Hện nay do nhiều nguyên nhân, hoạt động biểu diễn của các chủ thể liên quan rất dễ dẫn đến xâm phạm quyền tác giả, phổ biến nhất là tình trạng không xin phép chủ sở hữu tác phẩm trước khi biểu diễn.

Tình trạng các ca sĩ, nhạc sĩ tranh chấp về việc sở hữu, sử dụng ca khúc (tác phẩm âm nhạc) đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta. Điều này thể hiện cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.

Ý nghĩa "ca khúc độc quyền"

Khía cạnh tích cực là các chủ thể có liên quan đã quan tâm đến quyền lợi của mình, góp phần thúc đẩy việc nhận thức và tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ của xã hội. Mặt tiêu cực là chính các chủ thể còn chưa nhận thức đầy đủ về quyền tác giả, chưa hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của mình nên dẫn đến những hành vi xâm phạm quyền của người khác hoặc có những ứng xử không phù hợp.

Quyền tác giả đối với một tác phẩm âm nhạc bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân là quyền của người sáng tạo ra tác phẩm (được gọi là tác giả) gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên, quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

Quyền tài sản là quyền của chủ sở hữu tác phẩm được độc quyền khai thác hoặc cho phép người khác khai thác tác phẩm dưới các quyền cụ thể như biểu diễn, sao chép, làm tác phẩm phái sinh... Quyền tài sản của chủ sở hữu là độc quyền và theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân phải xin phép chủ sở hữu trước khi sử dụng một trong các quyền tài sản nêu trên.

Quyền nhân thân không thể chuyển nhượng trừ quyền công bố tác phẩm. Quyền tài sản có thể được chuyển giao theo 02 cách cơ bản là chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển quyền sử dụng, nói đơn giản là bán hoặc cho thuê.

{keywords}
Hai thí sinh trình diễn Chạy mưa trong tập 1 vòng Đối đầu Giọng hát Việt. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Khi chuyển quyền sở hữu (bán) thì việc độc quyền khai thác tác phẩm được chuyển cho chủ sở hữu mới, khi chuyển giao quyền sử dụng (cho thuê) có thể xảy ra 02 trường hợp là cho phép độc quyền hoặc không độc quyền việc sử dụng các quyền tài sản.

Ví dụ, hợp đồng giữa ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm và nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng trong vụ việc chương trình Giọng hát Việt 2013 sử dụng bài hát Chạy mưa, nội dung hợp đồng có đoạn:

Bên B có đồng ý để các tác phẩm được ghi phía trên thuộc quyền sở hữu của bên B cho bên A độc quyền và toàn quyền khai thác kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình, đĩa phim và các chương trình công diễn tác phẩm âm nhạc. Bên A được quyền khai thác trên lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ với những quyền liên quan đến bên A.

Dù nội dung hợp đồng chưa thể hiện chính xác các quyền tài sản nhưng có thể xác định đây là hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm và có tính chất độc quyền.

Trong lĩnh vực âm nhạc, khi nhạc sĩ sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm thì nhạc sĩ là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm. Nếu nhạc sĩ sáng tạo ra tác phẩm mà do được giao nhiệm vụ hoặc do giao kết hợp đồng sáng tạo thì nhạc sĩ là tác giả còn tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ, giao kết hợp đồng với nhạc sĩ là chủ sở hữu tác phẩm.

Do đó, ca sĩ có thể trở thành chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc hoặc là người được sử dụng các quyền tài sản thông qua giao kết hợp đồng với nhạc sĩ. Hợp đồng giữa ca sĩ với nhạc sĩ có thể là hợp đồng thuê sáng tác, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm.

Như vậy, trước hết, bất kỳ một tác phẩm âm nhạc nào cũng đều có ý nghĩa là "ca khúc độc quyền", tức là chỉ chủ sở hữu mới có quyền khai thác hoặc cho phép người khác khai thác ca khúc đó. Ngoài ra, có thể xảy ra trường hợp một ca sĩ không phải là chủ sở hữu tác phẩm nhưng được chuyển "độc quyền sử dụng" một trong các quyền tài sản như đã nói ở trên. Ví dụ: Nếu là "độc quyền biểu diễn" thì chỉ có ca sĩ được chuyển quyền mới có quyền hát ca khúc đó trước công chúng.

Trong thời gian vừa qua, thỏa thuận về việc thuê sáng tác, bán hay cho thuê các quyền tài sản của tác phẩm âm nhạc thường được các bên liên quan thực hiện bằng "miệng" hoặc các tờ giấy viết tay sơ sài, không đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản của một hợp đồng chuyển giao quyền theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Mặt khác, các chủ thể có liên quan nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này nên dẫn đến tranh chấp ngày càng tăng đối với quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc. Điển hình như trường hợp tranh chấp giữa ca sĩ Thanh Thảo và ca sĩ Hiền Thục xung quanh bài hát Cô đơn mình em.

Ca khúc Cô đơn mình em đã được Thanh Thảo mua độc quyền từ nhạc sĩ Phương Uyên với giá 500 USD bằng hình thức "sang tay", nhưng sau đó lại thấy Hiền Thục thể hiện. Theo Hiền Thục, cô không biết Thanh Thảo đã mua độc quyền vì Phương Uyên cho phép cô hát với điều kiện không thu âm, ghi hình.

Hoặc trường hợp vụ việc nhạc sĩ Phạm Việt Hoàng bán "độc quyền" bài hát Còn một chút gì để nhớ cho nhóm The Men, sau đó, thấy nhóm The Men không sử dụng, nên đã đổi tên bài hát thành Tình yêu đầu tiên và bán tiếp "độc quyền" cho Đan Trường (!?). Tranh chấp giữa các chủ thể hiện nay thường là tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tác phẩm, về việc độc quyền sử dụng tác phẩm, trả tiền bản quyền...

Ngoài nguyên nhân như đã nói ở trên còn có nguyên nhân từ việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan có trách nhiệm, các quy định về quản lý hoạt động nghệ thuật, bảo vệ quyền tác giả chưa cụ thể, thống nhất.

Trong khi đó, do là các tranh chấp nhỏ và việc kiện ra tòa hay khiếu nại sẽ phức tạp, tốn công sức nên các vụ tranh chấp quyền tác giả được các bên xử lý bằng cách thách đố nhau hoặc đổ trách nhiệm cho người khác.

Ngược lại, khi đã kiện ra tòa thì các bên thường thiếu kiềm chế trong phát ngôn, thậm chí, vị luật sư được nhạc sĩ Trường Nhân ủy quyền trong vụ xâm phạm quyền tác giả bài hát Chút tình còn lớn tiếng cho rằng "ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có tội" (!?). Vị luật sư này quên rằng trong tranh chấp dân sự chỉ có khái niệm lỗi và nếu có tội thì "không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Nên ứng xử như thế nào?

Có thể thấy rằng việc các chủ thể quan tâm đến quyền lợi của mình trong lĩnh vực nghệ thuật là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân như đã nói ở trên, hoạt động biểu diễn của các chủ thể liên quan đều rất dễ dẫn đến xâm phạm quyền tác giả, phổ biến nhất là tình trạng không xin phép chủ sở hữu tác phẩm trước khi biểu diễn.

Điều này dẫn đến hệ quả tiếp theo là nhiều tác phẩm thuộc diện "ca khúc độc quyền" bị xâm phạm quyền.

Trên thực tế, nếu yêu cầu các bên liên quan phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm trước khi biểu diễn là điều khó khả thi. Thay vào đó, các bên có thể áp dụng phương thức "hát trước trả sau" đối với những tác phẩm đã từng được biểu diễn và trả tiền bản quyền.

Còn đối với những ca khúc mới, chưa xác định được phạm vi độc quyền, phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm trước khi sử dụng và nếu "lỡ dùng" thì nên xin lỗi tác giả, chủ sở hữu tác phẩm kèm một khoản tiền bản quyền tượng trưng thay vì ngụy biện theo kiểu "không biết, không chịu trách nhiệm...". Đó chính là cách hành xử phù hợp trong môi trường văn hóa nghệ thuật.

Ngoài ra, các chủ thể liên quan lĩnh vực âm nhạc nên thực hiện các việc sau: Công khai danh sách các ca khúc được chủ sở hữu yêu cầu độc quyền, hoặc được chuyển quyền sử dụng độc quyền một trong các quyền tài sản.

Tiến hành đăng ký quyền tác giả tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi, tránh rủi ro khi có tranh chấp. Giao kết hợp đồng bằng văn bản, nội dung giao kết thể hiện rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng các quyền tài sản, có độc quyền hay không...

Chu Mạnh Quân