Không thể phủ nhận Mỹ là một trong các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đối thoại định hình tương lai kinh tế, chính trị và an ninh của Châu Á – Thái Bình Dương.

LTS- Chỉ còn vài ngày nữa, nước Mỹ bầu cử, lựa chọn người đứng đầu cho nhiệm kỳ mới. Giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại một điểm nhấn trong số các kết quả thu được từ chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Mời quí vị cùng theo dõi bài viết 3 kỳ của tác giả Thảo Linh.

Từ chiến tranh thế giới II, quân đội Mỹ đã cùng các nước khác duy trì quyền tự do hàng hải cho khu vực Châu Á–Thái Bình Dương. Các lực lượng quân đội Mỹ được triển khai ở Trại Humphreys và căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc, căn cứ hải quân Yokosuka, căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản, và nhiều nơi khác nữa. Hàng ngàn, hàng vạn lính thuỷ đánh bộ và hải quân trên các tàu USS John C. Stennis, USS Blue Ridge, USS Lassen và nhiều tàu khác cũng ghé vào các cảng biển quan trọng trong khu vực, trong đó có vùng Biển Đông.

Mỗi lần thăm cảng, mỗi cuộc tập trận và chiến dịch đều như góp một viên gạch vào công trình xây dựng sự ổn định cho vùng biển luôn đầy sóng gió Châu Á–Thái Bình Dương. Mỗi binh sĩ, thuỷ thủ, phi công và lính thuỷ đánh bộ đều đã giúp bảo vệ các nguyên tắc quan trọng như giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, đảm bảo quyền của các nước tự do đưa ra lựa chọn an ninh và kinh tế của mình và đảm bảo tự do bay được luật pháp quốc tế cho phép.

{keywords}

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry giơ tay chào quân đội Seoul. Ảnh: Getty Images

Nước Mỹ cam kết đảm bảo duy trì an ninh hàng hải bất chấp những tiên đoán thường xuyên về việc nước Mỹ sẽ từ bỏ vai trò của mình là người bảo trợ chính cho an ninh của Châu Á – Thái Bình Dương.

Kết quả đã rất ngoạn mục: Châu Á – Thái Bình Dương lâu nay là một khu vực mà mọi quốc gia đều có cơ hội thịnh vượng. Thực vậy, liên tiếp diễn ra điều kỳ diệu kinh tế tại đây. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á đều đã nổi lên và thịnh vượng, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang làm điều tương tự. Giáo dục được cải thiện và dân chủ được thực thi. So với nhiều khu vực khác trong vài thập kỷ gần đây, Châu Á – Thái Bình Dương ổn định và hoà bình hơn.

Trong bối cảnh tiến bộ của Châu Á – Thái Bình Dương về mọi mặt - kinh tế, chính trị và quân sự – kể trên, năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo “đưa ra một quyết định chiến lược và được tính toán kỹ: là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực này và tương lai của nó”.

Chính sách được gọi là “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương này nhằm tăng cường các cam kết của Mỹ về kinh tế, ngoại giao và quân sự tại đây. Sau một thập kỷ chống chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh tại đại Trung Đông, Mỹ (và Bộ Quốc phòng) chuyển sang các cam kết, đầu tư và chiến dịch tại Châu Á – Thái Bình Dương. 5 năm đã trôi qua, giờ là lúc để nhìn lại các tiến bộ đã đạt được.

Thay đổi từng ngày

Châu Á – Thái Bình Dương đang ngày cảng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và quân sự của thế giới. Riêng sự thay đổi về dân số nơi đây đã làm mọi người choáng váng: hơn một nửa dân số thế giới đang sống tại khu vực này và vào năm 2050, 4 quốc gia Châu Á – gồm Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam – dự kiến sẽ có tổng cộng gần 500 triệu người.

Bất chấp một số dự báo về tăng trưởng chậm lại, khu vực này vẫn là động lực chính của kinh tế toàn cầu và là một thị trường không thể bỏ qua đối với hàng hoá Mỹ. Khu vực này sở hữu một số lực lượng quân đội quy mô lớn nhất thế giới và chi tiêu quốc phòng ở đây đang ngày càng tăng.

Đảm bảo an ninh trong tất cả những thay đổi này là ưu tiêu đối với Mỹ và các nước khác, vì chính sự năng động này đem lại các cơ hội không chỉ cho tăng trưởng và tiến bộ mà còn tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn và đối đầu mạnh hơn. Vì vậy, chính sách “xoay trục” đã được thiết kế để đảm bảo sự ổn định liên tục và tiến bộ đều đặn của khu vực có một không hai này trong thời kỳ biến đổi của nó.

Để làm được điều đó, Washington đã tăng cường các quan hệ với khu vực, vì vận mệnh kinh tế của Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương quấn quện vào nhau. Khi các nền kinh tế Châu Á tiếp tục tăng trưởng, Mỹ muốn củng cố chính sách mở cửa và toàn diện mà khu vực này đang được hưởng lợi rất nhiều. Vì vậy, một trong các sáng kiến quan trọng của chính sách “xoay trục” là Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm gắn kết Mỹ chặt chẽ hơn với 11 nền kinh tế.

Trong khi thực thi chính sách tái cân bằng, Mỹ cũng tăng cường ngoại giao với khu vực này. Ngoài các chuyến thăm ngày càng nhiều của Tổng thống và các quan chức nội các, Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đối thoại giúp định hình tương lai kinh tế, chính trị và an ninh của Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong nhiều trường hợp, Mỹ đã đăng cai tổ chức các cuộc thảo luận. Ví dụ tháng 2 vừa qua, Tổng thống Obama đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ (cụ thể là tại Sunnylands, bang California), và vào tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã chủ trì cuộc gặp với 10 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Hawaii để thảo luận các thách thức an ninh khu vực.

Trong giai đoạn hai của chính sách “xoay trục”, được khởi động từ năm 2015, Lầu Năm Góc tiếp tục đưa những nhân viên quân sự giỏi nhất đến khu vực này và triển khai các năng lực tối tân nhất đến đây.

Các năng lực này gồm, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35, máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon, máy bay Ospreys V-22, máy bay ném bom B-2, và các tàu chiến nổi mới nhất của Mỹ. Bộ Quốc phòng cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các năng lực mới rất quan trọng đối với chính sách tái cân bằng. Bộ đã tăng số lượng tàu nổi và tăng độ sát thương của các tàu này.

Bộ cũng đang đầu tư vào các tàu ngầm lớp Virginia, máy bay tàng hình dưới nước tiên tiến, máy bay ném bom tầm xa mới B-21, và các công cụ không gian mạng, chiến tranh điện tử và không gian mới nhất.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang phát triển các chiến lược đổi mới và các khái niệm chiến dịch, đồng thời thực thi các ý tưởng mới này trong các cuộc tập trận huấn luyện, cả tập trận riêng hay tập trận chung với các đối tác.

Ví dụ, cuộc tập trận đa phương trên biển Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hè vừa qua – diễn ra định kỳ 2 năm/lần và quy mô lớn nhất thế giới – hội thụ 26 nước cùng nhau thúc đẩy các hải trình mở.

Trong một động thái thể hiện sự hợp tác, Mỹ và Trung Quốc đã cùng nhau đi từ Guam đến Hawaii để tham gia tập trận, tiến hành một số sự kiện chung trên hành trình này, trong đó có một sự kiện nhằm tăng cường các năng lực tìm kiếm, cứu hộ.

Còn tiếp

Thảo Linh