bước đầu xây dựng hệ thống chính quyền (UBND), cơ quan dân cử (HĐND) ở địa phương.

Sự vận hành các thiết chế này trong 7 thập kỷ qua là thước đo của sự phát triển, hay nói cách khác là phát huy những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Thực tiễn cho thấy, không ít lĩnh vực ở nước ta, đặc biệt về thể chế dân chủ đang trở lại những giá trị đã được xác lập từ 70 năm trước. Những bài học của cuộc cách mạng ấy vẫn còn mang tính thời sự.

Như đánh giá của ông, thì thiết lập được thể chế dân chủ là kết quả quan trọng nhất và có ảnh hưởng lâu dài nhất của Cách mạng Tháng Tám. Vậy kết quả này đã được thể hiện như thế nào trong hoạt động của QH - cơ quan do dân bầu ra, thay mặt dân để thực hiện quyền lực nhà nước?

Trải qua hơn ba nhiệm kỳ tham gia QH, tôi thấy rằng, quá trình thực hành dân chủ trong QH đang trở về với những giá trị cốt lõi mà cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã xác lập từ 7 thập kỷ trước. Thoạt nghe có thể có ý kiến cho rằng câu trả lời ấy là tiêu cực (!?), nhưng theo tôi, với lịch sử thì đừng nên tự ái, vì quy luật của sự tiến bộ hay phát triển không phải là con đường thẳng băng, mà đôi khi phải biết hồi cố. Ta chẳng thấy QH trở lại với nghi thức “tuyên thệ” vốn có từ 7 thập kỷ trước khi Ủy ban Giải phóng Dân tộc tuyên thệ tại Quốc dân Đại hội hay sao? QH cũng đang phấn đấu một cách “không dễ dàng” để xây dựng những đạo luật đã được ghi trong Hiến pháp 1946 (Luật về Hội, Luật Biểu tình).

Nhưng trong tiến trình thực hành dân chủ trong QH không phải không có những băn khoăn. Ví dụ, các hình thức giám sát, đặc biệt là các phiên chất vấn đang phát huy hiệu ứng của QH với cử tri, song đến nay vẫn còn không ít “vùng cấm” mà ĐBQH (tức là nhân dân) không thể tiếp cận (giám sát) được.

Không thỏa mãn với kết quả đạt được, trong đó có kết quả về thực hành dân chủ, đã và đang có tác động cộng hưởng, lan tỏa đến hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Để việc thực hành dân chủ ngày một hiệu quả hơn ở QH, thì cần chú ý những yếu tố nào, thưa ông?

Để thực hiện được các mục tiêu của QH, theo tôi, việc học lại những bài học của quá khứ (lịch sử) không phải là một bước lùi mà là bước tiến vững chắc, góp phần đưa nước ta theo kịp với những thay đổi của thời đại, mà đặc trưng lớn nhất là xu hướng hội nhập toàn cầu.

Đặc biệt, để phát huy tính dân chủ ở QH sẽ có rất nhiều yếu tố phải quan tâm (thay đổi hay phát huy), trong đó quan trọng nhất là phải thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò của từng ĐBQH, trên cơ sở nắm chắc được các quyền mà luật pháp đã quy định.

Ngoài năng lực lập pháp (còn hạn chế), thì năng lực giám sát hay phản biện chưa được đại biểu phát huy mạnh mẽ đã làm yếu QH, làm giảm lòng tin của dân vào QH. Đây là yếu tố cần được quan tâm cải thiện nhất, cả về xây dựng thể chế và năng lực thực hiện.

Bàn về dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra khái niệm dân dã là “làm sao cho dân mở miệng”. QH là đại diện cho dân thì cũng phải thay mặt dân mà “mở miệng”, song phải là nói những điều hợp với ý nguyện của dân một cách thiết thực.

Đồng thời, phải có cơ chế để người dân giám sát từng đại biểu do mình bầu ra, mà trước hết thông qua việc sớm “minh bạch hóa” hình thức “bấm nút” quyết định thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết của QH. Đây là hoạt động vốn được thực hiện công khai và cũng từng được thực hiện một cách minh bạch trước khi được “điện tử hóa”.

Việc ứng dụng công nghệ điện tử để thống kê và công bố minh bạch chính kiến của đại biểu (qua hình thức bấm nút) là cần thiết và bắt buộc phải làm. Có như vậy cử tri mới biết và giám sát được việc thể hiện chính kiến của đại biểu do mình bầu ra. Mà về nguyên tắc, chỉ khi cử tri giám sát được đại biểu mình bầu ra, thì mới thực sự là một QH dân chủ.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thủy/Đại biểu Nhân dân

Tuần Việt Nam đặt lại tiêu đề