-Mò ra đường, mới thấy cái sự đi lại ngày giáp Tết nó ngổn ngang. Ai cũng có một khuôn mặt lo lắng, căng thẳng lại ngược xuôi.

1. Lâu nay, Tết cổ truyền dân tộc thường vẫn được ca ngợi là một truyền thống tốt đẹp, gia đình sum vầy quây quần, chúc tụng nhau, hướng về một năm mới lạc quan, nhìn lại một năm thành công, mong sắp tới thành công hơn. Hoặc bỏ lại một năm khó khăn mong về một năm hết khó… Hết thảy đều đúng và mục đích đều tốt đẹp. 

Nhưng nhìn lại một chút. Mỗi năm, gặp ai ta cũng chúc cùng những câu như thế, có thể chua thêm ý này ý khác cho đỡ nhàm. Cũng một phần do ta mong mỏi. Một phần khác là muốn làm mọi người vui trong ngày Tết.  

Nhưng quan trọng hơn, phải chăng bởi người Việt Nam ta vốn lạc quan, cái lạc quan của người nông dân dễ quên đi những khó khăn trước mắt, chỉ thấy cái sự no đủ của ngày hôm nay mà quên đi rất rất nhiều thứ, cả những khó khăn phía trước còn rất nhiều cũng tạm quên đi. Họ còn tạm quên cả những cái khó khăn vừa mới hôm qua thôi, còn chạy vạy để gia đình có được cái Tết. Cũng đủ thấy người Việt Nam ta còn tin tưởng vào vận may nhiều lắm. 

Cuối năm cứ đến Bà chúa Kho là đủ thấy, người ta tin cái chuyện vay – trả của bà ấy đến như thế nào. Của nả đầu năm vay, cuối năm trả, đến hẹn lại lên, chen nhau “bẹp ruột”. Ra Giêng người ta còn đi xin ấn Đền Trần, chen nhau cũng sứt đầu mẻ trán. Trong khi nếu lười biếng thì rồi cũng chẳng có gì tự dưng mà khởi sắc. 

Rồi công việc như ngừng trệ hết cả lại. Ở một số cơ quan Nhà nước, chẳng ai muốn làm việc. Lịch họp tổng kết cuối năm, liên hoan văn nghệ hát hò, nhậu nhẹt… thôi thì kín cả. Nhậu trưa, thì có cơ quan nghỉ luôn cả buổi chiều, chỉ còn mỗi mấy nhân viên, hành chính mới ra trường, lơ ngơ trực cơ quan… mà nhiều người mặt còn đỏ dừ, miệng thơm mùi rượu. 

Theo tôi biết, Nhật Bản đã ghép ăn Tết âm lịch vào Tết dương lịch. Theo thiển ý của tôi, đây là một quyết định hay, đúng đắn. Ăn hai Tết, thì thời gian giữa hai cái Tết đó gần như là “vứt đi”, công việc uể oải. Tết Âm lịch nghỉ dài đến gần chục ngày, về mặt kinh tế có thể kích thích tiêu dùng, du lịch, nhưng cũng lại là một sự lãng phí về mặt xã hội. Đầu tiên là lãng phí thời gian. Sau đó là lãng phí của cải tiêu thụ. Cứ nhìn các đại lý rượu bia trước Tết 2, 3 tháng vào vụ thì rõ, chưa cần nói đến lượng rượu của họ cung ứng cho xã hội sau một cái Tết. Làm một cái Tết, ăn chơi cả năm là như thế. 

Ra Giêng, vẫn những cơ quan đó, cũng lại mất một khoảng thời gian “tái hòa nhập”. Mấy ngày đầu, họ đi chúc tụng lẫn nhau, các phòng ban trong nội bộ, rồi các cơ quan bạn bè, hàng xóm… rồi là lễ lạt, rồi vài ngày lại có một người mời về nhà ăn uống. Cứ thế, cứ thế kéo dài đến tận Rằm. 

Chán ngán nhất là ngày Rằm tháng Giêng. Ở đâu đó người ta nói, về sau cả xã hội người ta nói cái câu Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng. Tôi có cảm giác người ta vin vào cái câu đó vì cái ngày Rằm tháng Giêng đang là một cái gì đó tiếc nuối, cào cấu cho cái Tết vui chơi nhảy múa vừa qua đi. Không ít nhà, Rằm tháng Giêng kéo dài đến ngày 20, gần một tuần.

{keywords}
Cảnh tượng đông đúc những ngày giáp Tết. Ảnh: Lê Anh Dũng

2. Năm nào cũng thế, bụng bảo dạ rằng chẳng cần bày vẽ cỗ bàn làm gì cho mệt, ăn uống cả năm rồi, chứ có riêng gì ba ngày Tết đâu. Xác định được như thế, thì cũng sẽ đỡ được chuyện phi ra đường hối hả lo một vài việc không tên. Nhưng thường thì mọi sự đâu có như ý. 

Mò ra đường, mới thấy cái sự đi lại ngày giáp Tết nó ngổn ngang. Ai bảo là vui như Tết, là chẳng hiểu cái gì về Tết. Phải là lo như Tết. Ai cũng có một khuôn mặt lo lắng, căng thẳng lại ngược xuôi. Xe cộ từ các tỉnh nườm nượp đổ về Thủ đô. Vậy nên, đi ra đường tầm đó, không kiềm chế, va chạm nhỏ thành to chuyện như chơi. 

Suy cho cùng, nếu thủ tiêu hẳn cái sự “ăn” Tết cũng là không nên. Rất rất nhiều người chỉ trông vào những dịp lễ, Tết để kiếm được thêm một chút thu nhập. Nhưng cũng không thiếu những kẻ gán vào đó để trục lợi tăng giá, như trông xe lên gấp dăm bảy lần xung quanh những tụ điểm vui chơi, như vé xe cũng lên chóng mặt dù giá xăng dầu giảm liên tục… 

Người và người, ngược xuôi, xuôi ngược lo cho xong cái Tết. Ngẫm thấy cái Tết của ta sao mà khổ.

Nhớ có năm trước Tết (Dương lịch) ở Mátxcơva, anh lái xe trolleybus đi qua cửa hàng thấy người ta xếp hàng dài mua hàng, anh ta đánh lái cho xe chúc đầu vào vỉa ba-toa (tiếng Pháp: trottoire), cần tiếp xúc rớt ra khỏi đường dây điện. Anh ta điềm nhiên thông báo xe hỏng, phải chờ xe của trung tâm đến kéo, bà con lục tục xuống – và anh ta xách túi xuống xếp hàng - chắc thực hiện nhiệm vụ mua hàng Tết vợ giao. Hóa ra, Tết Nga cũng khổ chẳng kém Tết ta. 

Ngày thường tham gia giao thông ở thành phố đã là một trận chiến đấu. Ngày Tết, trận chiến đấu đó nó gian nan, khó khăn vất vả gấp bội. Những điểm nút giao thông ra khỏi thành phố người chen xe, xe chen người ken nhau san sát – bà con vội vã đi về quê, lỉnh kỉnh chở theo đủ thứ. 

Sáng mùng Một cái cảnh đó biến mất, một sự quang đãng đến đê mê ùa đến với bà con ở lại thành phố. Từ mùng Hai, cái sung sướng đó giảm dần đến tầm mùng Ba, mùng Bốn, bà con từ quê lại ùn ùn kéo lên, vẫn lỉnh kỉnh chở theo đủ thứ khác.  

Một năm mới nhiều lo toan, vất vả bắt đầu… 

Phúc Lai