Ai đi xa xứ cũng sẽ mang nhiều nỗi nhớ trong lòng về quê hương xứ sở. Nhưng có lẽ nỗi nhớ cồn cào nhất, đau đáu nhất, da diết thẳm sâu nhất mỗi độ trời đất chuyển mùa sang năm mới là nhớ Tết.

Gia đình tôi sống định cư tại Hà Lan, một quốc gia nhỏ và yên bình ở Châu Âu. Quanh khu vực chúng tôi sống không có người Việt. Mỗi dịp Tết chỉ có mùa đông se sắt lạnh, chỉ có giá buốt và mưa mù tràn ngập, tôi nhớ Tết vô cùng. Không có tiếng cười nói lao xao buổi chợ đông không có lấy một nhành hoa nào đang nở, không có bất cứ thứ gì nhắc Tết, thật buồn…

Gia đình tôi cùng những gia đình người Việt sống ở những thành phố khác nhau, mỗi dịp Tết thường cố gắng liên hệ nhau, chia cho nhau những miếng thịt ngon để làm thịt kho tàu. Nhà nào gói bánh chưng, bánh tét thì những gia đình khác đến đặt bánh để gói chung… Chút nối kết thâm tình vào dịp Tết trở thành niềm an ủi cho những người xa xứ.

{keywords}
Hương vị ngày tết xiết bao thân thương

Chiều cuối năm, tôi cúng giao thừa, bày mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Xong rồi dọn lên bữa cơm giao thừa và lũ trẻ lúc nào cũng là vui nhất. Những đứa trẻ Việt sinh ra lớn lên ở nước ngoài chắc không hiểu nỗi thèm Tết, nhớ Tết da diết và đau đáu đến mức nào, nhưng chúng vẫn thích Tết vì vui, ăn những món ăn ngon, lạ miệng và trải nghiệm những điều thật hay mà bạn bè chúng không được có. Chúng tíu tít bên bàn ăn chờ được ăn bánh tét bánh chưng, thịt kho tàu và dưa giá… Và chúng tôi hỏi: “Vì sao người Việt mình ăn bánh chưng bánh tét vào ngày Tết”, “Vì sao lại mừng tuổi trong ngày này?”, “Vì sao phải trưng hoa mai, hoa đào trong nhà”. Tạ ơn cuộc đời, những câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu và đời vua Hùng Vương thứ sáu được học từ khi còn nhỏ, qua bao thăng trầm của cuộc đời vẫn nằm một góc nào đó trong trí nhớ của tôi để ngày nay tôi có thể kể lại cho lũ trẻ nghe. Chúng nghe chăm chú, đôi mắt trong sáng, tò mò, đôi mắt của những đứa trẻ Việt dù được sinh ra và lớn lên ở xứ sở nào vẫn mang dòng máu Việt.

Giờ giao thừa ở quê nhà chỉ mới 6 giờ chiều ở đây. Chúng tôi nói với nhau: Giao thừa rồi đấy, mà thấy mắt cứ cay cay. Gọi điện thoại về bên nhà chúc Tết gia đình người thân, nghe tiếng cười ríu ran của lũ cháu chắt, nghe tiếng sột soạt thắp hương trên bàn thờ. Xa cách thế mà dường như nghe cả mùi đất trời chuyển động, mùi ngai ngái của ngày mới, năm mới đang vận hành sinh sôi, mùi của bánh mứt và thức ăn tràn đầy trong tâm trí..

Càng nhớ càng thèm không khí Tết, càng phải cố gắng chuẩn bị chút này chút nọ để níu kéo chút hương xuân nơi quê nhà và tổ ấm của mình nơi đất khách quê người. Chưng một cây mai giả làm bằng giấy màu, hỏi chia nhau những chiếc phong bì, lì xì màu đỏ rực may mắn, nấu nồi thịt ngon, muối ít dưa chua, bày mâm ngũ quả và đĩa mứt bánh trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Chờ đúng giờ giao thừa ở đây, nghĩa là đã 6 giờ sáng ở quê nhà, cả nhà ngồi lại chụp một bức ảnh mừng năm mới, nói như thầm thì với nhau: Chúc mừng năm mới! Chúc mừng năm mới!

Mùng một Tết, thường thì cộng đồng người Việt ở Hà Lan sẽ tổ chức buổi mừng xuân ở một nơi nào đó. Và người Việt sinh sống ở khắp nơi Hà Lan sẽ cùng tìm về để mừng Tết cùng nhau, cùng nghe chúc Tết, nghe những bài ca về Tết, ăn phở, ăn bánh tét, bánh chưng, thắp hương cho các bậc tiền nhân. Lũ trẻ reo hò vui nhộn vì được xem múa lân múa rồng, được lì xì, được ca múa hát. Chúng tôi, những người xa xứ, phải “ăn Tết” bằng ký ức, bằng những hồi tưởng của mình. Chúng tôi nỗ lực mang đến không khí Tết trong gia đình mình nhưng cũng không thể khoả lấp đầy nỗi nhớ vì xa cách. Chúng tôi dặn dò con cháu về ngày Tết, về truyền thống quê nhà, về quê hương xứ sở, bởi luôn mong muốn gìn giữ nếp truyền thống của người Việt trong gia đình mình. Vì thế Tết, dù ở rất xa, nhưng vẫn rất gần trong mỗi trái tim người Việt xa xứ nơi đây.

Huỳnh Thu Dung (theo Tuổi trẻ)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại