Chi khi nào người dân có nhận thức, có kiến thức và chủ động nắm bắt thông tin thì họ sẽ biết làm gì trên “luống cày” của mình.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về đói nghèo, vòng luẩn quẩn nghèo đói được mô tả: nghèo đói->thất học/dân trí thấp-> lao động giản đơn->thu nhập thấp-> không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ kinh tế, xã hội cơ bản-> nghèo đói.

Ít học thì chỉ tìm được việc thu nhập thấp

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng  Viện Khoa học lao động và xã hội, lương của người lao động Việt Nam tăng rất ít, và vẫn ở mức rất thấp. Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nông thôn thấp hơn của thành thị,

Một nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội cũng cho biết, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động tăng rất chậm, chỉ tăng 0,5%/năm, đạt 4,36 triệu/người/tháng trong giai đoạn 2010-2014.

Khảo sát cho biết, trong quí 4 năm 2014, thu nhập bình quân tháng của lao động nhóm ngành “nông-lâm nghiệp và thủy sản” vẫn thấp nhất, chỉ đạt 2,85 triệu/tháng, so với ngành “công nghiệp-xây dựng” có mức 4,24 triệu đồng/tháng và nhóm ngành “dịch vụ” có mức 4,9 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Nghiên cứu của viện cho biết, năng suất lao động của Việt Nam ở vào mức thấp nhất của Châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam tính theo sức mua tương đương của đồng đô la Mỹ tại thời điểm 2005 ($PPP, 2005)  là 5.440 đô la Mỹ, thuộc nhóm bốn nước thấp nhất trong ASEAN (Myanmar, 2.828 đô la Mỹ; Campuchia, 3.900 đô la Mỹ; và Lào, 5.396 đô la Mỹ), thấp hơn của các nước còn lại trong khối ASEAN: chỉ bẳng 55% của Indonesia (9.848 đô la Mỹ); 53% của Philippines (10.026 đô la Mỹ), 40% của Thái Lan (14.754 đô la Mỹ), 20% của Malaysia (35.751 đô la Mỹ), và 1/15 của Singapore (98.072 đô la Mỹ).

Nếu tính theo nghề, lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất (3 triệu đồng/lao động/tháng). Thu nhập bình quân quí 4-2014 của nhóm “lãnh đạo” là cao nhất (6,93 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 2,33 lần lao động giản đơn); tiếp đến là nhóm “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” (6,38 triệu đồng/lao động/tháng), bằng 2,15 lần nhóm “lao động giản đơn” (3 triệu đồng).

Bà Nguyễn Thị Lan Hương nhận xét, cơ cấu lao động của Việt Nam khá tụt hậu trong khối ASEAN với tỷ lệ lao động nông nghiệp cao thứ 4 sau Lào, Indonesia và Myanmar. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm chậm, năm 2014 vẫn chiếm gần 47% tổng lao động xã hội nhưng giá trị được tạo ra từ ngành này chỉ chiếm 17,16% tổng giá trị GDP của cả nước, cho thấy năng suất lao động trong nội bộ ngành nông nghiệp vẫn còn rất thấp.

Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, nhiều dự báo cho thấy lao động làm công việc giản đơn sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế của công nghệ.

Giải pháp xóa nghèo bền vững

Theo khuyến cáo của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB), đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề nâng cao dân trí ở các vùng nghèo được xem như “chiếc chìa khóa” để cho người dân tự mở khóa kho tàng kiến thức cũng như những tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh trên mảnh đất của họ.

Để giảm nghèo một cách bền vững, đặc biệt là giảm bớt sự chênh lệch quá lớn giữa “vùng nghèo” và “vùng giàu”, thì cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực hơn. Do vậy, các chính sách xóa đói giảm nghèo quốc gia cần tập trung vào ba giải pháp chính. Trong đó giải pháp trước nhất là chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí (hai giải pháp tiếp theo là tăng cường đầu tư xây dựng cho giao thông nông thôn và chính sách hỗ trợ vay vốn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ).

Qua đúc kết từ thực tiễn ngàn đời, ông cha ta luôn khuyên dạy con cháu: “Cho cái cần câu thay vì cho con cá” cũng chính là vì vậy.

Đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các vùng, các huyện, các xã có nhiều hộ nghèo chính là trao “cái cần câu” cho người dân.

Chi khi nào người dân có nhận thức, có kiến thức và chủ động nắm bắt thông tin thì họ sẽ biết làm gì trên “luống cày” của mình. Họ sẽ tự biết trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, có hiệu quả cao nhất. Nhờ đó mới có thể vượt qua đói nghèo.

Gia Hưng - Diệu Thúy