Bạn đã bao giờ thử tìm hiểu, đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử của mình làm gì, làm được gì trong nhiệm kỳ vừa qua?

* Kỳ 1: QH khóa XIII và những "món nợ' với dân, với nước

Nói là vàng

Ở Quốc hội, im lặng không phải là vàng, nói mới là vàng. Bởi lẽ Quốc hội là một diễn đàn lớn nhất của đất nước, mỗi phút đều rất quý. Quý nhất ở chỗ, nghị trường là nơi bàn và quyết những vấn đề lớn của đất nước.

Cử tri bầu ra đại biểu để nghe được những lời vàng, ý ngọc, tranh luận, thúc đẩy giải quyết những vấn đề đó. Nghị trường đòi hỏi người đại biểu lên tiếng về những vấn đề của cử tri, của quốc gia, không “mũ ni che tai”; cho phép sự cọ xát, va chạm về lý lẽ, lập luận, miễn là có lợi cho cử tri, cho quốc gia.

“Nếu va chạm mà có lợi cho đất nước, cho nhân dân thì cũng nên... va chạm”. Vì thế, nghị trường là "trận đấu" của những ý tưởng, những quan điểm được thể hiện qua ngôn từ, nhưng không quá khích. Nó không phải là cảnh ngủ gật ở Quốc hội một số nước, và mặc đó không phải là “trận chiến” của những chiếc giày hay nắm đấm như một số nước khác.

Vậy thì ĐBQH khóa XIII đã nói như thế nào? Con số thống kê cả nhiệm kỳ cho biết, mỗi phiên họp toàn thể có khoảng 8-9 lượt đại biểu phát biểu, với khoảng gần 20 ý kiến; tổng cộng mỗi kỳ họp trung bình có khoảng trên 300 lượt đại biểu lên tiếng, với khoảng 800 ý kiến. Như vậy, cả nhiệm kỳ có khoảng trên 3500 lượt đại biểu phát biểu, với khoảng gần 9000 ý kiến.

{keywords}
Là người hay lên tiếng, nhiệm kỳ QH khóa XIII, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu 79 lần tại các phiên họp.

Trong gần 500 ĐBQH, những người hay lên tiếng nhất có ông Trần Du Lịch với 82 lần phát biểu tại phiên họp toàn thể trong cả nhiệm kỳ, ông Trương Trọng Nghĩa có 79 lần. Ý kiến của hai đại biểu này cũng hay được các đại biểu khác nhắc đến, dẫn chiếu và đồng tình.

Thú vị là một số ĐBQH nổi bật trên báo chí, hay được phỏng vấn lại có số lần phát biểu không nhiều lắm. Ví dụ như ông Dương Trung Quốc phát biểu 21 lần trong cả nhiệm kỳ; ông Lê Như Tiến 17 lần; bà Lê Thị Nga 21 lần. Có lẽ nếu hay nói đi kèm nói hay thì tốt nhất, không thì nói hay vẫn hơn hay nói?

Đánh giá một cách tổng thể, nhóm đại biểu hoạt động chuyên trách ở các Ủy ban của Quốc hội phát biểu nhiều hơn.

Một vài người phát biểu nhiều như bà Trần Thị Quốc Khánh phát biểu 56 lần trong cả nhiệm kỳ, ông Đỗ Văn Đương 54 lần, ông Nguyễn Văn Phúc 46 lần, bà Nguyễn Thị Khá 45 lần, ông Nguyễn Sĩ Cương 45 lần; đa số họ phát biểu khoảng 20-30 lần; một số ít hơn trong khoảng 10-15 lần phát biểu.

Tiếp sau đó đến nhóm đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương. Một số Phó trưởng đoàn ĐBQH “chịu khó” lên tiếng ở nghị trường như ông Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu 57 lần trong nhiệm kỳ này; ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) 55 lần; ông Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) 48 lần; ông Trương Văn Vở (Đồng Nai) 53 lần; ông Lê Nam (Thanh Hóa) 33 lần. Nhiều đại biểu trong nhóm này phát biểu từ 20-30 lần cả nhiệm kỳ; nhiều người chỉ phát biểu khoảng 10-15 lần.

Ngược với các đại biểu hay phát biểu, vẫn còn nhiều đại biểu ít lên tiếng ở nghị trường, thậm chí có người cả kỳ họp không một lần lên tiếng. Có những đại biểu khác thì phát biểu chung chung, dàn trải.

Không phát biểu, ít lên tiếng, hoặc phát biểu cho có làm không khí nghị trường trầm lắng. Nhưng không ít đại biểu nói những lời “như đùa”, vô bổ, thiếu thận trọng, hoặc chưa thật hiểu những gì họ nói, thậm chí còn trái luật, xúc phạm, tổn thương người khác; tệ hơn nữa “bán quyền phát biểu”, phát biểu hộ cho một nhóm lợi ích nào đó. Như ông Lê Văn Cuông nhận xét, làm ĐBQH mà như vậy thì “buồn, chán lắm”, lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức chung.

Các ĐBQH ít phát biểu nằm trong tất cả các nhóm ĐBQH, có cả chuyên trách, cả kiêm nhiệm, cả chính quyền, đoàn thể, trẻ và già, doanh nghiệp, nam và nữ. Ví dụ như thử đếm lần phát biểu của các ĐBQH là doanh nhân thì thấy đa số họ chỉ lên tiếng vài lần, lác đác vài người có 10-15 lần, và một người phát biểu 19 lần là nhiều nhất.

Đáng chú ý là những người giữ chức vụ cao như bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và cao hơn nữa hầu như không phát biểu tại các phiên họp toàn thể. Những đại biểu kiêm nhiệm không giữ chức vụ thì e ngại, còn đại biểu kiêm nhiệm nhưng giữ chức vụ trong một số cơ quan… thường ít lên tiếng vì ràng buộc bởi những mối quan hệ công tác. 

Đáng nói, trong số các ĐBQH chuyên trách cả ở trung ương và địa phương, không ít người chỉ lên tiếng vài lần, thậm chí rà soát một cách ngẫu nhiên, người viết bài này nhận thấy có vị Phó Chủ nhiệm một Ủy ban chưa bao giờ phát biểu. Cho dù biện bạch như thế nào chăng nữa, cử tri đã bầu ra các vị này chắc khó hiểu và khó chấp nhận, đại biểu có điều kiện hơn, có vị thế, ít chịu ràng buộc, mà lại không một lần phát biểu, hoặc chỉ phát biểu vài ba lần trong suốt 5 năm.

Đại biểu của bạn

Bạn đã bao giờ thử tìm hiểu, đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử của mình làm gì, làm được gì trong nhiệm kỳ vừa qua? Và làm thế nào để biết, giám sát đại biểu nói gì, nói như thế nào và cả những ai cả nhiệm kỳ “không nói gì”? Đối với các phiên họp toàn thể thì dễ dàng hơn: chỉ cần vào cổng thông tin điện tử của Quốc hội, tải biên bản các phiên họp toàn thể về, ghép thành một file, và dùng chức năng find để tìm tên ĐBQH của bạn, thì sẽ ra đại biểu đó đã phát biểu bao nhiêu lần và nguyên văn từng lần phát biểu. Tôi đã có được những con số về số lần phát biểu của các ĐBQH nói trên bằng cách như vậy.

Cũng bằng cách đó, tôi đã đếm được số lần phát biểu tại hội trường  trong suốt 5 năm (chưa tính kỳ họp cuối cùng) của ba ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 5, thành phố Hà Nội, là nơi mà tôi đã đi bỏ phiếu bầu ĐBQH năm 2011. 

{keywords}

So với tình hình chung của nhóm ĐBQH chuyên trách, ông Đinh Xuân Thảo thuộc nhóm phát biểu khá nhiều.

Ông Đinh Xuân Thảo phát biểu 22 lần, trong đó chất vấn 01 lần; thảo luận về báo cáo giám sát 01 lần; còn lại là về các dự án luật. Các nội dung ông chọn phát biểu khá đa dạng, không có nội dung nào được nhắc đến hai lần trở lên, được các đại biểu khác dẫn chiếu vài ba lần. Nhiều lần ông đồng tình với phương án đưa ra trong dự thảo; một vài lần ông giải thích các khái niệm; một vài lần ông đề xuất phương án khác so với phương án trong dự thảo. Nếu so với tình hình chung của nhóm ĐBQH chuyên trách, ông thuộc nhóm đa số, phát biểu ở mức khá nhiều.

Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu 06 lần về các nội dung đều liên quan đến công việc của ông lúc đó như cơ quan điều tra hình sự; oan, sai trong tố tụng hình sự; hộ tịch; giám định tư pháp; công tác phòng, chống tội phạm, khiếu nại.

Là một người trong cuộc, các đề xuất của ông tập trung nhằm tăng hiệu quả làm việc của bộ máy ngành công an; một lần ông giải thích cho rõ về nhận định liên quan đến tình trạng bắt, tạm giữ hình sự, đình chỉ điều tra, để quá hạn các tin tố giác tội phạm trong báo cáo giám sát về tình hình oan, sai. Ngoài ra, ông cũng có một ý đề xuất giám sát chương trình tạo công ăn việc làm sau khi cai nghiện, sau khi mãn hạn tù. So sánh với một số ĐBQH giữ chức vụ trong ngành công an, quân đội, kiểm sát, số lần phát biểu cũng khoảng 5-10 lần cả nhiệm kỳ, nội dung phát biểu cũng có những nét tương tự.

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi phát biểu 3 lần gồm có một lần chất vấn về tình trạng trên thị trường bán các thiết bị nghe lén điện thoại với giá rẻ, được quảng cáo rộng rãi trên mạng; một lần thảo luận về các nội dung trong báo cáo giám sát như chất lượng dịch vụ y tế,  quá tải y tế, các giải pháp, chính sách giải quyết tình trạng thiếu cán bộ y tế tại tuyến dưới; một lần thảo luận dự luật Đấu thầu, bà nói về quy trình, cách thức lựa chọn nhà thầu, trong đó có nhà thầu cung cấp thuốc. So với một số ĐBQH cùng ngành, hoặc giữ vị trí tương đương, bà Ý Nhi phát biểu ít hơn, dù các đại biểu đó cũng không phát biểu nhiều.

Đối với các phiên họp tổ, họp đoàn ĐBQH, họp Ủy ban, các cuộc họp giám sát ở địa phương, thì hầu như cử tri không thể biết được đại biểu của mình đã phát biểu những gì, làm những gì. Trừ khi hiếm hoi đại biểu đó báo cáo lại với cử tri, hoặc được tường thuật trên các trang báo, hoặc trang web của Đoàn ĐBQH, ví dụ như Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có trang web đăng thông tin về hoạt động của Đoàn và ít hơn là về hoạt động của các ĐBQH trong Đoàn. Còn các cuộc tiếp xúc cử tri, nếu được mời, bạn mới có cơ hội đối thoại của đại biểu, yêu cầu đại biểu giải thích, đề đạt kiến nghị.

Ở tổ dân phố nơi tôi sinh sống, thỉnh thoảng có thấy dán thông báo mời dự hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND phường, nhưng chưa bao giờ có thông báo về hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Và tất nhiên, với tư cách cử tri, bạn hay là tôi cũng không biết ĐBQH của mình biểu quyết như thế nào. Như  hiện nay, theo thống kê, hầu hết các dự thảo luật, nghị quyết đều được trên 80% tổng số ĐBQH bấm nút đồng ý, trong đó nhiều dự thảo được trên 90% đồng ý.

Suy luận ra thì có lẽ ĐBQH của tôi cũng nằm trong số đồng ý. Như nhiều người đề nghị, nên công khai kết quả bấm nút, ai đồng ý, ai không để cử tri biết và cả để sau này, các thế hệ sau biết mỗi ĐBQH đã có những quyết định như thế nào.

Còn tiếp….

Nguyễn Đức Lam

* Kỳ 1

* Kỳ 3