"Rút cục sau một, hai học kỳ đầy tâm huyết, nhiều người trong số chúng tôi đành tặc lưỡi cứ bổn cũ soạn lại".

Hiện nay, số lượng các giảng viên được đào tạo tại nước ngoài và trở về giảng dạy tại các đại học ngày càng tăng. Nhưng liệu điều này có thể thành chất xúc tác cho giáo dục đại học VN?

Phương pháp mới chào thua “thày đọc, trò chép”

Một giảng viên tại một viện đại học lớn ở miền Trung từng kể: Sau nhiều năm tu nghiệp tại Úc, tôi trở về quê hương và đi dạy tại chính đại học từng theo học. Suốt thời gian qua, không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp từng du học như tôi đã dồn tâm huyết để dạy các em. Chúng tôi tìm cách thay đổi lối học chăm chăm thày đọc, trò chép của sinh viên và thúc đẩy các em tự đọc sách, tự nghiên cứu, tự khám phá và sáng tạo.

Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi: Chỉ có một vài sinh viên trong một lớp có thể theo mô hình này, còn lại thì y như cũ. Cuối khóa, khi nhà trường tiến hành khảo sát, kết quả đánh giá của sinh viên dành cho các thày cô như tôi không cao. Bởi các em cho rằng nếu dạy bằng cách này thì các em không học được gì cả. Rút cục sau một, hai học kỳ đầy tâm huyết, nhiều người trong chúng tôi đành tặc lưỡi quay về bổn cũ soạn lại. Nhìn sinh viên trên giảng đường đại học đi học không khác gì học sinh cấp 4 mà đau lòng.

Tự đọc sách, tự nghiên cứu, tự khám phá và sáng tạo, những gì vốn là phẩm chất thông thường của sinh viên đại học thế giới thì ở VN có vẻ vẫn xa xỉ. Khảo sát khảo sát 100 SV của Trường ĐH Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy chỉ có khoảng 30% SV tiếp cận thông tin từ sách. Tương tự ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ có khoảng 25% SV thường xuyên đọc sách.

Tuy nhiên, thời lượng dành cho việc đọc sách chỉ chiếm khoảng từ 10 - 15% thời gian học tập của SV. Trong khi đó, yêu cầu của việc đào tạo theo tín chỉ thì phần lớn thời gian SV phải dành cho việc tự học.

Đây chỉ là một đánh giá trên diện hẹp, nhưng nhìn rộng ra, ai cũng có thể thấy rõ sinh viên VN còn quá thụ động. Và hệ quả sẽ theo các em ngay khi đang học, cũng như sau khi trường, đối mặt với cuộc sống.

{keywords}
Sinh viên đọc sách trên thư viện. Ảnh: TBKTSG

Có thể thấy rõ sự đuối sức của nhiều sinh viên khi không theo nổi chương trình học, cho dù chương trình này hiện không có gì cạnh tranh so với các đại học khu vực và thế giới.

Mới đây, báo chí đưa tin trung bình mỗi năm học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo và buộc thôi học; Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM mỗi năm cũng có gần 400 sinh viên bị buộc thôi học; Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM buộc thôi học gần 300 sinh viên. Còn tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, đỉnh điểm năm 2013, nhà trường buộc thôi học đến hơn 500 sinh viên…

Trên báo chí, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến một phụ huynh đến trường quỳ lạy xin cho con được tiếp tục học tập. Vì vậy, đối với một gia đình khi có con em bị buộc thôi học là một điều thật khủng khiếp và hệ lụy của nó đôi khi còn tác động tiêu cực đến xã hội”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp và tổ chức vốn là nơi đón nhận đầu ra của sinh viên đại học thì than trời vì phải đào tạo lại nếu muốn tuyển dụng. Kết quả này cũng góp phần làm cho lượng sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng.

Vòng luẩn quẩn “cơm chấm cơm”

Rõ ràng, giáo dục đại học không thể thay đổi bao nhiêu, nếu như không thay đổi tận gốc từ giáo dục phổ thông. Bởi chính giáo dục phổ thông sẽ cung cấp nguyên liệu cho giáo dục đại học. Vòng luẩn quẩn “cơm chấm cơm” này thực sự sẽ làm cản bước của sự phát triển xã hội lâu dài nếu như không có cách thoát ra.

Nghị quyết của Hội nghị TW 8 cho thấy hiện mục tiêu giáo dục của Việt Nam là  "giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân". Tuy nhiên, với cách dạy và học như hiện nay, điều này trở nên xa vời.

Còn Bộ Giáo dục dường như vẫn đang còn lúng túng trong nhiều bước đi. Trong khi lời giải chung quy vẫn là cải cách lại việc quản lý giáo dục trên cơ sở  giao quyền tự chủ và tạo khả năng sáng tạo cho chính các cơ sở giáo dục. Bởi đây chính là mấu chốt dẫn đến đổi mới chương trình, phương pháp, việc dạy và học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Còn nếu không, nhiều phần đầu tư vào giáo dục đại học ở ta sẽ trở thành lãng phí,  như kiểu thầy Tây học về không thể dạy nổi trò đang ở VN như hiện nay.

Nguyễn Anh Thi