Đến Hàng Châu lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu tiên thực hiện cái gọi là chính sách “ngoại giao kem đá” nhằm ve vãn lãnh đạo nước chủ nhà Trung Quốc. Với chính sách này, chú “gấu” Nga hy vọng đạt được điều gì và đã làm được gì tại Hàng Châu?

Trong khi quan hệ Moscow-Bắc Kinh đang ấm dần lên, Tổng thống Nga đem theo một món quà lạnh đúng nghĩa cho người đồng cấp nước chủ nhà trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Ông mang một hộp kem từ Vladivostok tới Hàng Châu làm quà tặng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về ngoại giao, kem đá ít mang tính biểu tượng, nhưng việc dùng nó làm quà tặng cho một lãnh đạo cấp cao của một nước lại mang nhiều ý nghĩa. Nó cho thấy một quan hệ cá nhân thân mật hơn giữa hai lãnh đạo.

Trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình đã cảm ơn người đồng cấp Nga Putin về món kem Nga tuyệt đỉnh này, đồng thời tiết lộ rằng ông là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của món kem Nga. Ông nói lần nào tới Nga cũng luôn đề nghị mua và nếm kem. Và giờ đây, ông đã được thưởng thức món tráng miệng ưa thích đó ngay tại nhà mình. Về phần mình, Putin đáp: “Tôi hứa mang nó tới cho ông, và tôi đã thực hiện”.

Thượng khách tại G20 

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu (Ảnh: Reuters)

Vai trò ngày càng lớn trên thực tế của Nga là một người đảm bảo an ninh toàn cầu, cộng với chính sách “xoay trục” sang châu Á dưới thời Tổng thống Putin, dường như đã giúp nước Nga đóng vai trò hàng đầu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Tổng thống Putin đã được Trung Quốc trải thảm đỏ khi đáp xuống sân bay ở Bắc Kinh, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải rời chuyên cơ Air Force One bằng… cửa thoát hiểm, sau một vụ to tiếng giữa một nhân viên Trung Quốc với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Nga được đặt vào một vị trí đặc biệt trong các khách mời. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cũng không giấu giếm khi tuyên bố Nga là thượng khách của hội nghị lần này.

Chủ đề chính của G20 năm nay là kinh tế, và Trung Quốc từng nói mình cùng với Nga tạo thành “các cỗ máy chính của nền kinh tế toàn cầu”. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng thảo luận các vấn đề an ninh với Nga khi nói rằng hai nước “đóng vai trò nền tảng trong việc đảm bảo an ninh trên thế giới”.

Những tuyên bố trên cùng với hình ảnh thân mật của hai nhà lãnh đạo này và cách đón tiếp khá “phân biệt đối xử” dành cho Putin tại Hàng Châu những ngày qua hoàn toàn tương phản với những gì chúng ta đã chứng kiến tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014 tại Brisbane, Australia. Năm đó, ông Putin đã rời phòng họp sau khi bị phương Tây công kích liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Còn tiếp

Đức Đan