Một nhà lãnh đạo mà chúng ta cần lúc này phải là người có tư tưởng sáng suốt, có thể rung chuyển cả xã hội nhất là ở thời điểm bước ngoặt.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu những chia sẻ của GS Hoàng Chí Bảo – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương.

Nhìn lại 30 năm Đổi Mới, nhiều vị lãnh đạo cho rằng, đất nước có mặt phát triển nhưng vẫm chậm, lại có không ít mặt tụt hậu. Thực tiễn này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục Đổi Mới. Vậy lí luận cần đổi mới thế nào để theo kịp thực tiễn, để trở thành điểm tựa cho công cuộc ĐỔI MỚI tiếp theo?

Nói đến lý luận là nói đến khả năng phản ánh đúng thực tiễn. Dĩ nhiên, cũng chỉ tương đối thôi  bởi vì không ai có thể nói một lần mà đụng chạm đến tận cùng chân lý được đâu. Mà cũng làm gì có chân lý tuyệt đối. Bởi vậy, lý luận phải cố gắng phản ánh đúng thực tiễn, thậm chí phản ánh gần đúng thực tiễn cũng đã là quý rồi chứ đừng để cách xa hoặc trái ngược.

Lý luận cũng đóng vai trò dự báo, dẫn dắt, định hướng thực tiễn phát triển. Với mỗi biến đổi của thực tiễn, lý luận phải có sức mạnh năng động, sáng tạo để điều chỉnh kịp thời, không lệ thuộc, đóng đinh vào những cái trước đây và coi đó như là giáo lý bất biến.

{keywords}

GS Hoàng Chí Bảo

Lí luận vẫn còn nhiều mắc nợ cuộc sống vì nhiều vấn đề chưa có giải đáp thấu đáo.

Ví dụ, khi chúng ta xác định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Chúng ta đã rất nhất quán về mặt tư tưởng rồi, nhưng bây giờ lý luận phải làm sao cắt nghĩa cho được là làm thế nào để khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt cả nền kinh tế.

Hay như chuyện thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Có lúc chúng ta quan niệm không đúng, coi tư nhân không phải là chủ nghĩa xã hội và là cội nguồn của tiêu cực. Nhưng nay ta đã nghĩ khác, tư nhân chính là nhân dân, là người dân tham gia làm kinh tế. Khi đã thừa nhận vai trò làm chủ của người dân, khi luật pháp cũng quy định mọi công dân được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm thì rõ ràng kinh tế tư nhân là một đối tượng kinh tế tất yếu, tự nhiên và lành mạnh phải được phát triển.

Vậy sắp tới chúng ta phải có những lý luận để mở đường cho những hành động cụ thể nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân có thể góp phần tạo ra động lực phát triển như chúng ta đã xác định.

Đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị.

Quan sát Đại hội XII có một điểm nhấn đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị. ĐỔI MỚI chính trị bao gồm đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng. Thậm chí Đảng còn nêu rõ cần nghiên cứu vấn để Đảng cầm quyền, quan niệm cầm quyền thế nào? Nội dung và phương thức cẩm quyền thế nào? Điều kiện nào để cầm quyền có hiệu quả? Chúng ta còn bàn cả đến nguy cơ cần phòng tránh với Đảng duy nhất cầm quyền.

Làm thế nào để giải quyết câu chuyện là một Đảng cầm quyền mà vẫn kiểm soát quyền lực, có dân chủ phát triển đầy đủ, thực chất là bài toán lớn của lý luận chính trị của chúng ta.

Làm sao để hệ thống tổ chức giữa đảng và nhà nước không chồng lấn lẫn nhau?

{keywords}

Một nhà lãnh đạo mà chúng ta cần lúc này phải là người có tư tưởng sáng suốt, có thể rung chuyển cả xã hội nhất là ở thời điểm bước ngoặt.

Việc hợp nhất cơ quan đảng với cơ quan nhà nước làm một ở những loại hình cơ quan giống nhau về chức năng và nhiệm vụ. Nếu thực hiện được điều này về mặt ý tưởng, thiết kế trong thực tiễn sẽ là một đột phá về chính trị.

Bên cạnh đó, ta có nhà nước pháp quyền. Đây chính là phần tinh túy nhất của dân chủ. Và chỉ có thực hiện dân chủ mới kiểm soát quyền lực. Thực hiện dân chủ không có gì khác là đảm bảo tốt nhất quyền con người và quyền công dân, tức là nhân quyền và dân quyền trong bối cảnh phát triển đất nước và thế giới như hiện nay.

Hiến pháp của ta cũng đã hiến định không chỉ thẩm quyền mà còn trách nhiệm của Đảng, ghi rõ trong khoản 1, Điều 4 là: "Đảng chịu trách nhiệm giữa nhân dân và xã hội về những quyết định của mình". Bên cạnh đó, còn có cả một chương với dung lượng lớn về điều khoản, quyền con người, quyền công dân.

Làm sao chọn được đúng người để giao trọng trách?

Người lãnh đạo và tập thể lãnh đạo cũng như các cơ quan lãnh đạo của Đảng ta và Nhà nước ta hiện nay phải thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, xã hội và phải có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực, trí tuệ cộng cả phong cách và phương pháp hiện đại để có đủ sức dẫn dắt cả xã hội, nhân dân đi tới mục tiêu đã định.

Phẩm chất và nhân cách của nhà lãnh đạo thời hiện đại, thời đổi mới hiện nay khác trước nhiều. Mỗi giai đoạn lịch sử có yêu cầu riêng về con người

Bác Hồ đã đúc kết, “Dĩ công vi thượng” tức là việc công, việc Đảng, việc dân, việc nước đặt lên trên hết, hy sinh cá nhân mình đi.

Để làm được điều đó đòi hỏi người lãnh trọng trách phải có bản lĩnh, phải có dũng khí vượt qua danh lợi. Đây là “gót chân Asin” của con người, mà lãnh đạo cao mấy thì cũng là con người cả thôi. Cái hơn nhau là ở chỗ anh có vượt qua được điểm yếu chí tử này hay không.

Cái phức tạp và lắt léo là ở chỗ, có những vị nói là thương dân nhưng trong hành động thực tế thì lại vì chính bản thân họ nhiều hơn. Không hiếm đâu. Dân họ biết cả đấy. Người ta gọi đó là sự giả dối, thậm chí có thể nói một thứ cơ hội.

{keywords}

Thực tiễn đòi hỏi người cầm trịch phải có tài năng, tài năng này không đo bằng học vấn mà đo bằng hiệu quả việc làm, bằng cách thức giải quyết công việc, bằng những tác động nhằm tạo ra hiệu ứng xã hội, đem lại lợi ích cho người dân. Và phải có khả năng tháo gỡ những trói buộc, những rào cản nhằm thúc đẩy phát triển.

Một nhà lãnh đạo mà chúng ta cần lúc này phải là người có tư tưởng sáng suốt, có thể rung chuyển cả xã hội nhất là ở thời điểm bước ngoặt.

Bản lĩnh, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Người đó cũng phải có một niềm tin kiên định thì mới có thể đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Kẻ cơ hội vào vị trí cấp cao sẽ là đại họa. Đây là sự quan tâm lo lắng không chỉ trong Đảng mà cả dân cũng lo. Đảng như thế nào thì cuộc sống của nhân dân sẽ thế đấy. Nhân dân luôn bảo vệ Đảng, tin cậy vào Đảng thì họ càng đòi hỏi Đảng lựa chọn nhân sự, bố trí những vị lãnh đạo sao cho xứng đáng.

Theo dõi cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc tại Đại hội XVIII có điều đáng suy nghĩ.  Đó là nếu ai vào Trung ương bị phát hiện tham nhũng sẽ bị xử lí rất nghiêm.

Còn ở ta, vẫn còn tình trạng cả nể, dĩ hòa vi quý… bởi vậy khiến cho cuộc chiến chống tham nhũng chưa được như mong muốn, kéo dài làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Để chống lại tham nhũng thì hệ thống luật pháp nhà nước phải rất nghiêm minh. Đặc biệt, cần dựa vào dư luận xã hội tức là tiếng nói của người dân cộng với tất cả các thông tin của các phương tiện truyền thông. Dân với tất cả những mẫn cảm của họ, trực giác họ có thể mách bảo cho chúng ta biện pháp, cách làm.

Nguyễn Hoa