Vào thời điểm năm 2008 và 2012, giá gạo nhập khẩu trung bình của Việt Nam còn lên tới hơn 1000 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu trung bình chỉ chưa đạt mức 600 USD/tấn.

>> Xem lại Kỳ 1: Việt Nam đang cần thêm một 'Khoán 10'

Mịt mù con đường tìm thương hiệu

Chưa có thương hiệu, giá gạo của Việt Nam bán ra thấp hơn nhiều so với các loại gạo có thương hiệu của Thái Lan hay Pakistan.Theo số liệu xuất nhập khẩu của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) (năm 2015), gạo Basmati của Pakistan hay gạo Jasmine của Thái Lan luôn có giá xuất khẩu trên 1000 USD/tấn từ năm 2012 cho tới này, trong khi cùng thời điểm đó, gạo 5% tấm của Việt Nam chưa có thời điểm nào lên đến 500$/tấn.

Giá một số loại gạo có thương hiệu của Thái Lan và Pakistan so sánh với giá gạo 5% tấm của Việt Nam, 2000 -2015, (USD/tấn)

{keywords}
Nguồn: FAO (2015)

Ngay ở thị trường nội địa, gạo Việt Nam dường như cũng đang thua trên chính sân nhà. Theo số liệu của FAO (năm 2015), trong giai đoạn 2004-2012, mức giá trung bình gạo nhập khẩu của Việt Nam luôn cao hơn mức giá trung bình xuất khẩu.

Vào thời điểm năm 2008 và 2012, giá gạo nhập khẩu trung bình của Việt Nam còn lên tới hơn 1000 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu trung bình chỉ chưa đạt mức 600 USD/tấn. Chúng ta có thể hiểu được, do khẩu vị đa dạng, chúng ta vẫn nhập khẩu gạo với số lượng không nhiều. Nhưng thực tế cay đắng là trong khi chúng ta phải nhập khẩu gạo với giá cao, chất lượng tốt; thì gạo xuất khẩu ra chỉ có chất lượng thấp.

Do vậy, bài toán định hình thương hiệu gạo Việt Nam trở nên nóng hơn bao giờ hết. Mới đây, Thủ tướng vừa ký Quyết định 706/QĐ-TTg về quy hoạch xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 

Hiện nay, một số DN cũng đang cố gắng phát triển các thương hiệu gạo. Ví dụ như thương hiệu gạo hữu cơ “Hoa Sữa” xuất sang Anh Quốc của Công ty Viễn Phú Việt Nam, hay thương hiệu “Hạt Ngọc Trời” đang được Công ty BV Thực vật An Giang xây dựng để bán trong nước và đem đi xuất khẩu. Điểm mấu chốt đó là các DN này có vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu có chất lượng.

Nhìn sang Thái Lan hay là Campuchia, các thương hiệu gạo đều do DN trực tiếp quản lý. Rõ ràng, để hình thành nên một sản phẩm gạo có chất lượng cao, quá trình sản xuất gạo cần được liên kết theo chuỗi, mà trong đó, DN là “mắt xích” quan trọng nhất. Mắt xích này giúp liên kết người nông dân và thị trường đầu ra, kiểm soát từ quá trình trồng lúa có chất lượng, độ đồng đều cao; gây dựng thương hiệu đến tiếp thị thương hiệu tới người tiêu dùng. Trong bài toán thương hiệu gạo, DN đóng vai trò chủ chốt. 

{keywords}
Xuất khẩu gạo Việt Nam. Ảnh: Công lý

Doanh nghiệp Việt Nam cần được cởi trói

Nhìn lại quá trình đổi mới 30 năm qua, bước ngoặt về mặt chính sách đối với ngành lúa gạo có lẽ phải kể đến đó là Chính sách “Khoán 10”. Thực chất, “Khoán 10” đã tạo động lực để người dân canh tác, gia tăng sản xuất vì họ được hưởng lợi trên chính đồng lúa của mình.

Câu hỏi đặt ra hiện nay sẽ là: ai có đủ động lực để tạo ra gạo có thương hiệu và chất lượng cao?

“Vai trò lịch sử” của người nông dân là sản xuất gạo đủ sản lượng để cung cấp đủ cho thị trường nội địa, không cần phải nhập khẩu. Họ đã hoàn thành xuất sắc vai trò đó trong 30 năm qua. Nhưng người nông dân không có nhiều động lực sản xuất gạo tốt hơn nếu không có tác động từ “ba nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu) khác, bởi ví dụ như ở ĐBSCL, thương lái chỉ thu gom lúa tươi theo sản lượng mà không cần biết tới chất lượng.

Hai nhà – nhà nước và nhà nghiên cứu – có động lực nhưng không trực tiếp sản xuất và hưởng lợi. Chỉ còn lại duy nhất nhà doanh nghiệp, những người bôn ba trên thị trường để tìm kiếm lợi nhuận lâu dài, là có động lực thực sự để sản xuất và buôn bán gạo chất lượng cao. Khi DN có lợi nhuận thì đối tác của họ, người nông dân, cũng sẽ được hưởng lợi. Do vậy, chỉ có DN và người nông dân mới có thể quyết định việc chúng ta có thể sản xuất gạo chất lượng cao và có thương hiệu hay không.

Bởi vậy, điều quan trọng nhất về mặt chính sách lúc này là phải đưa ra các hướng hỗ trợ lực lượng thị trường, cụ thể là doanh nghiệp và nông dân, khiến họ cảm thấy mình có lợi từ việc tạo thương hiệu, được hưởng thành quả thật sự từ quá trình thực hiện tổ chức sản xuất gạo chất lượng cao. Với các chính sách như vậy, cả nông dân và doanh nghiệp sẽ tạo ra những liên kết bền vững và lâu dài.

Tình trạng “không có một thương hiệu nào” trong triển lãm thương mại gạo năm 2013 cho thấy những động lực dành cho các bên tham gia là chưa đủ, những rào cản của chính sách cho vấn đề này còn lớn, DN đang bị bó buộc ở đâu đó và cần được cởi trói. Đó chính là cơ sở để Việt Nam đề ra một chính sách “Khoán 10” mới, với đối tượng hướng đến là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng lúa gạo.  

Môi trường đầu tư ổn định, kèm theo chính sách thân thiện với các DN là những điều mà ngành lúa gạo cần hướng tới nếu muốn định vị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong khi các Tổng công Lương thực Việt Nam (Vinafood) vẫn đang loay hoay tìm cách tạo ra thương hiệu gạo để xuất khẩu, một số DN tư nhân đã chủ động liên kết chuỗi với người nông dân, cho ra những hạt gạo đặc sản, chất lượng cao. Theo như TS Nguyễn Đức Thành [1], Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), DN tư nhân chính là những “đấu sỹ” mang thương hiệu gạo Việt Nam ra đấu trường thế giới. Thế nhưng, những đấu sỹ này đang bị chính cơ chế chính sách làm bào mòn đi ý chí chiến đấu. Bài viết sẽ trình bày nhưng hạn chế chính sách cần tháo gỡ để DN lúa gạo được “cởi trói”.

(Còn tiếp)

Nguyễn Quang Thái – Nguyễn Khắc Giang

(Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR) 

---------

[4] Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Tia sáng, 21/07/2015.