Vươn lên từ đổ nát do chiến tranh, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua bước đổi thay mạnh mẽ. Thế hệ thứ nhất- những người trực tiếp chứng kiến giờ cũng không còn nói nhiều về cuộc chiến, họ bình tĩnh hơn mỗi khi nhớ về hồi ức. Còn giới trẻ- những người sinh sau ngày 30/4/1975, chiến tranh là câu chuyện xảy ra đã lâu trong lịch sử.

* Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước, Tuần Việt Nam khởi đăng lại chuyên đề 35 năm hòa hợp để yêu thương. Mời độc giả cùng đọc lại.

Chuyện xảy ra đã lâu

Nick Út, phóng viên ảnh của hãng AP, trước 1975 người ta biết đến anh chủ yếu qua những bức ảnh mô tả sự tàn khốc của chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Tận mắt chứng kiến và chụp được nhiều bức ảnh người dân hoảng loạn cố chạy ra khỏi vùng lửa đạn, Nick nhớ lại quãng thời gian đầu thập niên 70 của thế kỷ trước:

"Chiến sự tại thị trấn Trảng Bàng năm 1973 thật ác liệt. Khi chiếc khu trục Sky One Skyraider của quân lực Việt Nam cộng hoà nhào xuống thả 4 trái bom napalm cách chỗ tôi đứng chừng trăm thước, vậy mà vẫn cảm nhận được sức nóng khủng khiếp. Tôi thấy một người phụ nữ trung niên ẵm đứa bé hấp hối la hét cầu cứu. Nhiều đứa trẻ khác vô cùng hoảng loạn..."

Cũng ở đây anh đã chụp bức ảnh Kim Phúc đang bị cháy xém bởi bom napalm. Bức ảnh gây chấn động thế giới và Nick đoạt giải Pulitzer danh giá.

"Cuộc sống thời chiến hỗn loạn, đâu đâu cũng là đau thương tang tóc. Hầu hết những bức ảnh tôi chụp trước năm 1975 là cuộc sống thời chiến tranh" - Nick Út cho biết.

Cùng trang lứa với tay máy lừng danh, anh Vương Thới Thông hiện là tài xế của một hãng taxi tại Tp. Hồ Chí Minh cũng có thật nhiều hồi ức về đời sống thường nhật tại Sài Gòn trước sự kiện 30 tháng Tư:

"Mặc dù không có những cuộc giao tranh dữ dội, nhưng Sài Gòn hồi trước năm 1975 mang sắc thái của đô thị thời chiến với lô cốt bằng bê tông, hàng rào kẽm gai và quân cảnh có súng ngắn".

"Sự hiện diện của quân đội Mỹ và quân đội đồng minh để lại những ảnh hưởng rất xấu trong xã hội. Tiền bạc của họ đã nuôi sống các tệ nạn như mại dâm, nghiện hút. Chính người dân miền Nam thời đó cũng phản ứng rất gay gắt", người lái xe quả quyết.

Anh dẫn chứng, chính sách "bình định" nhằm dồn có hệ thống dân chúng vào những nơi gọi là vùng "an ninh" dẫn tới sự di tản của hàng triệu dân ở nông thôn về thành thị hoặc các "ấp Tân Sinh", hay nói đúng hơn là các xóm nghèo đô thị.

Kiên nhẫn lái xe đưa khách tới quận Gò Vấp, anh Thông cố gắng mô tả mấy khu vực ồn ào một thời như Ngã ba Chú Ía (ngã ba Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng), Ngã năm Chuồng chó (ngã sáu Gò Vấp), xóm An Nhơn (đường Nguyễn Oanh) hay ven mấy con kênh chính thời điểm trước năm1975 được coi là "lãnh địa" của tội phạm ma túy, cờ bạc, đĩ điếm.

"Hồi đó, các khu ổ chuột mọc lên, nhếch nhác bởi nông dân dồn từ các nơi về thành phố để tránh đạn bom. Cuộc sống tạm bợ, nghèo khổ khiến người ta tìm mọi cách để mưu sinh. Nhiều người có sức khỏe do không kiếm được việc làm nên phải đạp xích lô, làm khuân vác hay những nghề bán sức lao động giá rẻ để kiếm tiền, nhiều người đàn bà chọn nghề "son phấn" và không ít kẻ trở thành phường trộm cướp", người lái xe hồi tưởng lại.

Thực tế này cũng từng được nhà báo Alain Wasme ghi lại khá kỹ lưỡng trong một cuốn sách có tựa đề: Những gì tôi thấy ở Việt Nam.

Kể lại những gì từng được chứng kiến, Wasme đã viết: "Trong những hoàn cảnh ấy, cấu trúc của gia đình bị phá vỡ, để phục vụ cho 550.000 binh sĩ Mỹ có mặt ở miền Nam trong thời kỳ cao điểm của sự can thiệp của họ một đội ngũ đông đảo các cô gái làm nghề "mát xa" đã xuất hiện... Đi làm điếm, một cô gái có thể kiếm được nhiều tiền: họ có thể kiếm được 300.000 đồng một tháng, tức gấp bốn lần lương một kỹ sư... Nửa triệu phụ nữ ở miền Nam đã phải đi kiếm tiền bằng cái nghề như thế".

Chưa hết, cũng theo nhà báo này, thời đó, hầu hết những thanh niên mới lớn đều bị bắt quân dịch. "Tất cả bị lùa ra chiến trường", ông cho biết.

GS Đặng Phong, một sử gia kinh tế có uy tín cũng từng nhận xét về cuộc sống của người dân đô thị miền Nam trước 1975 trên báo Người Đô thị như thế này: "Về mức an toàn của cuộc sống thì trước đây rất kém, vì có chiến tranh. Nhà nào cũng có người đi lính, nếu muốn tránh đi lính thì phải trốn, phải chạy vạy, đút tiền. Cái chết đe dọa, rình rập tất cả các gia đình ở thành thị. Xe của cảnh binh có khi chặn ngay ở các cửa trường để bắt lính...".

Tuy nhiên, đó là những câu chuyện đã thuộc về quá khứ của nhiều chục năm về trước.

Một thành phố Hồ Chí Minh mới

{keywords}
Một thành phố Hồ Chí Minh năng động. Ảnh: vietnam+

Ba mươi lăm năm sau sự kiện Ba mươi tháng Tư năm 1975, với đa số người dân Việt Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng, cuộc sống đã khấm khá hơn và đang dần vươn tới thịnh vượng. Người ta dễ dàng nhận ra những khu đô thị hiện đại, các khu nghỉ mát sang trọng, và các chuyến bay tới các nước trong khu vực luôn chật đầy người dân bình thường đi nghỉ ngơi, mua sắm...

Theo giới quan sát, kể từ thời đổi mới hồi năm 1986, Sài Gòn luôn là khối nam châm hút các nhà đầu tư nước ngoài đổ về.

Đơn cử, Cargill - một tập đoàn tư nhân hàng đầu thế giới của Mỹ chuyên về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm đã có mặt tại đây hơn 10 năm trước, tính từ năm 1995.

Bằng sự hiện diện Nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại KCN Biên Hòa II, Cargill đã đánh dấu sự trở lại của doanh nhân Mỹ tại khu vực trong thời kỳ chiến tranh được xem là "dạ dày" của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam là Tổng kho Long Bình.

Vượt qua đổ nát của chiến tranh, những vùng đầm lầy hoang dã ở phía nam Sài Gòn đã nhanh chóng biến mất, được thay thế bằng các khu nhà ở hiện đại, khang trang dành cho tầng lớp trung lưu cùng đông đảo người nước ngoài đang kiếm tìm cơ hội làm giàu.

Trên một diện tích rộng lớn, những khu đô thị mới này là minh chứng rõ ràng nhất về sự đổi thay. Ngay cả với những người như Nick Út hay anh Vương Thới Thông, những người từng chứng kiến cuộc chiến tranh không khỏi ngỡ ngàng.

"Trước đây tôi thuộc Sài Gòn như nhìn vào lòng bàn tay. Nhưng giờ đây khi trở lại, tôi thường xuyên bị lạc đường", Nick Út cho biết. Còn với anh tài xế Vương Thới Thông "thường không kịp nhớ hết tên đường tên phố mới".

Nói cho đúng thì những thay đổi này được bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi hàng loạt những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục tiêu phát triển hướng ra biển Đông được đầu tư như Khu chế xuất Tân Thuận, đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Hiệp Phước...

Ngay cả Thủ Thiêm - một ốc đảo nghèo nàn, lạc hậu gần đây cũng đang hối hả với dự án hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

"Kể từ khi trở về lần đầu tiên vào năm 1980, tôi đã chứng kiến những thay đổi, hay nói cách khác là một sự lột xác của đất nước sau thời kỳ đổi mới. Trước kia tôi chỉ chụp ảnh chiến trường, còn bây giờ về nước tôi chụp được rất nhiều bức ảnh ghi lại những cảnh đời sống thường nhật của người lao động, những bức ảnh về những đứa trẻ đang vui chơi thật hạnh phúc, yên bình." Nick Út hào hứng trò chuyện trong một lần trở lại Sài Gòn hồi đầu năm nay.

Thu Hà - Lê Nhung