Nhiều bậc phụ huynh Việt có thể không đồng ý cho con đi bảo tàng xem xác ướp vì lo sợ về mặt tâm linh, nhưng lại rất tùy tiện “thả” cho con theo dõi những chương trình hoặc gameshow giải trí của người lớn.

Tôi từng có dịp ghé thăm bảo tàng Anh (British Museum), một bảo tàng nổi tiếng ở London. Khi bước vào khu vực tham quan xác ướp Ai Cập, đập vào mắt tôi là những bộ quan tài hoa văn sặc sỡ và đặc biệt là các xác ướp quấn chặt trong những mảnh vải đã ố màu được đặt nằm trong lồng kính.

Nhìn quanh căn phòng đông đặc người tham quan, tôi chú ý là có rất nhiều trẻ em, thậm chí là cả những em bé chỉ mới 2 - 3 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc ông bà. Các em rất tự nhiên say sưa tìm hiểu các xác ướp, và được cha mẹ hoặc ông bà giải thích cặn kẽ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tôi bỗng tự hỏi tại sao những phụ huynh kia lại cho con em đi tham quan một nơi khá đáng sợ như vậy. Trò chuyện với ông bố của hai em bé, ông cho rằng việc tìm hiểu này sẽ rất tốt cho kiến thức của các bé và chúng sẽ không sợ nữa nếu thấy thú vị.

Tôi tiếp tục đặt câu hỏi ấy với người bạn đi cùng, đã có con nhỏ ở Việt Nam. Bạn tôi cho rằng anh cũng có thể cho con đến những nơi này, nhưng chắc chắn ông bà nội, ngoại của bé sẽ không đồng ý, vì những nỗi sợ mơ hồ về mặt tâm linh hoặc tâm lý.

Câu chuyện nhỏ làm tôi nghĩ tới cách dạy con của một số bậc ông bà, cha mẹ ở Việt Nam.

Trước tiên, đó là sự mâu thuẫn trong cách dạy con trẻ của các thế hệ trong gia đình. Sự bảo thủ của người lớn tuổi và nhu cầu đổi mới của các bậc cha mẹ trẻ đôi khi sẽ làm cho đứa trẻ khó tiếp thu được nền giáo dục phù hợp.

Càng ngày, sự vận động của cuộc sống cũng như tốc độ cập nhật của công nghệ thông tin khiến cho các bậc cha mẹ trẻ có thêm những kiến thức mới trong nuôi dạy con trẻ, họ bắt đầu áp dụng những kiểu dạy con kiểu Mỹ, kiểu Nhật, v.v… Từ đó kéo theo những “cuộc chiến” ngầm, gây sứt mẻ tình cảm trong gia đình, giữa ông bà và bố mẹ của em bé xung quanh chuyện dạy con.

Hiện tượng thứ hai dễ nhận thấy, đó là những tréo ngoe trong sự cẩn trọng và mức độ quan tâm. Nhiều bậc phụ huynh Việt có thể không đồng ý cho con đi bảo tàng xem xác ướp vì lo sợ về mặt tâm linh, nhưng lại rất tùy tiện “thả” cho con theo dõi những chương trình hoặc gameshow giải trí của người lớn, những bộ phim có hình ảnh bạo lực hoặc kinh dị, thậm chí là cho trẻ em tập hát những bài hát yêu đương.

Nhiều bố mẹ khi cãi nhau thường không kiềm chế bản thân, dẫn đến những hành động hoặc phát ngôn không đúng mực trước mặt đứa trẻ mà không lường được ảnh hưởng. Đã có rất nhiều bằng chứng khoa học rõ ràng về tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của hành vi bố mẹ đến nhận thức và quá trình trưởng thành của con trẻ.

Chia sẻ thêm với tôi về lý do phụ huynh Việt đôi khi có thể không cho con đi tham quan ở những nơi như thế này, ông bố của hai đứa trẻ tôi gặp trong Bảo tàng Anh cho rằng đó có thể là khác biệt về mặt văn hoá. Điều đó khiến tôi suy nghĩ.

Với những trải nghiệm và hiểu biết của mình, tôi thấy phụ huynh ở phương Tây nhìn con em như những thực thể độc lập, vì thế họ coi trọng trách nhiệm trong việc đối xử với những thực thể độc lập ấy.  

Trong khi đó, đa phần phụ huynh Việt lại nhìn con cái như một phần không thể tách rời của chính mình, con cái là của cải, là thuộc quyền sở hữu của bố mẹ. Vì thế, chúng ta cho rằng việc làm bố mẹ trước hết là một quyền, và không ít người muốn quyết định thay con đủ thứ.

Sự gắn kết của nét đặc trưng văn hóa ấy có thể làm cho mối liên hệ của bố mẹ và con cái ở Việt Nam chặt chẽ hơn rất nhiều so với phương Tây, nhưng trong một chừng mực nào đó lại làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi dạy con trẻ.

Khác biệt về văn hóa là những điều sẽ rất khó thay đổi trong ngày một, ngày hai, và cũng không hẳn kiểu dạy con của phương Tây sẽ tốt hơn, ưu việt hơn. Tuy nhiên, để trẻ em trưởng thành và hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa, phải chăng các bậc ông bà, cha mẹ ở Việt Nam cần ý thức hơn về sự độc lập của con trẻ, hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của phụ huynh để vừa không chi phối, vừa không buông lỏng con mình một cách thái quá.

Lê Đức Tiến, Nghiên cứu sinh, Đại học Aston (Vương quốc Anh)