Việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa chính thức bị bắt giữ sau hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ của nhân dân và các nỗ lực điều tra của nhóm công tố đặc biệt là một dấu ấn cho thấy quyền lực của pháp trị, một bằng chứng rõ ràng cho thấy nguyên tắc dân chủ: “Không ai có thể đứng trên pháp luật”.

Dù việc một tổng thống đương nhiệm bị phế truất và bắt giữ với các cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và làm rò rỉ bí mật nhà nước… đánh dấu một chương buồn trong lịch sử nền dân chủ lập hiến ở Hàn Quốc, nhưng chắc chắn sự kiện này sẽ được khắc ghi như một cột mốc bất hủ trong lịch sử của hệ thống tư pháp hình sự của nước này.

{keywords}

Bà Park trở thành cựu tổng thống thứ ba của Hàn Quốc bị bắt vì tội hình sự.

Một số người có thể nói rằng bà Park lẽ ra nên được khoan dung vì từng làm Tổng thống, hoặc vì lợi ích của sự đoàn kết và thống nhất dân tộc, nhưng điều quan trọng là tòa án đã một lần nữa khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật, theo đó mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp. Người ta hy vọng việc bắt giữ bà Park sẽ tạo ra một bước ngoặt, đảm bảo rằng không có chỗ cho các lãnh đạo nghĩ rằng họ có thể đứng trên Hiến pháp và pháp luật và đi ngược lại nền dân chủ.

Nhìn vào các cáo buộc sau một loạt cuộc điều tra do nhóm công tố đặc biệt do Công tố viên đặc biệt Park Young-soo tiến hành, cũng như thái độ ngoan cố và trốn tránh của bà Park, có lẽ không hề thái quá khi nói rằng việc bà bị bắt giữ là điều có thể tiên liệu ngay từ đầu.

Trong 3 cuộc điều tra, các công tố viên đã thu thập được rất nhiều bằng chứng chống lại bà, nhưng trong các cuộc trả lời thẩm vấn sau khi bị phế truất, bà Park khăng khăng tự biện hộ bằng lập luận rằng “không có một đồng xu lẻ nào” được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào việc bà Park và bà Choi Soon-sil thảo luận thân mật và “bày mưu” lập ra, bổ nhiệm nhân sự và vận hành Quỹ Mir và Quỹ K-Sports, thì rõ ràng là việc lượng tiền rút ruột từ các chaebol (tập đoàn lớn ở Hàn Quốc) dù không đổ vào tài khoản ngân hàng của bà Park cũng không đồng nghĩa với việc bà không phạm tội.

Hơn nữa, như các công tố viên đặc biệt đã khẳng định, bà Choi đã thanh toán các chi phí cho bà Park mua sắm, nên có thể kết luận rằng hai người đàn bà này có cùng lợi ích tài chính. Sau khi các công tố viên thu thập được bằng chứng, trong đó có những cuốn ghi chép công việc của cựu cố vấn cấp cao của Nhà Xanh về các vấn đề kinh tế Ahn Jong-beom, bản khai của tập đoàn Samsung và nhiều viên chức tại Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội, có lẽ chỉ còn một việc hiển nhiên là buộc tội bà Park biển thủ.

Nhìn lại lịch sử xứ Kim Chi, chiếc ghế Tổng thống nước này nhiều lần kết thúc buồn. Đã có nhiều Tổng thống, hoặc các thành viên gia đình họ và các trợ lý cấp cao của họ, đều vướng vào các bê bối khi gần đi hết nhiệm kỳ hoặc sau khi rời nhiệm sở. Ngoài tham nhũng còn có những cuộc đảo chính, một vụ ám sát và một vụ tự tử.

Bà Park Geun-hye là trường hợp mới nhất nhưng nghiêm trọng nhất vì bà là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị luận tội và phế truất vì một loạt bê bối. Bà phải đối mặt với 13 cáo buộc khác nhau. Riêng các cáo buộc nhận hối lộ cũng có thể khiến bà phải ngồi tù hơn 10 năm thậm chí là chung thân.

Với việc bắt giữ bà Park, kỷ nguyên của gia tộc họ Park đang ngả về chiều. Có lẽ nào thời khắc mà học thuyết Park Chung-hee, đã kéo dài hơn 40 năm qua sẽ yên nghỉ từ đây, để Hàn Quốc bắt đầu hướng đến một chính phủ kiểu mới.

Bê bối các đời Tổng thống Hàn Quốc

Syngman Rhee (1948-1960): Được giáo dục tại Mỹ và từng đấu tranh giải phóng Hàn Quốc khỏi ách đô hộ của phát xít Nhật, ông Syngman Rhee đã trở thành Tổng thống sáng lập đất nước Hàn Quốc vào năm 1948 với sự bảo trợ của Mỹ. 

Trong 4 nhiệm kỳ nắm quyền của mình, ông bị chỉ trích là tham nhũng và áp dụng chế độ gia đình trị nhằm kéo dài quyền lực. Các cuộc biểu tình trên cả nước đã buộc ông phải lưu vong đến Hawaii, nơi ông đã qua đời vào năm 1965.

Park Chung-hee (1961-1979): Là một Thiếu Tướng quân đội, ông Park đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 1961, chấm dứt một giai đoạn ngắn của quyền lực nhân dân sau khi ông Rhee từ chức. 

Ông Park, cha của bà Park Geun-hye, nổi tiếng với các chính sách công nghiệp thành công, tạo ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhưng cũng có nhiều người nhớ đến ông vì các vụ bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu. Ông đã bị ám sát bởi chính giám đốc tình báo của mình vào năm 1979.

Chun Doo-hwan (1980-1988): Trung tướng Chun và những người bạn nối khố của ông trong quân đội đã đưa xe tăng và binh lính vào Seoul để tiếm quyền trong một cuộc đảo chính tháng 12/1979, chấm dứt chính phủ tự trị của quyền Tổng thống Choi Kyu-hah sau cái chết của ông Park. Nhiều tháng sau đó, tướng Chun đã dàn xếp để mình đắc cử Tổng thống. 

Năm 1987, hàng loạt cuộc biểu tình đã buộc ông chấp nhận sửa đổi hiến pháp để tiến hành bầu cử tổng thống trực tiếp. Sau khi hết nhiệm kỳ, ông Chun đã sống 2 năm trong một ngôi chùa hẻo lánh trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi trừng phạt ông vì tham nhũng và lạm quyền.

Roh Tae-woo (1988-1993): Vốn là bạn thân của ông Chun và là người kế nhiệm được chọn lọc kỹ lưỡng, ông Roh đắc cử năm 1987 nhờ những lá phiếu chia rẽ trong phe đối lập. 

Cả ông Chun và Roh bị bắt cuối năm 1995 vì các cáo buộc thu hàng trăm triệu USD từ các doanh nhân trong thời gian tại vị. Họ cũng bị kết tội nổi loạn và phản quốc liên quan đến cuộc đảo chính của ông Chun và vụ trấn áp đẫm máu năm 1980 làm hàng trăm người thiệt mạng tại Gwangju. 

Tháng 4/1996, tòa đã ra phán quyết án tử hình đối với ông Chun và kết án ông Roh 17 năm tù. Cả hai đã được ân xá năm 1997.

Kim Young-sam (1993-1998): Chiến thắng trong bầu cử của ông Kim đã chính thức chấm dứt chính quyền quân sự. Ban đầu, ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng vì những nỗ lực đầy tham vọng chống tham nhũng và việc bắt giữ ông Chun và ông Roh. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm mạnh khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.

Cuộc khủng hoảng đã tác động mạnh tới nền kinh tế Hàn Quốc, khiến một số tập đoàn lớn nợ đọng và buộc chính phủ phải chấp nhận gói cứu trợ trị giá 58 tỷ USD từ IMF. Những người chỉ trích cho rằng Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì ông Kim không biết cách chèo lái nền kinh tế. Ông đã rời nhiệm sở trong một vụ bê bối tham nhũng, khiến ông bị bắt giữ và phải ngồi tù.

Kim Dae-jung (1998-2003): Từng là phần tử đối lập bị một tòa án binh kết án tử hình dưới thời Tổng thống Chun, ông Kim đã leo lên chiếc ghế Tổng thống và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chưa từng thấy với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2000. 

Nhưng 3 năm sau đó, ông đã rời nhiệm sở trong cảnh uy tín bị hoen ố bởi các bê bối tham nhũng liên quan đến các trợ lý và cả ba người con trai của ông cũng như các khoản tiền mặt gây tranh cãi trị giá hàng trăm triệu USD, được cho là gửi sang Triều Tiên trước khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra.

Roh Moo-hyun (2003-2008): Ông Roh đã thoát chết vào năm 2009, một năm sau khi rời Nhà Xanh, trong bối cảnh đối mặt với cáo buộc các thành viên gia đình ông nhận hối lộ 6 triệu USD từ một doanh nhân. Anh trai của ông đã bị kết án 2,5 năm tù giam vào năm 2009 vì giao bán quyền lực, dù sau đó đã được ân xá. 

Năm 2004, ông bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vì các cáo buộc không đủ năng lực lãnh đạo và vi phạm luật bầu cử, nhưng Tòa án hiến pháp đã phục chức cho ông 2 tháng sau đó, nói rằng các cáo buộc trên chưa đủ để phế truất ông.

Lee Myung-bak (2008-2013): Chiến thắng của ông Lee đã chấm dứt một thập kỷ phe tự do lãnh đạo theo hướng xích lại gần hơn với Triều Tiên, và phản ánh hy vọng của cử tri rằng cựu CEO của tập đoàn Hyundai sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng. Nhưng sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm chính vì những lời hứa hẹn về kinh tế đã không được thực hiện, kèm theo đó là một loạt bê bối tham nhũng. 

Đến cuối nhiệm kỳ, ông Lee chứng kiến cảnh con trai duy nhất của mình và anh trai bị cáo buộc có bất thường trong việc góp quỹ xây nhà riêng cho ông Lee. Một người anh khác của ông đã bị bắt vì nhận hối lộ từ các ngân hàng và phải chịu án tù giam 14 tháng./.


Thảo Linh